Vào đầu những năm 2000, các nhà sản xuất chương trình của Kênh 4 (đài truyền hình Anh) đã quyết định thực hiện một bộ phim tài liệu có tựa đề "Boys Alone".
Tập phim gần như thực hiện đúng như tựa đề - 10 cậu bé ở độ tuổi từ 11 đến 12 tuổi được đưa đến sống trong một ngôi nhà xinh đẹp ở hạt Hertfordshire (Anh Quốc) trong 5 ngày.
Không có cha mẹ, không có người lớn và không ai trong số chúng từng gặp nhau trước đó. Ngôi nhà và khu vườn chứa đầy đồ chơi, sơn vẽ, sách và trò chơi cũng như một nhà bếp đầy đồ ăn thức uống.
Tập phim này được phát sóng vào năm 2002, ngay sau đó là một tập phim khác được thực hiện. Trong đó, thí nghiệm tương tự được tiến hành, chỉ có điều lần này có sự tham gia của một nhóm 10 đứa trẻ gái.
Sự hỗn loạn không ngờ được
Không rõ mục đích của nhà sản xuất khi thực hiện thí nghiệm này là gì nhưng kết cục có lẽ là điều bản thân họ không ngờ tới. May mắn không có thương vong xảy ra nhưng mọi thứ rơi vào hỗn loạn đến đáng sợ.
Ở ngôi nhà của những đứa trẻ nam, chúng chia thành 2 phe và hầu hết mọi thứ trong nhà đều bị phá hủy nhanh chóng. Mặc dù có nhiều loại thực phẩm được cung cấp sẵn trong nhà nhưng đám trẻ chủ yếu ăn ngũ cốc có đường và đồ uống có ga.
Chúng bắt đầu chuỗi ngày "tự do" bằng việc sơn tường, ném thức ăn xuống sàn và bắn súng nước vào nhau.
Hầu hết các cậu bé tiếp tục cư xử theo cách này cho đến ngày thứ ba khi một số thành viên cố gắng lau sạch lớp sơn trên tường. Mặc dù tất cả đều tham gia lớp học nấu ăn một tuần trước khi sống chung một nhà, nhưng không có cậu bé nào có vẻ nhớ bài. Điều dễ nhất mà chúng có thể làm là quẳng một chiếc bánh pizza đông lạnh vào lò nướng.
Đến ngày thứ 5, ngôi nhà đã trở thành bãi rác, thức ăn, đồ chơi, ghế vương vãi khắp nơi và hầu như không còn chút thức ăn nào được dùng để nấu nướng.
Một trong những cậu bé tên là Michael đã bị các bạn khác nhóm coi là "vật tế thần" và bị bắt nạt tập thể. Thậm chí có thời điểm cậu bé còn bị trói vào một chiếc ghế trong vườn. Nhưng vì nguyên tắc ban đầu của chương trình nên không có sự can thiệp nào cả.
Sau thành công của "Boys Alone", kênh này quyết định tung ra bộ phim tài liệu thứ 2 với ý tưởng tương tự, thay vào đó là các bé gái.
Khi đến lượt các bé gái, sự hỗn loạn cũng xảy ra sau đó, chắc chắn là do sự phấn khích khi không có người lớn ở bên giám sát. Tuy nhiên, vẫn có sự ngăn nắp hơn, với một vài bé gái còn tự mình nấu bữa ăn và dọn dẹp.
Trong một đoạn phim được phát sóng, có thể thấy cảnh đám trẻ nữ đang cùng nhau ăn một bữa tại bàn trước khi 2 bạn khác tổ chức buổi trình diễn thời trang như một hình thức giải trí cho cả nhóm.
Với nhóm trẻ nữ, vẫn có sự hỗn loạn xảy ra nhưng không đáng ngại. |
Sau các hoạt động, một trong số các bé gái bắt đầu dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa, những bạn khác cũng tham gia. Ngay sau đó, họ cùng nhau lập thời gian biểu nấu nướng và dọn dẹp để phân chia trách nhiệm với nhau.
Các bé gái đôi khi cãi vã với nhau nhưng thường làm hòa bằng cách an ủi, trấn an. 2 đứa trẻ xin được rời khỏi ngôi nhà chung sớm. Các em vẫn dọn dẹp một chút trước khi rời đi.
Mặc dù các bộ phim tài liệu thu hút sự chú ý của khán giả truyền hình thời điểm đó nhưng vẫn có một số tranh cãi về đạo đức khi để cho một đám trẻ sống một mình trong khoảng thời gian dài như vậy. Và điều gây bức xúc là nó còn được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia.
Sự ân hận của cha mẹ
Nói chuyện với Mirror vào năm 2009, khi Kênh 4 tiếp tục tổ chức một thí nghiệm xã hội tương tự cho một bộ phim tài liệu, cô Ruth Lewis, mẹ của một trong những cậu bé tên Sam, đã lên tiếng và nói rằng mình rất hối hận khi cho phép con trai tham gia chương trình năm 2002.
"Thí nghiệm xã hội đó thật tồi tệ. Nếu có thể quay ngược lại thời gian, tôi cương quyết không cho phép con trai mình tham gia chương trình. Đó là sự hỗn loạn kinh khủng", cô nói.
"Xem chương trình này, tôi thực sự không thể tin được mình đã làm điều đó với con trai mình. Thật kinh khủng khi xem lại nó. Thật là điều khủng khiếp mà một đứa trẻ phải trải qua ở độ tuổi ấy".
Sam, 19 tuổi vào thời điểm phỏng vấn, nói thêm: "Bất kỳ cậu bé nào cũng sẽ đồng ý với một cơ hội như thế, nhưng điều đó không có nghĩa là nó đúng đắn. Cháu chưa bao giờ nhớ mẹ nhiều hơn khoảng thời gian đó trong cuộc đời. Đó là tình trạng hỗn loạn và trở nên chán nản khi 10 đứa trẻ trong ngôi nhà chung bị chia cắt thành 2 nhóm và chiến tranh nổ ra. Nơi này đã trở thành bãi rác và cháu xấu hổ khi phải nói rằng mình thậm chí còn trở thành một kẻ côn đồ".
Bài học về cách nuôi dạy con trai và con gái?
2 bộ phim này dù đã được phát sóng đã lâu nhưng bài học để lại vẫn còn giá trị đến nay. Đa số mọi người sau khi xem đều nhận ra sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm trẻ nam và nữ. Mọi người đều nhanh chóng nhận ra rằng các bé gái vẫn có sự nghiêm túc, tự giác và kỹ năng làm việc nhóm để đạt được những quyết định rõ ràng trong khi các bé trai lại chỉ biết tàn phá, mặc dù cả hai nhóm đều có nguồn lực như nhau.
Một người bình luận: "Đó là cách các cậu bé được nuôi dạy. Trở nên vô dụng trong việc chăm sóc người khác. Họ không quan tâm đến người khác. Đây là chuyện của phụ nữ. Vì vậy, tôi cho rằng sự rối loạn chức năng này là lỗi của xã hội và cách đàn ông muốn được nhìn nhận".
Tuy các bé gái có những điểm không hoàn hảo và những lúc cãi vã nhưng họ thường cùng nhau tìm ra giải pháp hợp lý chứ không chia thành phe đối lập như các bé trai.
Vậy thí nghiệm xã hội này đã đạt được điều gì? Nó dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta, bất kể giới tính, nên rèn luyện sự đồng cảm, thấu hiểu. Khi những phẩm chất này được thấm nhuần, bất kỳ ai, dù trai hay gái, đều có năng lực và khả năng trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả.
Nguồn: Tổng hợp