Theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, "Nước sạch ở Hà Nội được gọi nguyên thủy là nước máy. Trước khi người Pháp du nhập công nghệ nước máy vào Hà Nội thì người dân kinh thành vẫn sử dụng thứ nước truyền thống từ giếng đào và những nguồn nước tự nhiên như đầm, hồ, sông qua cách khử lọc bằng phương pháp dân gian là đánh phèn".
Tháp nước Đồn Thuỷ, 1 trong 2 tháp nước cổ nhất Hà Nội |
"Nhà máy nước Yên Phụ là nơi sử dụng công nghệ khoan và sử dụng nước ngầm đầu tiên ở Hà Nội, có mặt từ những năm cuối của thế kỷ 19. Song song với nhà máy nước là tháp nước Hàng Đậu làm chức năng chứa nước trên cao để tạo áp lực đưa nước đến hệ thống tiêu dùng. Trong ảnh là tháp nước Hàng Đậu đầu thế kỷ 20" |
"Ai sống qua thời bao cấp mới thấy nước dạo đó hiếm hoi và quý giá như thế nào. Người dân chắt chiu tiết kiệm, nói không quá là từng giọt nước. Nguyên hệ thống đường ống dẫn nước từ người Pháp làm bằng gang được chôn sâu trong lòng đất tỏa đi khắp phố phường. Ngoài đường ống dẫn vào nhà dân thì Hà Nội đặc biệt có một loạt các trụ máy nước ở hầu hết các phố" |
"Các máy nước này cũng được đúc bằng gang có vòi bằng gang hoặc bằng đồng. Chúng được gọi là các vòi nước công cộng. Sau này khi Hà Nội giải phóng thì các vòi nước đường phố được xây bằng xi măng. Có thêm các bể nước công cộng ở các khu tập thể lớn và những khu gia đình vừa và nhỏ" |
"Hình ảnh cái vòi nước có một khoảng xi măng bao bọc hay khoảng sân cạnh bể nước công cộng chứa đám người với đủ mọi sinh hoạt như rửa rau, giặt quần áo thậm chí là tắm thật sống động" |
"Tôi chưa quên cảnh xếp hàng lấy nước thâu đêm suốt sáng. Các vòi nước công cộng hầu như chảy liên tục. Người dân xếp hàng với chính chiếc thùng gánh nước bằng thiếc hoặc sắt tây. Nước được vận chuyển bằng đòn gánh có móc xích nối với thùng nước" |