Lễ hội Katê năm 2019 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở tỉnh Ninh Thuận đã chính thức diễn ra tại hai tháp chính là Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và Pô Rômê, ở xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước). Lễ hội diễn ra trang trọng, rực rỡ sắc màu theo đúng nghi thức tín ngưỡng truyền thống của đồng bào.
Phụ Nữ Mới trân trọng giới thiệu chùm ảnh phóng sự của các tác giả: Eason Chang, Nguyễn Ngọc Huân, Lê Quốc Anh thực hiện tại lễ hội Katê 2019, Ninh Thuận.
Dựa theo từ điển của E. Aymonier – A. Cabaton, Kate là danh từ có nguồn gốc từ Katik của Hindu (Hindu giáo) và từ kattika của Phạn ngữ (Sanskrit) Ấn Độ. Ý nghĩa của từ Kate này được dịch theo nghĩa hẹp là lễ cúng vào tháng 7 lịch Chăm. Tuy nhiên, một điều chú ý ở đây là Ấn Độ không có tục lễ cúng này.
Ngoài ý nghĩa được dịch theo từ Kate của Hindu và Ấn Độ, Kate còn có ý nghĩa chung rộng hơn là một lễ tưởng nhớ tổ tiên, một số vị thần linh, một số vua chúa và các nhân vật có công với đất nước và dân tộc. Ý nghĩa này được thể hiện rõ qua nội dung tổ chức lễ hội kate theo văn bản chữ Chăm (akkar thrah) bao gồm: kinh hành lễ Kate (danak ngap yang Kate), bài thánh ca của các vị thần (damnây dom po yang) và những lời cầu nguyện của người tham dự lễ (panuec alankar po yang).
Từ những điều lý giải trên, ta có thể kết luận Kate là một nghi lễ có nguồn gốc bản địa (tín ngưỡng địa phương) mang bản sắc riêng của Champa xưa. Tuy nhiên, về sau lễ hội Kate có một số yếu tố ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ và Hồi giáo. Minh chứng cho chúng ta thấy rõ, tuy ba cộng đồng tôn giáo Chăm Ahier, Chăm Awal và Chăm Islam đều có chung một lễ nghi, lễ tục ban đầu. Tuy nhiên, về sau khi chịu sự ảnh hưởng từ Hồi giáo và Ấn giáo nên có sự khác biệt theo tín ngưỡng và lễ cúng riêng.
Lễ hội Kate được hình thành trên những nền tảng về tục cúng lễ và tín ngưỡng của Ấn Độ giáo từ thế kỷ II đến thế kỷ II. Về sau, nó được lan tỏa và hình thành nên lễ hội khi có sự ảnh hưởng và dung hòa của Hồi giáo từ thế kỷ XV và tín ngưỡng địa phương.
Theo sử sách, ngoài bộ phận người Chăm Awal đến tham viếng và dâng kính lễ hội. Bộ phận người Raglai là bộ phận đóng một vai trò hết sức quan trọng để tạo nên tính thành công của lễ hội. Bởi lẽ, chính người Raglai là người giữ những đồ vật quan trọng của vua chúa như áo, váy, khăn mão, còng tay, hoa tai, cùng với đó là các đồ vật cúng lễ như tô, bát, chén… được làm bằng vàng và bạc. Ngoài ra, những lễ vật cúng tế như trầu cau, đậu, dê, nếp… cũng đều do người Raglai chuẩn bị.
Theo Sách Sakaya “Văn hóa Chăm – nghiên cứu và phê bình” – NXB: Phụ nữ, các lễ vật dâng cúng Katê tại đền tháp bao gồm: 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế ở tháp, 5 mâm cơm, canh cúng với thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng, 3 ổ bánh gạo và hoa quả. Ngoài ra còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè… Đây là những lễ vật được bay cúng trên các tháp, riêng dưới chân tháp còn có hàng trăm mâm lễ vật khác cũng được bày ra từ những người đi tham gia lễ.
Sau phần lễ cúng tế trên các đền tháp là nghi thức cúng lễ tại làng. Song song trong nghi thức cúng lễ tại làng này là phần hội. Để chuẩn bị cho phần lễ và phần hội tại làng, dân làng phân công nhau quét dọn đền thờ, ngôi nhà chung của làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi… Cùng thời gian đó một bộ phận khác lại chuẩn bị lễ vật cúng thần.
Nghi thức làm lễ tại làng cũng được tổ chức trang trọng không kém gì như ở trên các đền tháp. Vì tín ngưỡng là mỗi làng thờ một vị thần riêng nên trong lễ cúng tế thần làng, chủ tế lễ không phải là chức sắc tôn giáo mà thường được dân làng tôn vinh hoặc người có uy tín và tinh thông phong tục tập quán. Ông là người thay mặt cho dân làng dâng cúng lễ vật cho thần và cầu mong thần sẽ phù hộ, độ trì ban phước lành cho làng.
Đến hẹn lại lên, lễ hội Katê đã thu hút rất nhiều bà con tham gia và cả các nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu văn hóa khắp nơi tham dự.