Sự việc ồn ào liên quan đến một tiệm bánh ngọt ăn kiêng nổi tiếng ở Hà Nội đang thu hút sự chú ý của dư luận. Theo VTV24, thực phẩm ăn kiêng giảm cân bán ở tiệm bánh này được giới thiệu là không sử dụng đường và có hàm lượng calo thấp. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm, hai hộp bánh có hình thức tương tự, được mua tại cửa hàng nói trên với giá 290.000 và một cửa hàng khác giá 40.000 có kết quả kiểm nghiệm lượng đường, tinh bột là khá giống nhau.
Điều này khiến nhiều người không khỏi hoang mang, đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của các thực phẩm ăn kiêng hiện bán tràn lan trên mạng. Dù phải chi số tiền khá đắt đỏ hơn bánh ngọt thông thường, nhưng sức khỏe vẫn không được đảm bảo.
Xã hội phát triển, nhu cầu giảm cân làm đẹp cũng tăng cao, chưa kể là ngày càng có nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe khi cân nặng vượt qua mức cho phép. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện toàn cầu có khoảng 2 tỷ người thừa cân, béo phì. Ở Việt Nam, năm 2021, tỷ lệ thừa cân béo phì ở 2 thành phố Hà Nội và TPHCM là 18% tổng số người thừa cân béo phì trên toàn quốc.
Chính vì nhu cầu tăng nên khắp nơi xuất hiện nhiều lời mời chào với những cam kết đầy hoa mĩ như "không ăn kiêng", hay "ăn kẹo cũng giảm được mỡ"… Thế nhưng phía sau đó lại là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí chứa chất cấm. Nhiều trường hợp mệt mỏi do mất nước, thậm chí phải nhập viện vì tổn thương não, suy thận cấp…
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận cấp cứu một trưởng hợp khó thở, hôn mê, co giật, tổn thương não… sau khi uống một loại "Cà phê giảm cân". Kết quả giám định cho thấy trong loại cà phê giảm cân trôi nổi mà bệnh nhân sử dụng có chứa chất độc Sibutramine, là hoạt chất đã bị Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14/4/2011 do có tác dụng không mong muốn.
Trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm giảm cân cấp tốc với số lượng người tham gia khá đông. Ít ai biết được rằng các sản phẩm giả lẫn lộn với các sản phẩm thật là một nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
Bên cạnh đó, đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhưng vẫn ăn ngon của thực khách, các cửa hàng bánh ngọt gắn mác "Keto" hay "healthy" mọc lên như nấm.
Câu chuyện về tiệm bánh nổi tiếng vừa qua khiến nhiều thực khách không khỏi bức xúc. Bởi có không ít người đã đặt niềm tin lớn vào đơn vị này bởi những thông tin họ xây dựng hình ảnh thương hiệu rất uy tín như chủ tiệm là du học sinh Anh, học làm bánh ở nước ngoài và nguyên liệu cũng là hàng nhập khẩu. Ngoài ra thông qua các bài đăng, các bài đánh giá, người tiêu dùng cũng dễ dàng bị rơi vào "bẫy" với mong muốn sớm có được vóc dáng thon thả, gọn gàng.
Không khó để tìm thấy những nơi bán hàng khác đăng tải những bài viết như "bánh không đường", "Tiệm bánh ăn kiêng", thậm chí có tiệm còn quảng cáo "bánh an toàn cho người tiểu đường, thai kỳ...". Trên thực tế, những loại bánh này thường có mức năng lượng calo vừa phải, hoặc khá thấp. Bởi vậy bánh được tin tưởng và sử dụng bởi nhiều khách hàng. Tuy nhiên, dường như sau một thời gian, trải nghiệm của họ lại không được như mong muốn.
Theo các bác sĩ Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, nếu có nhu cầu giảm cân, mọi người nên đến các Trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp kết hợp với tập luyện thể. Tuyệt đối không nên tin vào những lời quảng cáo không có cơ sở khoa học để dẫn đến tiền mất tật mang.
Thay vì lựa chọn những phương pháp giảm cân tiêu cực, nhiều người vẫn tìm đến việc tập luyện để có thể đạt được vóc dáng mong muốn cũng như giảm cân một cách an toàn. Chế độ ăn uống và hoạt động thể chất an toàn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, giảm trọng lượng cơ thể dư thừa hoặc duy trì giảm cân thành công.
Bên cạnh đó, nếu có thời gian, thực khách hoàn toàn có thể tự làm được những chiếc bánh "healthy" tại nhà khi thay đổi một số nguyên liệu như chất tạo ngọt stevia thay đường, bột hạnh nhân thay bột mì, konjac thay thạch...