• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Một người đàn ông, tôi cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình”

Thực tế, cũng như phụ nữ từ lâu đấu tranh để được tin tưởng khi họ báo cáo bị lạm...

Sau nhiều ngày "tranh đấu" căng thẳng và ồn ào, cuộc chiến giữa Johnny Depp - Amber Heard đã chính thức kết thúc. Phần thắng thuộc về nam tài tử Johnny Depp, nam diễn viên được nhận 15 triệu USD đền bù danh dự do bị vợ bạo hành. Thông tin này dường như không chỉ đối với người hâm mộ của cả hai diễn viên, mà khiến cả thế giới, những người theo dõi vụ kiện đình đám vừa vỡ òa cảm xúc, lại vừa ngậm ngùi về những điều mà cặp đôi nổi tiếng đã và đang mang đến cho nhau. Một mối tình ngắn ngủi nhưng quá nhiều sóng gió và bất ổn, gây tổn hại cho nhiều người thân và cho cả chính người trong cuộc.

Chắc hẳn ai cũng nhớ đến khoảnh khắc trong phiên điều trần ngày 25/4 tại tòa án Fairfax (Virginia), khi Johnny Depp cay đắng thừa nhận: “Tôi, Johnny Depp, một người đàn ông, tôi cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình”. Câu nói này dấy lên nhiều luồng tranh luận khác nhau và cũng chính câu nói này như một lời nhắc nhở về một thực trạng đã, đang và vẫn luôn tồn tại trong xã hội mà chúng ta vô tình bỏ qua. 

Johnny Depp - Amber Heard 
Johnny Depp - Amber Heard 

Từ xưa đến nay, khi nhắc đến bạo lực gia đình, phần nhiều sẽ nghĩ đến phụ nữ và trẻ em sẽ là những người bị bạo lực và chịu thiệt thòi. Thậm chí với nhiều người, trong tư duy mặc định "phụ nữ luôn là phái yếu, luôn là nạn nhân". Thế nhưng thực tế, không hiếm những trường hợp ngược lại, những người được coi là phái mạnh mới chính là nạn nhân. Theo một thông kê tại Đức vào năm 2020, có đến 26.000 người đàn ông trong danh sách nạn nhân của bạo lực gia đình tại đất nước này được thống kê trong vòng một năm. Số liệu chính thức của Đức cũng cho thấy gần 20% nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới.

Elizabeth Bates - nhà nghiên cứu tại Đại học Cumbria (Anh) cho biết, xã hội ít thừa nhận rằng cũng có những người đàn ông dễ bị tổn thương, những người đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chuyện đàn ông bị bạo lực đôi khi được miêu tả trên TV hoặc trong các chương trình hài, có những người còn không tin về sự thật là đàn ông cũng bị bạo lực bởi chính những người thân trong gia đình. Điều này vô tình ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ, xuất phát từ nỗi sợ rằng không ai tin họ.

Elizabeth Bates đã tiến hành một nghiên cứu và đưa ra nhận định rằng, do cách nhìn nhận của xã hội, nam giới khó coi mình là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trên thực tế, điều này có thể khiến các nạn nhân nam phải trả một cái giá rất lớn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo một nghiên cứu thí điểm hồi năm 2004 của Bộ Các vấn đề gia đình của Đức, cứ 6 người đàn ông thì có một người cho biết anh ta đã bị bạn tình bạo hành. 10% trong số đó cho biết bị tát, bị đá hoặc bị ném đồ vật vào người. Phổ biến nhất là các báo cáo về sự bạo lực tinh thần. Thống kê ở Mexico năm 2020 cũng cho thấy khoảng 25% số nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới. Ở Kenya, Nigeria hay Ghana, nạn thất nghiệp và nghèo đói thường xuyên gây ra các vụ tương tự.

Nhà tội phạm học người Anh Antony Whitehead nhận định: "Đàn ông lớn lên trong những xã hội mà chủ nghĩa anh hùng là một khía cạnh quan trọng của bản lĩnh đàn ông. Các nhà nghiên cứu và nhà trị liệu tập trung vào trải nghiệm của nam giới đồng ý rằng trước tiên họ phải được giải phóng khỏi ngục tù của những hình ảnh truyền thống về những gì đàn ông mong đợi. Sau đó, họ phải học rằng họ không đơn độc".

Ở nước Anh, dù theo dữ liệu hàng năm từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) xác nhận rằng phụ nữ tại đây phải gánh chịu nạn bạo lực gia đình nhiều hơn, cụ thể là 1,6 triệu nạn nhân, nhưng điều đó không có nghĩa nam giới sẽ không bị bạo hành. Số nạn nhân là nam còn lên đến 750.000 trường hợp. 

Tại nước Anh, có một luật mang tên Domestic Violence Disclosure Scheme (Tiết lộ Bạo lực gia đình) hay còn gọi là Clare's Law đã cho phép các cá nhân liên hệ với cảnh sát khi nghi ngờ bạn đời có dấu hiệu bạo hành. Luật này cho phép cảnh sát viên tiết lộ những thông tin đến công chúng trong một số trường hợp nhất định nhưng thực tế chỉ có 3% số người tham gia chương trình này là nam giới.

Có tới 49% số nạn nhân nam không nói với ai về việc họ bị bạo hành vì các định kiến xã hội, trong khi con số này ở phụ nữ là 19%. Đôi khi các số liệu về nhân bạo lực là nam giới còn bị đưa vào mục thống kê về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái của cơ quan truy tố Crown.

Có nhiều lý do mà nam giới không tiết lộ mình là nạn nhân của bạo lực ra đình, có thể đối với họ, đó là một điều gây tổn thương lòng tự trọng. Thực tế hầu như các nạn nhân nam giới chọn giải pháp im lặng vì sợ việc bị tiết lộ danh tính làm ảnh hưởng đến danh dự của bản thân, họ sợ cảm giác không ai tin rằng một người đàn ông có thể bị bạo lực, hoặc xã hội sẽ nhìn họ như những kẻ yếu ớt, thua cuộc. Theo báo cáo của British Medical Journal, có đến 64% nam giới sẽ không gọi đến các đường dây giúp đỡ nếu không thể ẩn danh, đồng thời chỉ có 1/6 nạn nhân nam sẽ báo cảnh sát.

Đường dây trợ giúp quốc gia về bạo lực gia đình được điều hành bởi Tổ chức trợ giúp phụ nữ và trẻ em chống lại bạo lực gia đình và Tổ chức hỗ trợ phụ nữ có một điều mà ít ai để ý đó là cả hai đều không đề cập gì đến nam giới hoặc trẻ em giới tính nam. 

Trong giai đoạn 2017-2018, số nạn nhân nam bị thương bên trong hoặc bị gãy xương và răng là 4,3%, trong khi số lượng này ở phụ nữ là 0,4%. Nhìn chung, có 31,8% nam giới và 22,7% nữ giới bị tổn thương về thể chất trong các mối quan hệ. Có rất ít số lượng tài trợ chỗ lánh nạn cho nạn nhân là nam giới, nhưng với phụ nữ và trẻ em thì ngược lại. 

Thời điểm đại dịch hai năm qua, các nạn nhân là nam giới cũng tương tự như phụ nữ, họ không thể rời nơi ở là cơn ác mộng của họ mỗi ngày chỉ vì không đủ tài chính. Theo thống kê, số cuộc gọi đến các đường dây cứu trợ đã tăng 1/4 so với cùng kỳ năm trước và số lượng truy cập vào trang web ManKind Initiative cũng tăng 75%.

Theo số liệu được công bố bởi ONS vào năm 2020, số lượng người vô gia cư là nam lên tới 2.277 người trong khi phụ nữ là 377 người, một phần ba số lượng nam giới trong đó là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Theo nhà báo và tác giả Cathy Young (cây bút quen thuộc của Los Angeles Times), hơn 200 nghiên cứu đã khẳng định trong các mối quan hệ bạo lực, phụ nữ có khả năng là "kẻ gây hấn như đàn ông". Không phải lúc nào đàn ông cũng biết mình đang bị lạm dụng hoặc bạo hành gia đình. Các chuyên gia chỉ ra những dấu hiệu gồm: Bị xúc phạm, hạ thấp; ngăn cấm bạn đi làm, đi học; không cho gặp các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, các mối quan hệ xã hội khác; kiểm soát tài chính, đi đâu, làm gì, mặc gì.... Họ cũng có thể đe dọa bạn bằng bạo lực, vũ khí; đánh, đá, xô, xát, bóp cổ hoặc làm tổn thương bạn, con bạn, vật nuôi; ép buộc quan hệ tình dục hoặc thực hiện các hành vi tình dục trái ý muốn...

Thực tế là cũng như phụ nữ từ lâu đấu tranh để được tin tưởng khi họ báo cáo bị lạm dụng, nam giới cũng đang phải chống lại hàng loạt định kiến. Xã hội không thừa nhận đàn ông cũng là nhóm người dễ bị tổn thương, nhiều người có thể cười nhạo khi thấy họ bị tổn thương, là nạn nhân của phụ nữ”.

Thanh Mai (TH)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật