Theo một nghiên cứu toàn cầu vào tháng 7 năm 2022, ước tính một người trung bình dành 2 giờ 29 phút mỗi ngày để xem các trang mạng xã hội hay các trang web tương tự. Đối với nhiều người, dùng mạng xã hội có thể chiếm phần lớn thời gian trong ngày, thậm chí còn là cơn nghiện khó có thể vượt qua.
UK Addiction Treatment (UKAT), tổ chức chuyên điều hành các trung tâm “cai nghiện" mạng xã hội thống kê rằng số lượng người tìm đến để được giúp đỡ đã tăng đến 5% chỉ trong vòng 3 năm qua.
Một báo cáo của Meta - công ty mẹ của Facebook - cho thấy lượng người dùng đã giảm đáng kể, đây là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra tình trạng này.
Gayle Macdonald, một người phụ nữ 45 tuổi đã quyết định ngưng dùng mạng xã hội sau một lần khiến chồng tức giận vì mải chụp ảnh mà quên đi việc mình đang đứng ở nơi nguy hiểm. Khi nói về quá trình từ bỏ của mình, cô chia sẻ: “Tôi đã nghĩ rằng việc này cần phải được chấm dứt. Chụp ảnh đã từng là việc đầu tiên tôi làm mỗi khi đi đến một nơi nào đó. Cứ phải suy nghĩ về việc mình sẽ chụp ảnh gì, viết trạng thái như thế nào khiến cho não tôi như bị quá tải".
Ảnh minh họa. |
Ngay sau khi đăng bài thông báo về việc dừng dùng mạng xã hội, mọi người đều bình luận rằng ước gì họ có thể làm được điều đó, hay khen ngợi cho sự dũng cảm của Gayle. Cô cho biết, sau khoảng thời gian đầu cảm thấy hơi trống trải thì dần dần cô lại có được cảm giác tự do và sự yên bình trong cuộc sống của mình.
Nữ doanh nhân Urvashi Agarwal cũng đã rời bỏ trang Instagram của mình vào năm 2014 và bắt đầu dùng trở lại vào 1 năm sau đó. Nhưng đến tháng 8 năm nay, cô dường như đã thật sự hạ quyết tâm. Hiện nay, Urvashi cũng không còn sử dụng Facebook hay Twitter nữa mà thay vào đó, cô đọc 15 trang sách mỗi đêm.
Hilda Burke, nhà trị liệu tâm lý và đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách “The Phone Addiction Workbook" chia sẻ: “Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được thời gian mình đã lãng phí vì hầu hết các điện thoại đều hiển thị thông tin về thời gian sử dụng. Nhìn thấy tổng số lượng thời gian ta sử dụng mạng xã hội trong ngày sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ".
Hilda khuyên mọi người nên thông báo với bạn bè rằng mình sẽ từ bỏ mạng xã hội để họ không cố gắng liên lạc với chúng ta thông qua nó. Hãy sử dụng các cách thức liên lạc quen thuộc như gọi điện thoại.
Kashmir, một giám đốc quan hệ công chúng trẻ tuổi đến từ thị xã Rochester, nước Anh cũng đã rời bỏ Instagram và Snapchat từ 10 tháng trước. Người này nói: “Việc nhìn thấy người khác đã làm được một việc gì đó trong khi mình thì không khiến tôi thấy áp lực, mặc dù biết rằng họ chưa chắc đã làm được trong thực tế.
Tôi sẽ có một giấc ngủ thật ngon sau đó thức dậy với một tinh thần sảng khoái. Tôi của hiện tại đã không còn so sánh cuộc sống của mình với người khác, và tôi cũng không quan tâm đến cuộc sống riêng tư của người khác.
Rời bỏ mạng xã hội cho phép tôi tự tin đưa ra những quyết định của riêng mình mà không còn bị ảnh hưởng bởi người khác nữa", Kashmir cho biết thêm.
Cố vấn viên Nuno Albuquerque của UKAT chia sẻ nguyên nhân của việc nghiện mạng xã hội có thể đến từ nhiều lý do, trong đó, lý do lớn nhất là vì mọi người xem đây là một hình thức thoát ly khỏi hiện thực, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Ngày càng có nhiều người từ bỏ mạng xã hội, có lẽ mọi người đã dần nhận ra được thiệt hại mà nó tạo ra đối với những mối quan hệ ngoài đời cũng như sức khỏe tinh thần.