Chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng tình yêu không phải là yếu tố quan trọng duy nhất để một cặp đôi quyết định có bước vào hôn nhân hay không. Nhưng cũng chẳng thể phủ nhận một sự thật rằng nếu không yêu nhau đủ nhiều, nếu tình cảm không đủ sâu sắc, thường thì sẽ chẳng có mấy ai đặt bút ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn.
Vì yêu mà cưới trở thành điều dễ hiểu, chẳng có gì để bàn cãi. Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, không ít cặp vợ chồng lại rơi vào tình cảnh đầy bế tắc: Rõ ràng chúng ta kết hôn vì yêu nhau nhưng tại sao hiện tại lại chẳng hạnh phúc?
Đây không chỉ là nỗi băn khoăn của các cặp vợ chồng có đời sống hôn nhân chưa viên mãn, mà cũng là chủ đề được các nhà tâm lý học quan tâm.
Sau nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát cùng kinh nghiệm tư vấn cho hàng trăm cặp đôi, Matthew Nichols - Nhà tâm lý trị liệu trong lĩnh vực hôn nhân gia đình đã chỉ ra 3 hành vi/thói quen là thủ phạm ngầm "tiêu diệt" hạnh phúc trong hôn nhân.
1. Luôn càu nhàu, chì chiết mọi việc mà đối phương làm
Cảm thấy không vui hoặc khó chịu khi người bạn đời làm những việc trái với kỳ vọng của mình hoặc không tốt như mình kỳ vọng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng việc phản ứng quá gay gắt đến mức phủ nhận mọi nỗ lực lẫn thành ý của họ là vấn đề hoàn toàn khác.
Tranh minh họa |
Một vài ví dụ rất đơn giản và dễ hiểu trong hoàn cảnh này: Anh ấy muốn vào bếp, nấu cho bạn một bữa ăn nhưng món thì quá mặn, món lại cháy đen và bạn tỏ ra bực tức, thậm chí buông lời quát tháo; Cô ấy muốn giúp bạn dọn dẹp bàn làm việc nhưng lại vô tình làm xáo trộn đống tài liệu của bạn và thế là bạn hằn học, buông lời cảnh báo "đừng bao giờ lại gần bàn làm việc của anh nữa",...
"Dù bạn là vợ hay là chồng, tôi muốn bạn hiểu được tầm quan trọng của việc ghi nhận sự nỗ lực và thành ý của đối phương trong mối quan hệ hôn nhân.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của họ, nếu ý tốt của bạn nhiều lần bị phủ nhận, liệu bạn có còn muốn bỏ công sức chăm sóc, quan tâm họ và vun vén cho cuộc sống của cả hai nữa hay không?" - Matthew gợi ý hướng tư duy đúng đắn trong trường hợp người bạn đời của bạn hành xử không đúng như bạn kỳ vọng.
2. "Gom nhặt" những bức bối để "xả" ra trong một lúc
Việc 2 cá thể hoàn toàn khác biệt xảy ra mâu thuẫn khi chung sống là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng thay vì giải quyết ngay khi vấn đề xuất hiện, nhiều người lại chọn cách im lặng để mọi chuyện lắng xuống rồi đến một lúc nào đó - khi không chịu nổi nữa, họ mới bắt đầu lôi từng chuyện ra để "ba mặt một lời".
Theo Matthew, cách xử lý mâu thuẫn này là vô cùng sai lầm.
"Hai bạn có thể tạm cho nhau 1 đến vài ngày để lấy lại bình tĩnh trước khi ngồi xuống, cùng nhau giải quyết vấn đề. Cố tình nhẫn nhịn hay làm ngơ để đến lúc bản thân ấm ức không chịu nổi mới bày tỏ chỉ làm những bất đồng chồng chất lên nhau, khó giải quyết hơn mà thôi". - Matthew khẳng định.
Tranh minh họa |
3. Không giữ được bình tĩnh khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng
Tranh cãi khi mất bình tĩnh thường gây ra những hệ quả đáng tiếc: Nhẹ thì "sát thương" nhau bằng ngôn từ, nặng thì dùng vũ lực gây ra những vết thương thể xác và kéo theo cả vết thương tinh thần.
Theo quan điểm của Matthew, việc cãi vã, bất đồng hoàn toàn có thể là đòn bẩy hạnh phúc, giúp hai người hiểu rõ suy nghĩ cũng như mong muốn của đối phương. Nhưng điều này chỉ đúng khi cả hai biết giữ bình tĩnh khi tranh cãi.
"Hãy nói không với bạo lực ngôn từ và bạo lực thể xác trong tất cả những cuộc tranh luận lớn nhỏ của hai người. Đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng mà hai bạn dành cho nhau" - Matthew khẳng định.
Sau đó, Matthew cũng tiết lộ thêm rằng muốn biết người bạn đời có dành cho mình sự tôn trọng hay không, hãy quan sát cách anh ấy/cô ấy phản ứng khi cả hai xảy ra mâu thuẫn, bất đồng.
"Bản chất của một người sẽ bộc lộ rõ nhất trong những cuộc tranh luận, không quan trọng đó là mối quan hệ hôn nhân hay bạn bè, đối tác,... Thật dễ để tỏ ra lịch thiệp, hòa nhã với nhau khi giữa chúng ta chẳng có bất đồng nào" - Matthew nhấn mạnh.