Nhà chống lũ hay nhà chống ngập là những mô hình được thiết kế và xây dựng để thích ứng với mưa lũ, giảm bớt những tác động tiêu cực từ thiên tai. Ở Việt Nam, mô hình này còn có thể xây dựng tại vùng ngập lũ miền Tây trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng. Nhà chống lũ hiện nay đã được thiết kế, sáng tạo với 3 loại chính là nhà kê nền, nhà phao, nhà có gác. Tổng cộng trong 3 loại hình có tới 9 mô hình ứng dụng được liệt kê ngay dưới đây.
Nhà kê nền
Nhà kê nền thấp: Sàn nhà được kê lên hệ cột cách mặt đất với khoảng cách tối thiểu là 500mm, đảm bảo bùn hoặc nước lũ và các vật cuốn theo có thể chảy qua khoảng trống dưới sàn nhà mà không gây tác động đến khung nhà.
Nhà kê nền cao: Nền nhà được nâng lên trên mặt đất khoảng 3m. Khi không có lũ, người dân có thể dựng vách, liếp che tầng 1 để sinh hoạt. Khi có lũ, tầng 2 được sử dụng là nơi sinh hoạt và tránh lũ của người dân.
Nhà kê nền linh hoạt là mô hình có thể tách rời liên kết giữa khối nhà và móng để nâng nhà khi cần mà không phải phá huỷ kết cấu. Mô hình nhà linh hoạt là một lõi an toàn, giảm nhẹ tổn thất do thiên tai (bão, lụt).
Hình minh họa |
Loại nhà phao
Nhà phao biệt lập: Khung nhà bằng thép để giảm trọng lượng khung nhà, có mặt bằng hình vuông, sàn lát ván gỗ, vách thưng ván gỗ hoặc tôn kẽm. Mái 4 dốc lợp tôn kẽm, có hành lang ngoài để nâng cao tính cân bằng chống dao động, có cửa ray trượt để dễ sử dụng khi gió lùa mạnh. Dưới gầm có thùng phuy sắt làm hệ phao nổi giúp nâng toàn bộ nhà, người và tài sản bên trong nổi lên, hạ xuống theo mức nước lũ và được neo giữ bằng hệ cọc trượt hoặc dây neo.
Nhà phao gắn liền nhà xây: Đây là một gian nhà phao trên gác ngôi nhà xây. Gian nhà này có cơ cấu nổi vượt trên mức nước ngập với mức nổi tối đa trên 10m, đều trên 4 cọc thép ở 4 góc, đồng thời còn là điểm neo chân cho khung nhà.
Hình minh họa. |
Loại nhà có gác
Nhà hai gác chỉ người ở được xây dựng trên cơ sở thiết kế với cấu trúc móng, trụ, khung dầm, sàn bê tông và tường xây gạch nung hoặc gạch không nung. Độ cao của gác hoặc sàn tầng một thường được thiết kế cao hơn mức ngập tối thiểu cao 2,85m, có cầu thang trong nhà để người dân lưu trú trong thời gian có lũ, bão.
Nhà hai gác có chỗ cho gia súc có cầu thang phía ngoài cho người và gia súc di chuyển lên tầng trên khi có lũ. Độ cao tầng hai được tính toán vượt trên mức đỉnh lũ lịch sử của khu vực để đảm bảo cho người dân và gia súc có thể lưu trú trong thời gian ngâm lũ. Thang rộng 1,2m - 1,5m, bậc cầu thang có độ cao 10cm - 12cm đảm bảo cho trâu, bò, dê dễ dàng di chuyển lên trên.
Mô hình nhà có cầu thang ngoài còn có tác dụng khi nhà bị lũ ngập, việc di chuyển, sinh hoạt, cứu trợ của người dân và lực lượng cứu hộ bằng thuyền sẽ cập mạn cầu thang ngoài để vào nhà thuận lợi. Toàn bộ gian phía sau để chứa cỏ, rơm, và nông sản; gian trước dành cho người.
Hình minh họa. |
Nhà 3 gian có gác xép: Có 1 gian lồi bằng với phần hiên nhà, ba gian được bố trí công năng sử dụng như ba gian truyền thống, bếp và công trình phụ xây dựng thêm tùy nhu cầu và điều kiện của chủ nhà. Gian dưới sàn gác bê tông cốt thép là nơi tránh bão, gác là nơi người dân trú và bão quản tài sản khi có bão, lũ dâng cao.
Nhà ống có gác xép: Phần gác xếp để người dân trú trong thời gian có bão hoặc lũ ngâm, độ cao gác xếp được tính toán phù hợp luôn cao hơn đỉnh lũ lịch sử của khu vực, có thể đổ sàn bê tông truyền thống hoặc các vật liệu xây dựng mới có tính kháng nước. Độ cao của gác xép tối thiểu 2,1m. Cửa thoát hiểm của gác xép tránh lũ vô cùng quan trọng, trong trường hợp lũ vượt mức lịch sử, vượt qua cả sàn gác thì cửa thoát hiểm là nơi tiếp cận của các phương tiện cứu trợ.