Các mẹ hãy lưu ngay công thức nấu cháo bồ câu bí đỏ cho bé dưới đây vào sổ tay, và trổ tài vào cuối tuần liền nhé!
Lợi ích của bí đỏ
Tăng cường thị lực: Một cốc nước ép bí đỏ có thể cho bạn 200% lượng vitamin A cần thiết một ngày, điều này rất tốt cho mắt của bạn. Vitamin A giúp bạn có đôi mắt khỏe mạnh, đặc biệt trong điều kiện ánh sáng thấp.
Tăng sức đề kháng: Bên cạnh beta-carotene, bí đỏ còn chứa vitamin C, vitamin E, sắt và folate – tất cả các chất này đều củng cố hệ thống miễn dịch. Nhiều bí đỏ hơn trong bữa ăn của bạn có thể giúp các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn để đẩy lùi các mầm bệnh.
Giúp giảm huyết áp: Màu da cam của bí đỏ cũng cho thấy loại này chứa nhiều kali, một chất quan trọng giúp giảm huyết áp. Hạt bí đỏ không muối cũng chứa nhiều chất khoáng và sterol thực vật giúp điều hòa huyết áp.
Giúp ngủ ngon hơn: Hạt bí đỏ có chứa tryptophan, một loại amino axit giúp tạo ra serotonin. Bên cạnh việc khiến bạn cảm thấy vui vẻ, serotonin cũng là chìa khóa trong việc nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Làm dịu da: Sức mạnh chống oxy hóa của beta carotene trong bí đỏ cũng chống lại những dấu hiệu của tuổi tác trên da của bạn. Chất này cũng giúp giảm viêm, khiến cho làn da và cơ thể bạn khỏe mạnh hơn.
Bảo vệ trái tim: Vitamin A và kali mà cơ thể nhận được khi bạn thêm bí đỏ vào chế độ ăn của mình sẽ bảo vệ sức khỏe tim mạch của bạn.
Lợi ích của thịt chim bồ câu
Dễ tiêu hóa: Thịt chim bồ câu dễ tiêu hóa hơn rất nhiều so với các loại thịt gia cầm khác như gà, vịt, ngan… Với hệ thống tiêu hóa còn non nớt của bé, cháo bồ câu cho bé luôn là sự lựa chọn khá phù hợp.
Giàu protein khoáng chất: Thịt chim bồ câu chứa đến 22% protein – thành phần chính cấu tạo nên các cơ quan trong cơ thể, giúp bé phát triển khỏe mạnh về thể chất.
Bên cạnh đó, chúng cũng giàu các khoáng chất thiết yếu như canxi, phốt pho, sắt, muối khoáng… Những dưỡng chất này giúp bé phát triển hệ xương và răng khỏe mạnh, phòng chống còi xương và suy dinh dưỡng.
Ngăn ngừa và chữa bệnh thiếu máu: Thịt và tiết chim bồ câu đặc biệt giàu chất sắt – rất tốt để phòng tránh và chữa bệnh thiếu máu. Ăn cháo chim thường xuyên rất có lợi trong việc chữa trị bệnh thiếu máu ở trẻ.
Ít mỡ và cholesterol có hại: Tuy nhiều dưỡng chất có lợi nhưng lại rất ít mỡ và có lượng cholesterol thấp. Vì thế, ăn nhiều thịt chim bồ câu cũng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bé.
Chứa nhiều vitamin có lợi: Không chỉ giàu khoáng chất, thịt chim bồ câu còn chứa nhiều các loại vitamin A, B1, B2, E và nhiều nguyên tố vi lượng là thành phần tạo máu, nên rất tốt cho sức khỏe bé.
Kích thích tiêu hóa: Ăn thịt chim bồ câu thường xuyên có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, giúp bé ăn ngon miệng hơn. Bạn nên chịu khó chế biến chim bồ câu thành nhiều món với mùi vị khác nhau để khuyến khích bé ăn.
Cải thiện sức khỏe cho các bé gầy yếu, suy dinh dưỡng: Vì có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn các loại thịt phổ biến khác, cộng thêm thành phần các chất rất dễ tiêu hóa, nên thịt chim bồ câu rất tốt để làm món ăn cho các bé suy dinh dưỡng.
Cách nấu cháo bồ câu bí đỏ cho bé ăn dặm
Nguyên liệu
- 2 con chim bồ câu làm sạch
- Gạo nếp, gạo tẻ mỗi loại 1 nắm
- 300gr bí đỏ
- ½ củ cà rốt
- Hạt nêm, nước mắm, tiêu xay, muối, hạt nêm
- Khoảng 3 củ hành tím khô
- Rau ngò rí, hành lá, 1 củ nhỏ gừng
- 2 muỗng nhỏ dầu oliu.
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Bồ câu làm sạch, băm nhỏ.
Ướp bồ câu với gừng, hành tím và củ hành lá giã nát, hạt nêm, muối, tiêu bột, 1 nắp nhỏ nước mắm, trộn đều và để trong khoảng 15 phút cho thịt ngấm đều gia vị.
Bí đỏ gọt vỏ và cắt thành khúc thật nhỏ.
Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và xắt thật nhỏ.
Gừng, hành tím và củ hành lá làm sạch rồi băm nhuyễn hoặc giã nát.
Bước 2: Rang gạo và xào thịt bồ câu
Rang thơm gạo tẻ ở mức nhỏ, chú ý không để gạo quá cháy và biến màu.
Bắc chảo, cho chút dầu oliu vào và xào qua khoảng 2/3 số lượng thịt chim cho thơm, phần còn lại để khi nào gần ăn thì mới bỏ vào nấu sẽ ngon hơn.
Bước 3: Nấu cháo
Bắc nồi lên bếp, đổ vào khoảng 1,5 lít nước sạch, cho gạo tẻ đã rang thơm và bí đỏ vào, thêm vài lát gừng xắt mỏng, đậy nắp, để lửa vừa đun sôi.
Khi cháo sôi thì mở nắp, tránh để cháo trào ra ngoài, cho bồ câu đã xào vào, tiếp tục nấu khoảng 20 – 30 phút cho gạo và bí đỏ đều chín mềm. Khi nấu cháo, hạn chế khuấy đảo nhiều tránh để hạt gạo và bí đỏ nát nhừ.
Khi cháo sôi và bắt đầu có độ sánh lại thì để lửa nhỏ, dùng đũa khuấy nhẹ đều để cháo không bị cháy xém dưới đáy nồi. Sau đó, bỏ phần bồ câu đã ướp còn lại và cà rốt xắt nhỏ vào nấu chung thêm khoảng 30 – 40 phút.
Bước 4: Trình bày và thưởng thức
Múc cháo ra tô lớn, rắc thêm hành lá xắt nhỏ và tiêu bột, thưởng thức món ăn lúc còn nóng.