Trời vừa hửng lên một chút, sau những chuỗi ngày lê thê hầu như không chút nắng mặt trời suốt cả tháng Hai, những con đường khô và sạch hơn, đi chợ cũng đỡ ngại...
Có lẽ không gì mẫn cảm với thời tiết hơn là... một bữa ăn. Bữa ăn đầu tiên sau những ngày mưa lạnh lép nhép cũng cần một thứ gì đó để tâm trạng mọi người vui lên một chút, tựa như việc trời có nắng. Cởi bỏ cái khăn quàng cổ, bớt đi một lần áo lạnh là việc quá hiển nhiên và bình thường.
Nhưng nếu trên mâm cơm mùa này có thêm một thứ gì đó suốt cả mùa mưa không có, thì câu chuyện về thời tiết sẽ được kể theo một hướng khác, dĩ nhiên ấm cúng và... ngon lành hơn!
Khi mưa xong, nước bớt đục, sông đã lắng trong hơn thì là mùa cá mòi. |
Cái món đổi thời tiết trên mâm ấy chẳng có ai quy định, nó phụ thuộc vào người nấu ăn trong gia đình. Một người nấu bếp không chỉ chăm lo nấu ngon từng món, mà còn nên biết mùa nào ăn cái gì. “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”..., năm tháng cứ qua đi, ngày nào cũng ăn, nhưng chỉ lo đảm bảo phần dinh dưỡng thì có lẽ nhiều khi cuộc đời cũng vô vị.
Nếu như trong một gia đình bé nhỏ, thậm chí chỉ với một cá nhân chứ không phải một gia đình, việc ăn để mà sống hằng ngày cũng không có nghĩa là ăn không lựa chọn, ăn cốt cho no, ăn cho xong việc. Tóm lại, để những bữa ăn không đến nỗi đơn điệu, cũng là để cuộc sống vui hơn một chút, việc đặt thêm một món gì đó đúng cách vào mâm cơm đúng màu, đúng thời tiết... là quan trọng lắm.
Cuối xuân như thế này, cây cối xanh tươi, cá vào mùa sinh nở, nên chọn thức ăn không khó. Nếu không cho rằng ăn chỉ là ăn, mà đem cả nắng mưa vào từng bữa, thì cá mòi có thể là một gợi ý. Mùa này mưa xong, nước bớt đục, sông đã lắng trong hơn, thì là mùa cá mòi.
Cá mòi không nấu được nhiều món, chỉ có rán và kho. |
Người lo bữa ăn cho gia đình theo cách truyền thống sẽ hân hoan khi nhìn thấy những con cá mòi tươi rói đầu tiên ở chợ. Cá sông, ra khỏi dòng sông khó lòng còn bơi quẫy trong chậu được nữa. Nhưng mắt còn trong, mang còn đỏ, thì cá còn tươi. Con cá mỏng lấp lánh bạc, xương nhiều nhưng rất nhỏ, đánh vảy làm sạch xong, khía vài khía chéo trên lưng rồi ướp tí gừng tí nghệ, rồi rán lên.
Có người còn cho cả một cái lá chanh vào trong bụng cá. Mùa này, những con cá mòi, vốn sinh sống ở vùng cửa sông nước lợ, bắt đầu ngược về sông để đẻ trứng, nên con nào cũng còn nguyên buồng trứng thơm và béo.
Cá mòi không nấu được nhiều món, chỉ có rán và kho. Kho với măng, kho với gừng đến mềm xương rất ngon. Nhưng rán giòn, rồi chấm chút mắm me, vẫn là ngon nhất. Tuy nhiên, vấn đề không phải chuyện nấu nướng và ăn cá mòi như thế nào. Vấn đề là cái ý thức về mùa ấy, điều ấy chẳng phải ai cũng có.
Cá gì đây? Mè ranh à? Mè ranh mà mày bán đắt thế? Con cá diếc này trông lạ nhỉ? Ăn thế nào? Cứ mỗi mùa cá mòi, ngoài chợ đầy những câu hỏi kiểu như vậy. Ừ thì cá mòi chỉ có ở sông, vùng nước lợ, dân vùng cao, vùng núi có khi không biết.
Cũng chẳng sao, có gì bắt buộc đâu, vì mỗi món ăn là tập quán của từng vùng. Miễn là người đi chợ biết, người nấu ăn biết, thêm một chút kiến thức về địa lý, sinh học hay văn học, thậm chí lịch sử nữa... vào một món ăn đều không phải chuyện thừa.
Cá mòi rán giòn, chấm chút mắm, vẫn là ngon nhất. |
Như cái con cá mòi trắng bạc mỏng mảnh này, truyền thuyết kể là nó từ con chim ngói hóa thành, nên trong bụng nó có một bộ phận nhìn giống cái mề chim chứ không giống dạ dày cá... (nói đến chim ngói, lại là chuyện ăn uống của một mùa khác, cứ để chuyện chim ngói cho đến khi ngoài đồng lúa chín vàng).
Có khi nào đó, chúng ta phàn nàn về một lứa người trẻ không biết gì về văn hóa ẩm thực, chỉ lao vào mua đồ ăn sẵn cho nhanh cho tiện, chém to kho mặn, hỗn tạp khẩu vị... Thì cũng đừng vội trách!
Nền tảng của sự am hiểu hay trân trọng thực phẩm bắt nguồn từ những điều sâu xa nhất, từ những khi trời bắt đầu hửng nắng, hay bắt đầu mưa, những món ăn dân dã, hợp thời tiết (suốt hàng nghìn năm gia tài ẩm thực các cụ để lại bao giờ cũng có điều ấy) được đem vào bữa ăn từng gia đình, sẽ là tiền đề cho sự am hiểu việc ăn uống.
Nhưng nhiều khi, cũng khó cưỡng lại xu thế, như cá mòi ít lâu nay, người biết nó ít dần, một mẹt cá lay lắt đến tận trưa vì nhiều người đi qua tưởng nó là cá mè ranh...