Cọ được xem là thức quà bình dị của một số miền quê Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh... Cọ có thể dùng để ăn sống, làm dưa hoặc kho cá. Cọ ăn sống có vị chát, nhưng nếu biết cách chế biến cọ có vị bùi bùi, ngậy ngậy rất ngon.
Mặc dù là một món ăn rất dân dã nhưng quả cọ đem lại giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin như vitamin A, vitamin beta-caroten, B1, B2, PP, C,...và một số khoáng chất như sắt, canxi, phốt pho.
Mùa quả cọ chín bắt đầu từ giữa tháng 9 âm lịch kéo dài đến tháng giêng năm sau. Vì vậy, thời điểm này nhiều hộ dân có đồi cọ gần nhà đã bắt đầu thu hoạch những quả cọ chín ngon để bán.
Những quả cọ ngon nhất là những quả được lấy từ cây cọ chưa bao giờ bị chặt lá. Vì quả cọ mọc từ những cây đã bị chặt lá thường còi cọc, hạt to, vị chát, mất mùi vị đặc trưng của cọ. Khi mua cọ, nên chọn quả vỏ bóng, chín già, cọ càng già thì vị càng ngậy, càng béo và bùi.
Thời điểm này nhiều hộ dân có đồi cọ gần nhà đã bắt đầu thu hoạch những trái cọ chín ngon để bán. |
Cọ ỏm
Cách ỏm cọ cũng khá giống cách ỏm trám đen, sau khi rửa sạch cọ không phải đổ vào nồi đun, mà nên chờ nước sôi liu riu rồi để nguội tầm 80 độ thì mới cho cọ vào đảo nhẹ cho quả chìm đều trong nước. Khi dầu cọ từ quả thôi ra, nổi váng lên mặt nước, bám vào thành nồi nghĩa là quả cọ đã chín.
Cọ ngon khi ỏm xong có màu nâm sậm, nhiều váng nổi như váng mỡ bám quanh nồi, lấy tay bóp vào thấy quả mềm, màu vàng ươm. Khi ăn chấm với chút nước mắm hoặc muối vừng, cọ càng dậy lên vị thơm bùi. Ai mới ăn lần đầu sẽ thấy hơi ngái nhưng ăn tiếp sẽ cảm nhận rõ vị thơm ngậy, béo bùi.
Cọ ngon khi ỏm xong có màu nâm sậm, nhiều váng nổi như váng mỡ, màu vàng ươm |
Người ăn cọ sành là người biết chọn cho mình những quả cọ tròn, cùi dầy có màu vàng như mật ong, khi nhấm nháp còn thấy dẻo, dính ở răng thì đó chính là loài cọ nếp quý.
Xôi cọ
Từ những trái cọ ỏm thơm ngậy, người dân dùng ngón tay tách nhẹ nhàng từng phần thịt vàng óng để làm xôi cọ. Thịt cọ đã tách đem trộn đều với gạo nếp hương, xóc chút muối rồi cho vào chõ xôi, đun nhỏ lửa, đồ chín. Khi cùi và tinh dầu quả cọ đã ngấm vào gạo nếp và chuyển sang màu gạch cua, mùi thơm của gạo nếp, mùi ngậy của quả cọ đã bay khắp gian nhà thì cũng là lúc món xôi cọ đã chín.
Khi xôi chín, trộn thêm hành mỡ đã phi thơm vào khiến cho món xôi cọ càng hấp dẫn. Xôi cọ có hương vị rất riêng biệt trộn giữa vị ngậy thơm của quả cọ và gạo nếp. Xôi cọ chấm với muối vừng, đưa nhẹ vào lưỡi cũng đủ thấy rất ngon.
Xôi cọ có hương vị rất riêng biệt trộn giữa vị ngậy thơm của quả cọ và gạo nếp |
Bánh dầy “xứ cọ”
Cọ làm bánh dày nên dùng cọ nếp, bởi cọ nếp sau khi om sẽ trổ màu vàng đẹp mắt. Sau khi ỏm, lớp cùi cọ nếp vàng như mật, thơm phức được bóc ra, đem giã nhuyễn thành nguyên liệu làm bánh.
Cọ nếp sau khi om được bóc ra, đem giã dập sẽ là nguyên liệu độc đáo cho món bánh dầy của “xứ cọ” |
Dưa cọ
Ngoài cách ỏm để ăn hoặc chế biến thành các món xôi cọ, bánh dày cọ, loại quả này còn được chế biến thành món dưa cọ ngày Tết. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi bùi của cọ, có thể ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon.
Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi bùi của cọ, có thể ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon. |
Cọ kho cá, kho thịt
Ngoài cọ ỏm, nhiều người còn dùng quả cọ để kho cá, kho thịt, cọ làm cá hết mùi tanh, làm thịt đỡ ngấy, khiến món ăn đậm đà, bùi ngậy hơn. Thưởng thức một miếng cọ, cảm nhận độ dẻo, bùi bùi trong miệng là thấy cả một bầu trời tuổi thơ ùa về.
Cọ làm cá hết mùi tanh, làm thịt đỡ ngấy, khiến món ăn đậm đà, bùi ngậy hơn. |