Nếu gọi tên những món tiêu biểu cho ẩm thực Sài Gòn, không thể không nhắc tới hủ tiếu Nam Vang. Một món ngon cộng hưởng từ tinh hoa của nhiều nền văn hóa, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, và cuối cùng đã định danh tại thành phố này.
Tiệm hủ tiếu Nam Vang Phú Quí lâu đời giữa khu phố Miên, Sài Gòn. |
Theo nhiều tư liệu thì cọng hủ tiếu dai trong món hủ tiếu Nam Vang (từ thông dụng người Việt sử dụng để gọi thủ đô Phnom Penh của Campuchia) là một biến thể thú vị từ những người Hoa nhánh Mẫn Nam (Phúc Kiến) trong giai đoạn di cư về phía những nước Đông Nam Á, với bột gạo là nguyên liệu chính. Do không có sẵn nguyên liệu làm sợi mì, họ đã dùng nguyên liệu tại chỗ là gạo để chế sợi thay cho mì.
Hủ tiếu Nam Vang khi du nhập về Sài Gòn đã thay đổi khá nhiều cho phù hợp với khẩu vị địa phương. Nếu như tô hủ tiếu nguyên bản ở Phnom Penh chỉ bao gồm thịt heo bằm và xắt miếng, ăn chung với xà lách và giá sống thì khi phiêu bạt về Sài Gòn đã “bổ sung” thêm gan, tim, bao tử, phèo, tôm và trứng cút (cách ăn này có lẽ hơi giống các món mì, hủ tiếu thập cẩm của người Hoa), phần rau thì phong phú hơn với rau cần, tần ô và hẹ.
Tiệm hủ tiếu Nam Vang có tên Phú Quí này nằm ở một góc đường Hồ Thị Kỷ (hướng từ Lý Thái Tổ quẹo vào, trước khi đến khu chợ hoa). Đi từ xa xa đã nghe mùi thơm nức của tỏi phi trong gió rồi. Để thấy hết cái ngon của món hủ tiếu độc đáo này, bạn nên gọi một tô khô vì đây là cách thưởng thức trọn vẹn nhất. Đó là cái vị tổng hợp với một chút đắng của tỏi phi, một chút ngọt dịu của cải thảo, thịt heo bằm nhuyễn, và cái vị đậm đà, béo béo của cọng hủ tiếu được đánh tới với hắc xì dầu…
Thành phần của tô hủ tiếu, dù là khô hay nước, cũng rất “hùng hậu” với thịt heo xắt miếng, phèo, gan cùng bao tử heo, và tuyệt nhiên không có trứng cút hay tôm như các tiệm khác. Bạn có thể nêm thêm chanh, ớt, tỏi chua và chấm thịt với chén tương ngọt đặc trưng của quán. Đặc biệt, rau ăn kèm ngoài xà lách, cần và giá sống còn có thêm hẹ, một điều ít thấy ở món hủ tiếu Nam Vang này.
Khi ăn gần hết, bạn chan chén nước lèo vào tô hủ tiếu thì phần nước lèo này sẽ đậm đà hơn rất nhiều nhờ vào những gia vị, thịt heo bằm cũng như hành, tỏi phi, cải thảo… đã được nêm trong tô hủ tiếu. Nên đến sớm một chút nếu bạn muốn thưởng thức đầy đủ các thành phần trên. Trễ hơn một chút, chừng 11h trưa, thì chỉ còn thịt xắt miếng và thịt bằm mà thôi.
Tô hủ tiếu Phú Quí có hương vị đậm đà khó quên. |
Cô chủ quán trạc ngoài 60 mỉm cười chia sẻ với tôi, rằng trong biến cố năm 1970 thì gia đình cô là một trong những nhóm người đầu tiên di tản khỏi Phnom Penh bằng máy bay. Bỏ lại sau lưng nhà cửa, của cải… cô cũng như nhiều người khác phải bắt đầu lại từ đầu. Vốn là người Hoa gốc Tiều, cô mưu sinh bằng nghề bán bò kho, rồi vài năm sau mới mở tiệm Phú Quí bán món hủ tiếu Nam Vang này. Thời đó ở Sài Gòn vốn chỉ thịnh món hủ tiếu truyền thống của người Hoa, nên chính làn sóng Việt kiều hồi hương đã góp phần phổ biến kiểu thưởng thức hủ tiếu Nam Vang này.
Tô hủ tiếu Phú Quí có hương vị đậm đà khó quên, tuy đã thay đổi ít nhiều để chiều lòng người Sài Gòn. Ít ai biết cái quán ọp ẹp cũ kỹ vốn chỉ bán từ sáng sớm cho đến gần giờ trưa này đã có thâm niên gần nửa thế kỷ, phục vụ biết bao thế hệ thực khách.
Nếu ai đã ngang qua khu chợ hoa Hồ Thị Kỷ quận 10, nơi được xem là phố Miên giữa lòng Sài Gòn, đừng quên ghé thăm quán hủ tiếu nổi danh này để thưởng thức tinh hoa ẩm thực được cộng hưởng từ văn hóa và lịch sử này nhé!