Nhìn thế thôi, không một ô cửa sổ thành phố nào có cây trám. Cây trám to cao hàng chục mét, chỉ mọc trong rừng, sống trong rừng, sẽ chẳng chịu được bao giờ không gian tù túng nơi thành phố. Thành phố chỉ có quả trám, cứ mỗi độ thu về, thì có trám. Trám trắng có trước, rồi trám đen có sau.
Người thành phố đem trám làm ô mai, quả ô mai nhăn nheo to nhất lọ, cắn từng chút chút một có chua chát và đắng mặn, thật ra chẳng có vị gì mấy, cứ phải thêm bột cam thảo, bột gừng cho có thêm hương. Trong những món làm từ quả trám, có lẽ ô mai trám là ăn chán nhất. Thế mà nhắc đến nó, vẫn vô khối người rưng rưng nhớ thủa học trò.
Trám là thứ làm được nhiều món ăn ngon, như đã nói, trừ ô mai, thì cứ mùa có trám, là đem trám ra kho, ra om, ngâm mắm ngâm tương, ăn hết cùi thì chặt lấy nhân trong hạt ra, quý lắm, đem nấu xôi, cho vào nhân bánh trung thu…, trám đen và trám trắng, mỗi thứ quả một cách chế biến, nhưng hạt thì đều có thể chặt đôi như nhau. Lấy cái tăm nhẹ nhàng gẩy nhân trám trắng tinh ra dùng vào việc ăn. Hai cái nửa hạt trám cứng như gỗ, nếu chặt khéo thì cân, có thể dùng ngón tay xoay cho nó quay tít trên nền nhà như con quay xinh xinh. Trò này, lũ trẻ đã sống qua thời bao cấp có thể vẫn nhớ. Hoặc đóng xuống nền nhà đất, nền nhà đóng hạt trám chắc chắn hẳn.
Chẳng bao giờ tôi thấy có một cái nền nhà đóng toàn hạt trám, chỉ mỗi năm có khi có một khoảng nền con con, chắc vì trám cũng chẳng nhiều, và cái việc đóng hạt trám xuống đất nói chung là trò nghịch của lũ trẻ con. Mùa trám dẫu có dài đến hơn tháng, ngày nào cũng ăn, ví dụ thế, thì cũng chẳng đủ hạt đóng xuống 2m2, và sự nghịch ngợm cũng chẳng đủ kiên nhẫn kéo dài đến cả tháng.
Giờ chẳng còn ai chặt hạt trám làm cái việc nghịch ngợm đóng xuống nền nhà nữa. Sàn bê tông cả rồi, lại còn dao chặt, cũng chẳng mấy nhà có, vì thừa. Nhưng tình yêu với quả trám thì vẫn còn đấy, cũng như nhiều thứ khác, đang dân dã bỗng thành đặc sản, trám từ một thứ quả vùng cao ít được để ý trong khoảng mấy chục năm, ít lâu nay lại xuất hiện trong một niềm chờ mong rất da diết mỗi mùa.
Quả trám làm được nhiều món ăn ngon. |
Từ ngày thiên hạ sống nhiều trên mạng, cứ đến mùa trám là rộn ràng facebook một số bà nội trợ. Đã có trám trắng, đầu tiên ai đó thông báo thế, quả này ăn thế nào? Thể nào cũng có những hỏi và những trả lời náo nhiệt trên các trang liên quan việc nấu nướng của chị em.
Quả trám hóa ra không phải ai cũng biết cách ăn, và những kinh nghiệm ăn trám lại được phổ biến từ năm này qua năm khác. Trám trắng kho cá, hình như ngon nhất là kho cá rô. Ngoài chợ thành phố thì đã được luộc, bổ đôi tách bỏ hạt, nếu còn nguyên quả thì đập rập, xếp lớp cá lớp trám vào nồi, thêm ít thịt ba chỉ, đổ ngập tương hoặc mắm muối, kho cho đến nhừ. Tốn cơm lắm!
Trám đen thì phải biết om, hay là ỏm, theo cách gọi từng vùng. Trám thoi, xát thật sạch khi rửa, đun nước nóng già cho trám vào với chút muối, đậy kín để chừng vài tiếng là trám mềm, ăn được. Rất thơm, rất bùi, một thứ thơm và bùi không loại quả nào so sánh được. Chấm chút muối vừng, hay chút nước mắm nguyên, rồi cứ thế ăn… Ngon thấm thía, ngon đến mức kinh ngạc, một sự ngon giản dị chân thành cũng đến mức kinh ngạc.
Trám đen cũng có thể dùng để thổi xôi. |
Người ta so sánh trám với quả ô liu, thật là một sự so sánh không phải. Bởi quả ô liu khi ăn nó, người ta khó mà cảm thấy vị rừng núi mộc mạc hoang sơ đến với vị giác như thế. Một thứ quả chẳng đòi một sự chế biến cầu kỳ nào. Cứ mùa thu thì về thành phố. Cứ êm đềm mang vị của rừng về từng căn bếp, như một tiếng nói thật nhỏ nhẹ, nhắc người ta rằng ở đâu đó trên cao, trên những vùng đồi khô cằn, những sườn núi cheo leo, vẫn có những loài cây quý giá đến như thế, gần gũi đến như thế.
Rồi chỉ một năm lỡ mùa, cũng có thể cuống quýt hỏi người bán quen, rằng khu rừng trên đó có cây trám, một khu rừng nào đó, một cây trám nào đó năm nay không thấy quả, khu rừng ấy có còn không?
Quả trám, một dấu chấm, hay vô vàn những dấu ba chấm, về rừng./.