Cùng nhận Đĩa vàng Sáng tạo và Cống hiến với nghệ nhân tài hoa Lê Văn Khánh, Tổng bếp trưởng Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương và Trung tâm Hội nghị Quốc gia, còn có 11 cá nhân xuất sắc khác. Luôn ví von “ẩm thực Việt giống như ngữ pháp Việt Nam”, đa dạng, phong phú, đặc sắc, nghệ nhân Lê Văn Khánh, là tác giả của nhiều món ngon mà nhắc tới là “tứa nước miếng” như: Cá lăng kho trà cổ thụ; Phở bát đá 37; Thịt nai ủ lá rừng; Súp yến bạch tuyết… Nhưng, đặc biệt hơn cả vẫn là 16 món tiềm hầm cao cấp, được xem là “mỹ thực” có xuất xứ từ chốn cung đình.
Nghệ nhân ẩm thực Lê Văn Khánh (giữa) được trao tặng Đĩa vàng Sáng tạo và Cống hiến |
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm ẩm thực, bố làm bếp trong Hoàng cung Huế nên từ nhỏ Lê Văn Khánh đã được tiếp xúc với nền ẩm thực cung đình. Nhà có “đầu bếp” nên thường xuyên được ăn ngon, dù nguyên liệu để làm bữa chẳng phải loại “cao lương mỹ vị”. Ban đầu chỉ là tò mò vì sao chỉ với nguyên liệu đơn giản ấy mà có được món ăn ngon đến thế, lâu dần Khánh đam mê với công việc làm bếp. Ai đã trải qua nghề bếp sẽ hiểu nỗi vất vả đoạn trường của những ngày mới vào nghề ra sao. Khánh cũng trải qua những ngày tháng vất vả như thế .Năm 1993, Khánh được một đầu bếp từng nấu cho Đại sứ quán Tiệp Khắc truyền dạy nghề. Cơ duyên ấy đã giúp Khánh có cơ hội được học hỏi và phát triển đam mê của mình. Từ năm 1995-2009, anh tiếp tục học tập và tốt nghiệp thực hành loại giỏi tại các trường danh tiếng đào tạo về nghề đầu bếp. Dù tốt nghiệp bếp Á, bếp Âu và đã từng làm việc cho Đại sứ quán Pháp, các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng trên khắp Việt Nam, tiếp xúc với nhiều nền ẩm thực khác nhau, nhưng Khánh luôn mong muốn được phát triển nền ẩm thực bản địa Việt Nam.
Lê văn Khánh (giữa) và những cá nhân được vinh danh |
Nói về bí quyết tạo nên cái tên Nghệ nhân Lê Văn Khánh, vẫn vẻ mặt đầy bí ẩn, Khánh chia sẻ: “Ẩm thực là nét văn hóa hình thành tự nhiên trong đời sống. Với một đất nước có chiều dài lịch sử lâu đời và vị trí địa lý khác biệt như Việt Nam, mỗi vùng miền lại có những món ăn đặc trưng, những món đặc sản riêng biệt không thể hòa lẫn. Tôi luôn có tham vọng các thực khách sẽ nhìn thấy trong món ăn tôi làm sự động não và có tay nghề”. Cũng đúng, món ăn cho người ta thấy những câu chuyện của đời sống. Ẩm thực giúp người ta đọc ra được thói quen sinh hoạt của một cộng đồng. Thực khách thưởng thức món ăn nhưng thấy được phần hồn trong đó. Phần hồn đó chính là nét văn hóa bản địa được tạo nên bởi tay nghề và sự sáng tạo không mệt mỏi của đầu bếp. Vì thế, tiệc tùng chỉ là một phần của câu chuyện, chuyện còn lại là món này làm thế nào, chế biến. “Nấu ăn là một công việc đòi hỏi bộ não luôn luôn động”.
12 cá nhân được vinh danh "Đĩa vàng Sáng tạo và Cống hiến" |
Là tác giả của nhiều món ăn ngon “định vị” tài năng cá nhân nhưng Lê Văn Khánh vẫn luôn mày mò, học hỏi và sáng tạo những món ăn mới trên cơ sở chắt lọc tinh hoa ẩm thực truyền thống của dân tộc. Năm 1998, anh sáng tạo ra bộ thực đơn 16 món tiềm hầm cao cấp, bổ dưỡng. Tinh tế trong kết hợp nguyên liệu, cầu kỳ trong cách chế biến chuẩn phong cách hoàng gia, bộ thực đơn tiềm hầm là sự sáng tạo đột phá, kế thừa tất cả những tinh hoa của nền ẩm thực cung đình, đặc biệt chú trọng vào sức khỏe của người Việt. Khánh gọi đây là một “đỉnh cao” của mình. Và đỉnh cao ấy là sự kết hợp tinh tế từ những nguyên liệu quý hiếm và cao cấp, tạo nên món ăn không chỉ thơm ngon mà còn là bài thuốc quý cho sức khỏe người dùng, như: Gà đen tiềm hải sâm vàng; Sâm cầm tiềm đông trùng táo đỏ; Bào ngư hải sâm vàng tiềm đông trùng; Vi cá 37 tiềm đông trùng tay cầm; Lẩu gà tiến vua tiềm sâm hảo hạng; Yến tiềm hồng sâm bạch tuyết 37; Ba ba tiềm thiên trúc tuyệt đỉnh âm dương 37… Các món này được thực khách khen ngợi và xuất hiện trong nhiều buổi tiệc đãi khách quốc tế của Chính phủ.
Nghệ nhân Lê Văn Khánh chế biến món tiềm hầm cao cấp |
Tại Liên hoan Ẩm thực Đất Tổ 2023, Lê Văn Khánh đã quảng diễn món Yến tiềm hồng sâm táo đỏ. Đây là lần đầu anh mang món “chóp đỉnh” này đi quảng diễn như một sự tri ân của mình đối với Tổ nghề Lang Liêu trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Nguyên liệu đắt đỏ, cách chế biến cầu kỳ, tinh tế, màn quảng diễn của Lê văn Khánh đã thu hút sự quan tâm của đông đảo thực khách.
Món tiềm hầm cao cấp |
Sau 25 năm ra mắt thực khách, 16 món tiềm hầm cao cấp, bổ dưỡng đã góp phần đem đến cho nghệ nhân Lê Văn Khánh Đĩa vàng Sáng tạo và Cống hiến về những thành tích mà anh đã đạt được trong 30 năm làm nghề.
Chia sẻ sau khi nhận giải, Lê Văn Khánh xúc động: “ Tôi rất vinh dự khi dược vinh danh với danh hiệu Đĩa vàng Sáng tạo và Cống hiến. 30 năm cống hiến trong nghề ẩm thực, tôi luôn ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị tinh hoa của ẩm thực Việt và tìm tòi nâng tầm các món ăn theo sáng tạo của cá nhân. Thời đại 4.0, ăn ngon nhưng phải tinh. Thưởng thức một món ngon, thực khách phải nhìn thấy trong món ăn cội nguồn ra đời của nó được thể hiện trong nguyên liệu chính, cách chế biến nhưng cũng thấy được sự sáng tạo của đầu bếp (nghệ nhân ẩm thực) ở sự tinh tế trong kết hợp thêm các nguyên liệu mới và chế biến để đem đến hương và vị hấp dẫn hơn. Và ngay cả những món ăn đã khẳng định thương hiệu, tôi vẫn tiếp tục tìm tòi để có thể nâng tàm món ăn lên một thứ hạng mới. Với người đàu bếp, không khi nào bằng lòng với những gì mình đã tạo ra mà phải luôn nhìn về phía trước để tiếp tục sáng tạo, phát triển”.
Không chỉ thành công ở lĩnh vực đầu bếp, nghệ nhân Lê Văn Khánh còn thường xuyên được mời tham gia các sự kiện ẩm thực lớn trong và ngoài nước. Đối với anh, nền ẩm thực của người Việt cần được truyền dạy cho những người có đam mê với ẩm thực, cần có những thế hệ kế thừa và phát triển. Hiện tại, anh đang tham gia chấm trong chương trình Đầu bếp thượng đỉnh.
Nghệ nhân Lê Văn Khánh (ngồi thứ hai bên trái) chấm thi Đầu bếp thượng đỉnh |