Ngày 23/11, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết Bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi bị tai nạn do bắt chước video trên mạng. .
Khi nhập viện, bé bị vẹo cổ, chấn thương cột sống cổ. Theo chia sẻ của phụ huynh, thời điểm xảy ra sự việc cả nhà đang ở ngoài thì nghe thấy tiếng hét lớn trong nhà. Khi chạy vào thì thấy đầu của bé đã bị nghiêng sang một bên nên lập tức đưa đi viện. Bé cho biết đã học theo một trò chơi nhào lộn trên Tik Tok.
Bệnh nhi học trò treo cổ trên Tik Tok dẫn đến bị vẹo cổ. |
Bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại Thần kinh, BV Nhi đồng 2 cho biết, may mắn là bé chỉ bị tổn thương nhẹ nên đeo nẹp cố định cột sống cổ và chụp hình kiểm tra. Hiện tình trạng sức khỏe của bé ổn định, chụp hình ghi nhận chấn thương phần mềm. Dự kiến bé sẽ được xuất viện trong ngày.
Ngày nay, trẻ em thường xuyên được tiếp xúc với các thiết bị điện tử thông minh và ứng dụng từ rất sớm. Điều này làm ảnh hưởng đến trí não và thậm chí còn tác động đến hành động của các bé, dẫn đến một số trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Cách đây hơn 1 tháng, một bé gái 5 tuổi tên là V.T.D ở TPHCM, vì học học theo trò chơi treo cổ trên Youtube nên đã tử vong thương tâm. Người nhà của bé cho biết, sự việc xảy ra lúc 14h10 ngày 12/10, trong khi bố mẹ đi làm, cháu D. ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ một vài phút người lớn không để ý, D đã học theo trò chơi trên Youtube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi được người nhà phát hiện, bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Dù được đưa đi cấp cứu nhưng bé đã không qua khỏi. Các bác sĩ kết luận bé tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim. Trước đó, bé đã nhiều lần chơi trò treo cổ. Có lần, người lớn nhìn thấy đã mắng cháu, cháu đã đi sang phòng khác và không nghịch nữa.
Tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP HCM) cũng làm theo trò 'thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube. Cụ thể bé dùng chiếc khăn quàng đỏ thắt vào cổ, hai chân cách đất khá xa. May mắn là người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời nên bé K đã giữ được tính mạng.
Bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 đưa ra lời khuyên: "Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 thường tiếp nhận các bệnh nhi đến khám vì các rối loạn hành vi liên quan đến việc xem tivi, youtube và các ứng dụng điện tử quá nhiều. Rất mong các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho con và khuyến khích con tham gia các hoạt động thể dục, đọc sách..." .