Anh Phạm Hồng Minh (37 tuổi, còn gọi là Minh Râu, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) là hộ kinh doanh rau củ nổi tiếng tại khu chợ dành cho công nhân của Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, TP Biên Hòa. Sự nổi tiếng của sạp rau củ này đến từ những tấm bảng viết tay với nội dung hài hước, nhân văn.
Lúc bán rau muống, anh viết: “Rau muống đột biến 5 tỷ/bó, không cần bán gấp. Nay giảm giá chỉ còn 5 nghìn đồng/bó. Ai mua thì bán, ai xin thì cho”. Khi bán trứng vịt, anh lại ghi: “Mua về ăn thì 40K (40 nghìn đồng)/10 trứng. Mua về bán thì 45K/10 trứng”.
Anh Minh Râu. |
Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, anh không ngần ngại đặt bảng lưu ý khách hàng như: “Không đeo khẩu trang, bán đắt gấp đôi”; “Mang khẩu trang hở mũi, không thêm hành ngò”… Anh còn bán rau củ với giá thấp, thậm chí tặng người nghèo nên sạp rau của anh vô cùng đắt khách.
Mới đây, qua đoạn tin nhắn với bạn bè, khi bị mắng là "ngu" anh cũng chia sẻ: “Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu. Ừ tao nghỉ đây, bán vừa giá thôi”.
Anh Minh kể: “Sau khi tiếp xúc với một sạp bán rau tại chợ Tân Biên có người nhiễm Covid-19, tôi đã chủ động đến cơ sở y tế khai báo và được yêu cầu phải cách ly tại nhà 14 ngày”.
“Tôi nghĩ cho gia đình và khách hàng nên quyết định khai báo y tế, chấp nhận cách ly và dừng việc buôn bán dù lúc này, việc kinh doanh đang rất tốt vì giá rau củ tăng cao.
Tuy vậy, có nhiều người bằng cách nào đó, dù đến chợ Tân Biên nhưng vẫn không khai báo y tế để không bị cách ly. Họ tiếp tục kinh doanh và thu lời. Tôi làm ngược lại nên bị chê cười”, anh giải thích thêm.
Suốt gần 10 năm bán rau, anh luôn theo nguyên tắc: “Mua đắt bán đắt, mua rẻ bán rẻ, lợi nhuận thu về chỉ từ 20-30%. Đối với mặt hàng đột ngột đắt giá, tôi sẵn sàng bán mặt hàng ấy không cần thu lời. Như tháng này, tôi bán lời ít thôi hoặc không cần lợi nhuận cũng được. Bán đắt quá không ai mua rồi đổ đi sẽ lãng phí lắm. Tôi rất ghét lãng phí thực phẩm”.
Suốt 7 năm qua, anh liên tục trích 10-30% lợi nhuận từ việc buôn bán để mua rau, củ tặng miễn phí cho công nhân và sinh viên, người có thu nhập thấp.
“Khi còn là sinh viên, chúng tôi khổ lắm, không có tiền mua bó rau mà ăn. Lắm lúc ăn mì tôm, chúng tôi ngồi nghĩ: “Nếu ai đó cho bó rau muống để nấu mì ăn thì ngon lắm”. Thế rồi, cả đám hứa sau này nếu ổn định cuộc sống sẽ mua rau tặng sinh viên, người nghèo”, anh kể.
Anh trích lợi nhuận từ việc kinh doanh để mua rau củ tặng công nhân, sinh viên nghèo. Mỗi chiều, anh đều chở những phần rau củ tươi, sạch đến sạp rau của mình để tặng. Anh kể: “Tôi không nhận tiền hỗ trợ của ai trong hoạt động tặng rau củ này. Tất cả là từ tiền túi của tôi. Mỗi khi đi chợ, thấy rau, củ, quả nào có hàng đẹp, giá tốt, tôi lại cố gắng mua thật nhiều về để gửi tặng công nhân, sinh viên”.
“Tôi cho đi ít, nhưng nhận về nhiều lắm. Tôi nhận về niềm vui, hạnh phúc khi san sẻ được với người khó khăn. Suốt 7 năm qua, biết bao kỷ niệm nhưng tôi nhớ nhất lần có một chị đến nói nhờ những bó rau miễn phí của tôi mà chị tiết kiệm được một số tiền đủ để mua 1 chiếc xe đạp cho con đi học. Đó là lý do vì sao tôi vẫn duy trì được công việc ấy suốt bao nhiêu năm nay”, anh chia sẻ thêm.