Nếu được chọn, có lẽ chẳng ai lại không muốn mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, có của ăn của để. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình nghèo khó vốn chẳng có tội, nhưng không may, đôi khi chúng lại bị coi thường vì điều mình không thể lựa chọn.
Halen - Người phụ nữ đến từ xứ sở sương mù đã phải nhận sự kỳ thị như thế. Đáng buồn hơn, nó lại đến từ chính gia đình của người đàn ông mà cô chọn làm chồng.
Chia sẻ câu chuyện của mình trên Reddit.com, Halen cho biết: "Vì gia đình tôi khó khăn nên bố mẹ tôi đã phải vay một khoản vay hỗ trợ sinh viên để nuôi tôi học Đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi phải mất tới hơn 2 năm để trả hết được khoản nợ này.
Trong thời gian đó, tôi có hẹn hò với người hiện đang là chồng của tôi. Tôi kết hôn trong khoảng thời gian đang trả món nợ thời sinh viên. Khi biết được sự thật này, bố mẹ chồng tôi không mấy hài lòng.
Ảnh minh họa |
Họ yêu cầu tôi phải làm một "bản thỏa thuận" với chồng tôi trước mặt họ, với điều khoản là sau khi kết hôn, tôi sẽ không yêu cầu chồng phải trả nợ thay mình và tài sản của từng người sẽ không trở thành tài sản chung.
Kết hôn xong, chúng tôi sống trong căn hộ đứng tên bố mẹ chồng. Suốt 11 năm qua, chồng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ mua nhà - một căn nhà là tài sản riêng của chúng tôi chứ không phải của bố mẹ chồng. Tôi đã chủ động nói với chồng về việc ấy, nhưng anh luôn gạt phắt ý tưởng của tôi bằng lập luận vô cùng khó chịu: Nhà có rồi, mua làm gì nữa!".
Halen cho biết cô đã bàn chuyện mua nhà với chồng 2 lần nhưng anh chồng thậm chí còn chẳng tỏ ra là sẽ suy nghĩ về điều đó. Quá tam ba bận, Halen quyết định sẽ tự tiết kiệm và mua một căn nhà của riêng mình.
"Tôi đã tiết kiệm 35% tiền lương mỗi tháng, trong suốt 9 năm liên tục. Cần phải nói thêm rằng đó là số tiền tôi tự kiếm được, hoàn toàn không phải là khoản tiền tôi "cắt xén" từ thu nhập của chồng. Ngay từ những ngày đầu tiên chung sống, chúng tôi đã luôn duy trì trạng thái "tiền ai người ấy tiêu".
Chi tiêu dè xẻn suốt gần 10 năm, cuối cùng, tôi cũng đủ tiền mua được một căn hộ mà không phải vay ngân hàng. Tôi có kể chuyện này với chồng cách đây không lâu, sau khi đã trả được 80% tiền mua nhà. Anh có nói với tôi rằng anh sẽ trả giúp tôi 20% còn lại và yêu cầu tôi thêm tên anh vào quyền sở hữu căn hộ.
Đương nhiên, tôi không đồng ý. Dù vẫn còn yêu chồng nhưng đề xuất của anh quá vô lý. Hơn nữa, tôi có thể tự trả được số tiền còn lại mà chẳng cần anh giúp. Tuy nhiên, phản ứng của bố mẹ chồng khi biết tôi đã tự mua nhà mới là điều khiến tôi bàng hoàng nhất.
Ảnh minh họa |
Thái độ của họ quay ngoắt 180 độ khi biết về căn hộ mà tôi đang sở hữu. Họ ngọt nhạt dỗ dành tôi rằng dù sao cũng là tôi và con trai họ vẫn đang là vợ chồng, nên hãy để anh ấy hỗ trợ tôi khoản tiền còn lại. Bố mẹ chồng tôi cho rằng như vậy là đủ để con trai họ được đồng sở hữu căn hộ đó với tôi" - Cô vợ khá bức xúc.
Sau khi kể lại toàn bộ câu chuyện của mình, người phụ nữ đặt ra câu hỏi: "Không cho chồng đứng tên căn hộ liệu có phải là một quyết định quá ích kỷ và có phần lạ lùng hay không?".
Phía dưới bài đăng này, phần lớn mọi người đều bày tỏ sự nể phục cho nỗ lực tiết kiệm và "vượt khó" của Halen. Không ít người còn thắc mắc điều gì khiến cô có thể vẫn yêu một người chồng như vậy.
"Bố mẹ chồng có thể coi thường bạn nhưng chồng bạn để điều đó xảy ra một cách công khai, kể cũng lạ thật đấy" - Một người dùng chia sẻ quan điểm.
"Tôi nghĩ điều bạn nên băn khoăn lúc này lẽ ra phải là mình có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này hay không, khi cả chồng lẫn gia đình chồng đều đòi hỏi một việc quá phi lý như vậy? Ngay từ đầu họ đã bắt bạn ký thỏa thuận không có tài sản chung sau khi kết hôn cơ mà, bạn còn cần nghĩ gì thêm về việc ai đứng tên căn hộ nữa cơ chứ?" - Một người khác phân tích.
Halen sau đó không lên tiếng gì thêm nữa. Không ai biết liệu cô có thêm tên chồng vào danh sách người sở hữu căn hộ hay không. Điều duy nhất chắc chắn chỉ là một người phụ nữ có thể xuất thân nghèo khó, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cả đời cô ấy sẽ phải sống trong nghèo khó và sự coi thường.