Tết Đoan ngọ của người Hàn là ngày để mọi người hưởng thụ, hát ca, nhảy múa, ăn thật nhiều và uống rượu thật nhiều. Đây là thời điểm người dân thư giãn và chuẩn bị cho một giai đoạn mới, tổ chức các nghi lễ thờ cúng thần linh, cầu mong cho một mùa màng bội thu, không có thiên tai, sâu bệnh.
Các thiếu nữ Hàn sẽ gội đầu với thứ nước đun với lá cây diên vĩ |
Trong ngày này, những cô gái Hàn sẽ thực hiện tục gội đầu bằng lá cây diên vĩ. Người Hàn tin rằng, nếu bạn dùng nước cây diên vĩ đun sôi để gội đầu sẽ khiến tóc bạn suôn mượt và óng ả hơn. Mọi người sau đó mặc những bộ đồ với tông màu chủ đạo là màu đỏ và xanh. Những chiếc cặp tóc cũng được nhuộm đỏ bằng rễ cây diên vĩ.
Đó là trang phục của người phụ nữ, còn những người đàn ông Hàn, họ sẽ cuốn rễ cây xung quanh thắt lưng. Người ta tin rằng làm như vậy sẽ xua đuổi được các tà ma và các linh hồn dữ sẽ không thể làm hại bạn.
Trò chơi dân gian hấp dẫn
Trò chơi dân gian được tổ chức rất nhiều trong ngày Tết Đoan ngọ của người Hàn. Người dân Hàn có các trò chơi như đu quay, bập bênh truyền thống, nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng cần cả sự khéo léo. Do đó, chúng là trò chơi thường phổ biến trong phái nữ.
Nam giới Hàn Quốc còn thử sức mình với trò chơi đấu vật (tên gọi là “Ssireum” hay 씨름). Bạn chỉ có thể hạ đo ván người đối diện khi bạn vật được đối phương xuống đất, không có bộ phận nào của người này được cao hơn đầu gối của bạn. Người nào thắng cuộc có thể sẽ được thưởng cả một con bò.
Ngoài ra, người Hàn Quốc còn tổ chức nhiều tiết mục biểu diễn mặt nạ Ttal đặc sắc và vui nhộn, đảm bảo cho người tham gia có thể cảm nhận được hết tinh thần của lễ hội Dano. Các tiết mục biểu diễn mặt nạ này từng rất phổ biến trong giới thường dân, do đa số lời bài hát có ý nghĩa đả kích bộ phận quý tộc trong xã hội.
Món ăn truyền thống
Nếu như người Việt Nam trong Ngày Tết Đoan ngọ sẽ rủ nhau ăn rượu nếp cẩm, các loại hoa quả và thịt vịt thì người Hàn cũng có những thức ăn đặc trưng trong ngày lễ đặc biệt này. Cụ thể có thể kể đến hai loại bánh là Suritteok và Yaktteok, có nguyên liệu chính là làm từ gạo, lá cây và các loại hạt:
- Món Suritteok: được chế biến từ gạo không dính, được nấu chín cùng lá ngải cứu để có được thứ bánh dẻo dẻo màu xanh, tạo hình thành bánh xe xinh xắn (do trong cái tên “Suritnal” có từ “suri”, có nghĩa là “bánh xe”)
- Món Yaktteok: cũng có nguyên liệu chính là gạo không dính, nhưng được nấu với các loại hạt khác nhau, hình dáng bánh cũng đa dạng hơn và là đặc sản vùng phía nam tỉnh Jeolla.
Các hoạt động trong ngày Tết Đoan ngọ Trung Quốc
Đua thuyền rồng
Đua thuyền rồng là một hoạt động náo nhiệt không thể thiếu người Trung Quốc trong Tết Đoan Ngọ. Tương truyền, khi nhận được tin Khuất Nguyên vị trung thần nước Sở tự vận, người dân ngay lập tức tổ chức đội thuyền chèo ra sông để cứu nhưng không thành.Kể từ đó, mỗi năm vào đúng ngày 5/5 người dân đều tổ chức lễ hội đua thuyền rồng để tưởng nhớ đến vị trung thần này.Nếu bạn có cơ hội đi du học Trung Quốc, hãy thử đi xem lễ hội đua thuyền này một lần nhé bởi gần như tỉnh nào cũng tổ chức.
Ăn bánh nếp (Bánh ú)
Người xưa kể lại, sau khi Khuất Nguyên tự vẫn, vì yêu mến ông và sợ tôm, cá rỉa xác ông nên đã dùng lá để gói bánh nếp đem thả xuống sông làm thức ăn cho cá. Gọi đó là món bánh nếp (bánh ú) và trở thành món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan ngọ. Tùy từng vùng miền, bánh ú có thể là thịt, đỗ xanh, trứng mặn, long nhãn hay hạt tiêu, bột dẻ….
Uống rượu hùng hoàng
Cùng với tục ăn bánh nếp, rượu hùng hoàng là thức uống nhiều người sử dụng trong dịp Tết Đoan Ngọ.Theo sách “Bản thảo Cương Mục”, rượu hùng hoàng là một vị thuốc có thể tiêu độc, giết sâu bọ và được dùng pha rượu uống. Rượu được lên men lúa mạch cùng hùng hoàng, một khoáng vật màu vàng.
Đeo túi thơm
Túi thơm là túi vải được may thành hình quả cầu, chú cọp từ chỉ ngũ sắc. Bên trong túi đựng các loại hương liệu như hùng hoàng, hương dù, hạt mùi và nhiều loại hương liệu khác để đuổi sâu bọ, rắn rết gây hại cho trẻ nhỏ. Người Trung Quốc quan niệm rằng đeo túi thơm trong ngày Tết Đoan Ngọ giúp xua đuổi tà ma, chống bệnh tật để bảo vệ sức khỏe.
Ngày lễ dành cho bé trai tại Nhật Bản
Ngày này ban đầu được gọi là Tango no Sekku (từ thời Nara) và được tổ chức vào ngày thứ 5 của tháng năm tính theo âm lịch hay lịch Trung Quốc. Sau khi Nhật Bản chuyển đổi sang lịch Gregorian, ngày đó cũng được dịch chuyển sang ngày mùng 5 tháng 5, và được coi là ngày lễ dành cho các bé trai với tên gọi "Kodomo no hi" là một ngày đại lễ của Nhật từ năm 1948.
Đây là dịp lễ đặc biệt, người Nhật thường treo cờ cá chép (Koinobori) tượng trưng cho những bé trai khoẻ mạnh thông minh với ý nghĩa “cá vượt vũ môn” và còn trang trí các bộ áo giáp Kabuto mang theo ước nguyện của những bậc cha mẹ mong muốn cho con mình sẽ thành đạt trong cuộc sống.
Cứ đến đầu tháng 5 là ở Nhật rợp trời cờ cá chép tung bay trong gió, mỗi nhà treo 3 hoặc 5 cờ, với 5 màu chủ đạo là: xanh lam, đỏ, đen, xanh lá, xanh tím.Những lá cờ Koi (cá chép) vải đầy màu sắc được treo trên mái nhà hoặc hành lang chung cư của các gia đình có con trai.
Bên trong nhà, họ cho chưng bày cái tượng chú bé "Kintarô" (金太郎) cưỡi cá "koi" và cái áo giáp hay nón giáp samurai gọi là “yoroi kabuto” (鎧兜) hay "kabuto" (兜, 冑). Ngày xưa bên Trung Quốc người ta có truyền thuyết là cá chép leo thác nước để được thành rồng. Câu chuyện nầy được truyền sang những nước chịu ảnh hưởng của Hán Học như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản.
Vào ngày tết Tango, người Nhật làm bánh "mochi" (gạo nếp) gói trong lá "kashiwa" (lá sồi) và lá "ayame" (xương bồ" hay tre như bánh chưng bánh tét của Việt Nam ta, gọi là "kashiwa-mochi" và "chimaki" để cúng và ăn lễ Tết này.
Trong lễ hội này người ta hay làm Obento hay bữa cơm có hình cá chép, làm Chimaki, Kashiwa mochi,… cho con để cầu chúc và mong muốn cho con mình được mạnh khỏe và phát triển tốt.