Câu chuyện chú Nguyễn Văn Minh (57 tuổi, ngụ làng Đại học Quốc gia TP.HCM) đã bị mất chiếc xe ba gác dùng để chở đồ miễn phí cho sinh viên đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Cụ thể vào khoảng 2-3h sáng 7/12, một nhóm trộm khoảng 3 thanh niên (camera ghi nhận được) đã bẻ khóa, cắt dây cột xe ba gác để lấy đi. Đến 4h sáng, chú Minh từ lều trở ra thì phát hiện xe đã mất, riêng đồ nghề bơm vá xe máy thì vẫn còn.
Chiếc xe ba gác của chú Minh dùng để chở đồ miễn phí cho sinh viên đã bị trộm lấy mất |
Trả lời phỏng vấn của Trí thức trẻ, chú Minh cho biết dù sự việc đã xảy ra cách đây 2 ngày, chú vẫn chưa thể chấp nhận được. Bởi đối chú, đó là "đứa con" lớn nhất mà chú có được nhờ vào sự yêu thương của mọi người.
"Hồi đầu năm chú gặp sự cố, bị đốt lều, đốt xe, mọi người thương tình nên ủng hộ một số tiền, chú mới mua chiếc ba gác máy chở đồ miễn phí cho sinh viên. Ai ngờ đâu rạng sáng hôm qua (7/12), tụi trộm nó đến cắt dây khóa lấy xe đi rồi", chú Minh buồn bã nói.
"Lúc biết xe mình đã mất, chú buồn và bối rối lắm. Xe đó là của mọi người tặng cho chú để chở đồ miễn phí, không ngờ tụi trộm vẫn nhẫn tâm lấy đi. Chú coi nó như con à, ngày nào cũng lau chùi, trước giờ có khi nào mất xe thế này đâu", chú Minh nghẹn lời.
Chú đã trình báo sự việc lên chính quyền địa phương, đồng thời nhờ các anh em trong đội "hiệp sĩ" đường phố tại Biên Hòa, Bình Dương, Thủ Đức…, tìm kiếm giúp.
"Chú chỉ mong cái xe của mình được tìm lại, nó là kỷ niệm, tình cảm của mọi người dành cho mình, không dễ gì có được. Mọi người gọi điện cho chú nhiều lắm, qua nay có 3 người hứa mua xe ba gác để tặng cho chú. Nhưng chú xin phép chỉ nhận một chiếc xe của cô Phương, người đầu tiên gọi điện giúp chú à. Cô ấy bảo hôm nay sẽ xuống hỗ trợ rồi sau đó đi mua xe", chú Minh nói tiếp.
Chiếc xe ba gác bị mất của chú Minh (Ảnh: FB) |
"Chú chỉ mong có thể giúp thêm được nhiều sinh viên mà thôi, ở đây đứa nào cũng biết chú cả. Đợt trước, người ta tới cho tiền nhiều quá, sau khi mua xong chiếc xe ba gác, còn dư chú mua xe máy cũ, phần quà để tặng lại cho sinh viên nghèo, xe ôm. Tiền người ta giúp mình, mình đủ rồi thì nhường lại cho người khác chứ giữ làm gì", chú Minh cười vui vẻ.
Khi được hỏi về biệt danh "Minh cô đơn", chú cười nghẹn: "Chắc tụi nhỏ thấy chú cô đơn quá, không có ai bên cạnh nên gọi thôi, riết rồi thành quen. Nhưng chú không có cô đơn đâu à, chú có nhiều con, nhiều cháu lắm".
Chú Minh đã có hơn 20 năm gắn bó với công việc thiện nguyện. Nhiều lần chú cũng từng ao ước có cho mình một tổ ấm thật sự nhưng đến giờ chú vẫn làm bạn với sự cô đơn.
Căn chòi nhỏ dựng tạm bợ gần ngã tư Quốc phòng là nơi trú ngụ của chú Minh |
"Cũng từng nghĩ lắm chứ, nhưng con thấy đấy, có ai chịu quen chú khi không có nhà cửa, ở lều như thế kia đâu. Có một số người cũng ngỏ ý nhưng chú từ chối vì chú biết, họ sẽ không chấp nhận việc chú làm thiện nguyện như này đâu. Thà sống một mình, muốn làm gì làm, vui vẻ với điều mình có, chứ khi có gia đình rồi, mình không lo được cho vợ con, lại khổ họ", chú Minh chia sẻ.
Hằng ngày cứ 4 giờ sáng, chú bắt đầu công việc bơm, vá xe miễn phí, chở đồ, thay ruột cho sinh viên nghèo… đồng thời hỗ trợ lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trong khu vực. Số tiền ít ỏi mà chú kiếm được mỗi ngày từ chạy xe ôm, chú dùng vào việc mua dụng cụ vá xe, ruột xe để tặng cho sinh viên nghèo. May mắn là chú thường được nhiều bà con giúp đỡ, từ thiện cơm.
Chú cũng hay chạy chiếc xe cũ đi lòng vòng quanh khu vực, nhất là nơi bọn "biến thái" và cướp giật lộng hành. 3 năm trước, trong một lần truy đuổi cướp, cánh tay phải của chú đã bị mất đi một sợi gân. Gần nhất vào đầu năm 2020, túp lều và chiếc xe máy của chú hư hỏng vì bị kẻ xấu dàn cảnh đốt cháy.
"Giờ chú đã quen rồi, có gì phải sợ đâu, mình làm đúng là được. Vết thương cũ đến nay cũng còn đau nhức lắm nhưng không sao cả, miễn giúp người khác là chú vui rồi. Còn chiếc xe ba gác, chú sẽ giữ gìn thật kỹ, sơn đúng màu sơn như cái xe bị mất, sau này nếu không còn sức chạy để chở đồ nữa, chú sẽ giao lại cho hội sinh viên để nó tiếp tục làm nhiệm vụ giúp đỡ các em trong làng Đại học", chú Minh tâm sự.
Tại ngã tư Quốc phòng, dù trời nắng hay mưa, chú Minh vẫn ngồi đó, nơi tấm bảng "vá xe, thay ruột miễn phí".