Trong một tuyên bố ngày 23/12, công ty công nghệ sinh học của Mỹ có trụ sở tại bang Massachusetts này cho biết: "Chúng tôi sẽ thực hiện các thử nghiệm bổ sung đối với loại vaccine này trong những tuần tới để thẩm định khả năng trên".
Vaccine của hãng Mordena có thể kháng được virus biến thể. |
Theo Moderna, công ty này đã tiến hành thử nghiệm huyết thanh với một số người tình nguyện và các động vật thí nghiệm đã được tiêm vaccine ngừa một số biến thể trước đó của COVID-19 - vốn đã xuất hiện kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch này. Kết quả cho thấy vaccine "phát huy hiệu quả như nhau".
Loại vaccine 2 liều của Moderna đã được đưa vào sử dụng thực tế tại Mỹ từ ngày 21/12. Giống như vaccine do tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer Inc. của Mỹ và đối tác BioNTech SE (Đức), các vaccine do Moderna bào chế cũng dựa trên công nghệ mới mRNA.
Nếu như các loại vaccine phát triển theo phương pháp truyền thống sẽ đưa một virus yếu hoặc bất hoạt vào cơ thể người để kích hoạt phản ứng miễn dịch, thì công nghệ mRNA sẽ giúp các tế bào tạo ra một "protein gai nhọn" không gây hại cho cơ thể người, tương tự như loại protein được tìm thấy trong chủng virus SARS-CoV-2. Sau đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể người phát hiện ra protein này và bắt đầu xây dựng phản ứng miễn dịch, tạo ra các kháng thể để bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trong tương lai.
Cũng liên quan công tác phát triển vaccine, các nhà nghiên cứu Brazil cho biết theo các dữ liệu sơ bộ, loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển và sản xuất có hiệu quả trên 50%. Mặc dù vậy, kết luận cuối cùng của quá trình thử nghiệm sẽ được công bố chính thức sau 15 ngày nữa.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, Brazil là nước đầu tiên hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng của CoronaVac trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Viện Butantan của bang Sao Paulo và công ty Sinovac Biotech.
Giám đốc Viện Butantan Dimas Covas khẳng định loại vaccine này đã đạt được mức hiệu quả và an toàn cần thiết, qua đó cho phép thực hiện bước tiếp theo là đệ trình hồ sơ lên các cơ quan quản lý để xin phép sử dụng khẩn cấp. Dự kiến, bang Sao Paulo có thể sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng 1/2021.
(Nguồn: TTXVN)