• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cùng phụ nữ trầm cảm "học lại nụ cười"

Không ai nghĩ rằng, vẫn là những con người đó, chỉ một tháng trước đây, họ đang trải qua...

 Mỗi tuần một lần vào ngay sau bữa trưa, 10 lớp sinh hoạt đặt tại 10 trạm y tế tỉnh Thái Nguyên lại rộn rã tiếng nói cười của những học viên nữ ở độ tuổi đầu 5, đầu 6. Không ai nghĩ rằng, vẫn là những con người đó, chỉ một tháng trước đây, họ đang trải qua mỗi ngày mà quên cách cười vui vẻ là như thế nào.  

Trầm cảm hay rối loạn lo âu là những bệnh lý tinh thần bị chi phối bởi nhiều yếu tố như suy nghĩ tiêu cực, môi trường sống căng thẳng, gia đình gặp nhiều vấn đề nan giải. 

Bà Nguyễn Thanh Tâm, giám đốc BasicNeeds Việt Nam cho biết: “Trầm cảm là vấn đề không chỉ riêng ai, không ai miễn nhiễm với trầm cảm. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới cao gấp đôi so với nam giới. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ thì có 1 bệnh nhân nam mắc trầm cảm.”

Bà Nguyễn Thanh Tâm, giám đốc BasicNeeds Việt Nam
Bà Nguyễn Thanh Tâm, giám đốc BasicNeeds Việt Nam

Theo bà Tâm, nguyên nhân nữ giới dễ bị trầm cảm hơn là do trong suốt quá trình trưởng thành, họ phải trải qua nhiều đợt biến đổi tâm sinh lý, đặc biệt là lúc mang thai, họ dễ bị “trầm cảm chu sinh” - cả trước và sau sinh. Hơn nữa, mặc dù trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới, song thực tế vẫn còn rất nhiều thách thức. Nhiều phụ nữ vẫn “bị bỏ lại phía sau” trong học tập, vị thế xã hội hay gánh nặng từ định kiến giới. 

Thấu hiểu câu chuyện đó, một nhóm mô hình chăm sóc sức khoẻ tinh thần dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm được thành lập bởi BasicNeeds, mở ra cơ hội cho những người mắc các bệnh lý về tinh thần, nhất là với nhóm phụ nữ yếu thế, để họ tìm lại được điểm cân bằng của đời mình.

Tô lại nụ cười sau gần một thập kỷ 

“Tôi cứ ngồi trong một góc, nhìn di ảnh của đứa con gái 8 tuổi rồi khóc, ngày qua ngày suốt 6 năm qua. Tôi không muốn nói chuyện với ai, không ai trả lại được con cho tôi cả” – người phụ nữ méo xệch khuôn mặt trắc trở, gục đầu bên băng ghế, đôi vai gầy run lên bần bật, nước mắt cứ thế không dừng được khi nhớ về những năm tháng buồn khổ của đời mình.  

Đó là câu chuyện của cô T.T.Th (57 tuổi, P.Trung Thành, TP Thái Nguyên). Lần đầu gặp cô Th, hẳn ai cũng sẽ thấy có gì đó khó hiểu khi nhìn cô Th cười. Khoé miệng gượng gạo kéo dãn ra, cơ mặt bớt căng thẳng đi một chút, gò má cao lên càng tô đậm hai quầng mắt thâm sâu còn đôi mắt vẫn ầng ậc nước.  

Cô gọi biểu cảm đó là cô đang “học lại cách cười”.  

Một trong số những hoạt động diễn ra trong “lớp học” cộng đồng tại Thái Nguyên
Một trong số những hoạt động diễn ra trong “lớp học” cộng đồng tại Thái Nguyên

Cô Th. từng có một cuộc sống bình dị như bao người nông dân ở làng quê: là mẹ của hai đứa con, gia đình ấm êm, cùng nhau mưu sinh bên đồng ruộng, đồi chè. Hai con cô lớn lên và trở thành lẽ sống của đời mẹ. Nhưng tai hoạ luôn ập đến khi người ta không ngờ tới, cũng không nghĩ nó sẽ xảy đến với mình.  

Ngày con gái cô đi tiêm phòng, sốc phản vệ và mất. Mũi tiêm giúp người ta đề kháng chống lại căn bệnh có nguy cơ tử vong cao, lại khiến con gái cô rời khỏi thế giới này vĩnh viễn. Rồi đồng thời, có một người mẹ suy sụp hao mòn sau mũi tiêm định mệnh.  

Buổi đầu tiên đến trạm y tế xã, cô Th. không ngẩng lên nhìn ai. Tham gia nhóm điều trị trầm cảm cộng đồng đến buổi thứ 4, cô Th. đã có thể cùng mọi người chơi các trò chơi vận động cơ thể, trò chuyện nhiều hơn và quan trọng nhất là “học lại được cách mỉm cười”.  

“Tôi dần chấp nhận nỗi đau của mình hơn vì nhận thấy xung quanh mình vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, những số phận giống như tôi. Chúng tôi dựa vào nhau, san sẻ với nhau, và cùng nhau vượt qua”. 

Bà Nguyễn Thanh Tâm giới thiệu về dự án trọng điểm “Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả”
Bà Nguyễn Thanh Tâm giới thiệu về dự án trọng điểm “Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả”

Cùng tham gia lớp học, cô Tr (62 tuổi, P.Hương Sơn, TP Thái Nguyên) rơi vào trạng thái trầm cảm chỉ ít ngày sau khi biết mình bị mắc bệnh ung thư. “Tôi gần như cảm thấy mọi thứ sụp đổ trước mắt. Những ngày xạ trị ở bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), tôi khóc vì bi quan nhiều hơn là khóc do đau đớn vì bệnh. Thậm chí, nghĩ mình chẳng sống được bao lâu, tôi còn mang quần áo, đồ đạc đi cho mọi người hết. 

Nếu cứ tiếp tục như vậy, có lẽ trầm cảm giết chết tôi trước bệnh ung thư”. 

Sau khi tham gia lớp điều trị trầm cảm cộng đồng cùng mọi người, cô Tr. suy nghĩ tích cực hơn: “Bây giờ, tôi bớt bi quan về bệnh tình. Thay vào đó, tôi tận hưởng những ngày mình còn được sống. Còn sống ngày nào tôi ráng vui ngày đó”. 

Đồng hành cùng phụ nữ vượt qua trầm cảm

Nhận thấy nhóm phụ nữ yếu thế chính là đối tượng nhạy cảm dễ gặp các vấn đề về sức khoẻ tinh thần, tổ chức BasicNeeds Việt Nam đã thực hiện dự án trọng điểm “Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả” từ tháng 1-2020.

Cụ thể, mô hình điều trị theo nhóm sẽ được thực hiện tại các trạm y tế xã, phường. Trong đó, mỗi trạm có hai cán bộ y tế tham gia, thường thì đó là trạm trưởng và một chuyên trách chương trình tâm thần của trạm. Các cán bộ y tế cơ sở sẽ được dự án trang bị kiến thức và kỹ năng, giúp công việc được diễn ra hiệu quả, lâu dài với cộng đồng.

Thay vì đến bệnh viện tâm thần, bệnh nhân chỉ cần đến trạm y tế xã phường nơi họ đang sinh sống. “Khi tham gia sinh hoạt nhóm, người bệnh sẽ thấy mình không đơn độc trên hành trình chống lại bệnh tật. Họ đang chiến đấu để vượt qua trầm cảm cùng những người khác. Họ tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ cũng như động lực từ câu chuyện của những người cùng nhóm” – bà Tâm cho biết.

Đến nay, dự án đã tiếp cận khoảng 3.000 người/năm có nguy cơ cao mắc các vấn đề tâm lý liên quan đến stress như trầm cảm và lo âu, điều trị thành công tại cộng đồng bằng tâm lý trị liệu theo nhóm khoảng 400 người bằng việc hướng dẫn trị liệu bệnh nhân mắc chứng trầm cảm cho các tuyến y tế cơ sở.

“Khi làm việc với nhóm phụ nữ yếu thế bị trầm cảm, đôi lúc chúng tôi cảm nhận được mình nhận lại nhiều hơn. Niềm vui rõ ràng nhất chính là nhìn thấy họ “sống được”, trau dồi kỹ năng để vượt qua khó khăn về tâm lý, cải thiện được cuộc sống, kinh tế gia đình.

Mỗi một dự án qua đi, giúp cho nhiều mảnh đời buồn được “đỡ buồn hơn”, vui hơn là hạnh phúc rồi. Những chuyển biến tốt trong cuộc sống của phụ nữ là động lực giúp chúng tôi đi tiếp đến ngày hôm nay” – bà Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ.

LAM GIANG

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật