• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại dịch COVID-19 chưa dứt, đã có nửa tỷ người gặp thảm cảnh

Dịch COVID-19 đã càn quét khủng khiếp lên nền kinh tế thế giới, gây ra những tác động...

Những người sống nhờ du lịch gặp "đại nạn" do COVID-19

Dịch COVID-19 đã gây ra những tác động khủng khiếp cho ngành du lịch. Tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc tính toán rằng ngành công nghiệp du lịch toàn cầu có thể mất 80 tỷ USD doanh thu trong năm nay, thổi bay 100 triệu việc làm.

Con phố du lịch Khao San nổi tiếng bậc nhất Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa
Con phố du lịch Khao San nổi tiếng bậc nhất Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa

Trên con phố du lịch Khao San nổi tiếng bậc nhất Bangkok, Thái Lan, bà chủ một cửa hàng lưu niệm nhỏ là Cletana Thangworachai vừa mở cửa trở lại sau nhiều ngày nghỉ vì dịch.

Cửa tiệm của Cletana chứa đầy những món đồ nhỏ xinh như những chiếc móc khóa hình voi nhiều màu sắc, hay quần áo cotton họa tiết rực rỡ. Tất cả chúng đều rất được du khách quốc tế ưa chuộng khi ghé thăm Thái Lan. Nhưng bây giờ, chẳng còn vị khách nào mua đồ ở cửa hàng của Cletana cả!

Rất nhiều người, giống như Cletana đang gặp khó khăn để kiếm sống. Nếu như trước dịch COVID-19, cô có thể kiếm 300 USD một ngày thì trong tháng 4, khi mà Thái Lan cho dừng các chuyến bay quốc tế đến quốc gia này, thu nhập hàng ngày của Cletana giảm xuống còn 2 USD, có ngày thậm chí là 0. Gánh nặng ngày một đè nặng lên vai bà chủ cửa hàng lưu niệm, khi vẫn phải lo cho người con trai bị bệnh.

Thứ 5 tuần trước, phóng viên CNN phỏng vấn Niwet Phumiwetsoonthorn - người lái chiếc xe tuk tuk trên đường Khao San và biết rằng thu nhập hàng ngày của anh đã giảm từ 70 USD xuống còn 2 USD thậm chí là 0. Anh không có tiền gửi về cho vợ và con đang ở quê. Lần đầu tiên trong đời, Niwet phải xếp hàng xin thức ăn.

"Tôi không thể ngồi cả ngày trong phòng và xem tin tức trên tivi. Điều đó khiến tôi cảm thấy bức bối hơn. Tôi vẫn cùng những đồng nghiệp đưa xe ra đường chờ mỗi ngày du biết là chẳng có khách. Chúng tôi động viên nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn này", anh Niwet nói.

Sinh viên nghèo, một trong những nạn nhân của đại dịch 

Dịch COVID-19 lan tới đâu, nhiều người khốn khổ tới đó. Những sinh viên nghèo là một bộ phận trong nạn nhân của đại dịch. Họ thiếu tiền, vô gia cư, không Internet.

Ngày 10/3, ĐH Harvard thông báo dừng tổ chức dạy học, yêu cầu sinh viên rời khỏi ký túc xá trong 5 ngày từ 11-15/3 để hạn chế sự lây lan của virus corona.

Việc kinh doanh của gia đình Lathion trên bờ vực phá sản và cô có thể không đủ tiền học tiếp. Ảnh: New York Times.
Việc kinh doanh của gia đình Lathion trên bờ vực phá sản và cô có thể không đủ tiền học tiếp. Ảnh: New York Times.

Bắt đầu từ đây, Juliet Isselbacher và Amanda Su, hai sinh viên đang theo học tại ngôi trường danh giá, phải đối mặt với một loạt hóa đơn phát sinh khi buộc phải chuyển ra ngoài sống. Việc đột ngột chuyển ra khỏi ký túc xá gây áp lực không nhỏ đến những sinh viên có thu nhập thấp, vốn đã bị bủa vây bởi hàng loạt gánh nặng chi tiêu như Juliet Isselbacher và Amanda Su.

Mặc dù nhà trường hỗ trợ sinh viên một vài chi phí như tiền đi lại, tiền trợ cấp chỗ ở tạm thời, các khoản cần chi vẫn vượt ngoài khả năng của họ. Chẳng hạn, tiền Internet để tham gia các lớp học từ xa hoàn toàn do sinh viên chi trả. Để tham gia học online, người học tốn một số tiền không nhỏ để kết nối mạng và nghe giảng trong nhiều giờ liền.

Tatiana Lathion, sinh viên năm cuối và là trợ giảng của giáo sư Anita Isaacs, giảng viên môn khoa học chính trị ở Đại học Haverford. Vài ngày trước khi khóa học trực tuyến diễn ra, Lathion gửi mail cho cô Isaacs, cho biết cô có thể sẽ không thể theo học được nữa. Chiếc xe tải bán đồ ăn của gia đình cô, cũng là nguồn tài chính chủ yếu, đang trên bờ vực phá sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Thưa cô, em không chắc tài khoản tiết kiệm của em vừa đủ giữ hoạt động kinh doanh tồn tại, vừa nuôi gia đình qua thời gian cách ly xã hội. Có lẽ em sẽ đi làm bán thời gian ở một cửa hàng tạp hóa”, Lathion viết trong email gửi cô Isaacs.

Giáo sư liền gọi điện hỏi thăm Lathion sau khi nhận được email. Bà cho biết: “Thật đau lòng khi chứng kiến em ấy khóc qua màn hình laptop. Tôi cứ nghĩ mãi, nếu không vì virus, tôi đã có thể ngồi cùng Lathion và an ủi cô gái này”.

Tài xế vay tiền mua xe 4 bánh chạy taxi, lao đao trong cảnh nợ nần

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng dịch COVID-19, ngay sau khi nhận được chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ứng dụng gọi xe Grab, taxi Mai Linh… đã lập tức phát đi thông báo quyết định tạm dừng dịch vụ đến hết ngày 15/4/2020 để đảm bảo an toàn cho tài xế và khách hàng.

Không có khách nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng, nhiều tài xế taxi lao đao. Ảnh: Tiền Phong
Không có khách nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng, nhiều tài xế taxi lao đao. Ảnh: Tiền Phong

Không ít tài xế lái xe 4 bánh đã rơi vào tình trạng khó khăn, không có thu nhập để trả lãi ngân hàng vì vay tiền mua ô tô. Người dân hạn chế ra ngoài, các cửa hàng ăn uống, dịch vụ du lịch cũng đã đồng loạt đóng cửa trong khoảng thời gian giãn cách xã hội cũng khiến thu nhập của nhiều tài xế giảm sút mạnh. Không ít người rơi vào cảnh "sống dở chết dở" vì vẫn còn khoản nợ ngân hàng "treo trên đầu" do vay mượn để mua xe chạy taxi.

Anh Trần Văn Đông, sống tại Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: "Trong thời gian đầu mới chạy xe tôi thu về được gần 2 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, thu nhập ngày càng giảm, hiện tại tôi vẫn chưa trả được hết nợ vay mua xe. Thời gian gần đây do dịch bệnh COVID-19 nên tôi càng khó khăn hơn khi không có thu nhập để trang trải chưa nói đến trả tiền lãi".

Mới bán một chiếc xe vì không đủ tiền trả lãi, anh Vũ Văn Trọng, sống tại Thanh Trì, Hà Nội nói, anh mới đầu quân cho ứng dụng gọi xe công nghệ được gần nửa năm, đang làm ăn tốt thì bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thu nhập mỗi ngày chưa tới 1 triệu đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí chỉ còn khoảng 500.000 đồng. Vì tiền chạy xe không đủ trả lãi vay nên anh đã chấp nhận bán xe với giá lỗ gần 100 triệu đồng.

Công nhân, những người khốn khổ vì dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà doanh nghiệp khó khăn, có nơi đóng cửa sản xuất. Chỉ tính trong tháng 4, cả nước có khoảng 5 triệu lao động ngừng việc. Đầu tháng 5 này, rất nhiều công nhân thất nghiệp lao đao vì dịch.

Công nhân, người lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Ảnh NN
Công nhân, người lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Ảnh NN

Anh Hùng, đang làm việc tại Công ty Simone, Khu công nghiệp Tân Hương, Tiền Giang khá buồn chia sẻ rằng đồng nghiệp của anh nghỉ gần hết, giờ công ty khá vắng. Lý do vì ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty chưa xuất hàng đi được, cho nên đành giảm nhân sự bằng cách người nào đến hạn hợp đồng thì báo trước rồi cho công nhân nghỉ. Còn một số khác, tạm ngừng hợp đồng lao động khoảng 5 tháng. 

Trên mạng xã hội, rất nhiều công nhân phải nghỉ hay hoãn hợp đồng thuộc Công ty Simone đều chia sẻ tâm trạng buồn và nuối tiếc vì phải rời môi trường làm việc, bạn bè. Nhưng dù sao đi nữa, họ vẫn phải chấp nhận vì sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh gây thiệt hại khá lớn cho các doanh nghiệp.

Không chỉ có vậy, nhiều công nhân lao đao tìm việc sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Là người bị mất việc trong khoảng thời gian đỉnh dịch, và giờ đang loay hoay tìm công việc mới, anh Tường Thịnh khá chán nản vì mãi chưa tìm được việc phù hợp.

Anh Thịnh kể: “Công ty tôi làm trước đây trong KCN Long Giang, vì quá khó khăn do dịch bệnh mà cho công nhân nghỉ. Hơn nửa tháng nay tôi thất nghiệp nên giờ muốn tìm công việc lại. Nhưng tôi nộp hồ sơ nhiều mà chưa được gọi, có công ty gọi làm thì công việc nặng quá, trả lương lại bèo nên làm không nổi. Hiện bây giờ tôi vẫn đang tìm việc mà nghe chừng khó quá.”

Anh Thịnh cũng cho biết thêm, nếu không tìm được việc trong thời gian hiện tại ở KCN thì anh sẽ tìm việc bên ngoài làm, vì quan trọng là có tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn này, sau đó tính tiếp. 

Trên đây chỉ là những trường hợp rất nhỏ trong nửa tỷ người trên toàn cầu gặp thảm cảnh do đại dịch COVID-19 gây ra. Tác động của nó lớn đến mức, một số quốc gia đang phải đối mặt với một câu hỏi mà câu trả lời chỉ có thể là... bế tắc, một cái chết do dịch bệnh COVID-19 hay là đói?

AN LY (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật