Dịch bệnh hoành hành, Sài Gòn như tê liệt. Chẳng còn phố xá đông vui, nhộn nhịp; chẳng còn hàng quán xôn xao; chẳng còn kẹt xe để người ta nhăn nhó giờ tan tầm. Mấy món “đặc sản” của Sài Gòn nay mất hút. Đường thi thoảng vài chiếc xe chạy, xẹt qua nhau, chẳng kịp vô tình chạm ánh mắt ai. Thiệt, Sài Gòn chưa bao giờ buồn đến vậy. Mấy tháng rồi còn gì?
Sài Gòn nay buồn quá!
Đợt giãn cách đầu tiên, người ta còn đếm ngày, động viên nhau bằng những bức ảnh liên tục cập nhật trên facebook cho bạn bè biết mình cũng khéo đấy, có thể vun vén bữa cơm hay nay làm thêm giá, kia trồng thêm hành. Rồi thấy ai đó đăng status hơi chán đời chút, lập tức bạn bè vào hỏi thăm, an ủi. Facebook giai đoạn đó tính ra lại ấm áp, có khi thừa yêu đời vì sau chuỗi ngày bận rộn, người ta lại có quãng thời gian sum họp, nấu nướng, chăm sóc gia đình. Thế nhưng, đó là hồi mới giãn cách, về sau, Sài Gòn mỗi lúc một buồn. Người ta dần quen với điệp khúc “thêm hai tuần nữa” đến chán, chả muốn đếm ngày ở nhà. Vài chục, vài trăm, cả ngàn rồi mấy ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Trên facebook, ảnh đại diện chuyển đen - màu báo hiệu gia đình có người vừa mất - ngày càng nhiều. Người quen có, người lạ cũng có, thấy lòng chông chênh vô hạn.
Tại Sài Gòn ngày càng xuất hiện nhiều vùng xanh, nơi người dân tự quản để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Tại các chốt trực như thế này, người dân dành cho nhau sự hỗ trợ để cuộc sống không đảo lộn và tăng đ |
Ngồi ở ban công căn hộ nhà mình, nhìn sang phía đối diện, chị Châu giật mình khi thấy các block chung cư mới hoàn tất chưa lâu chợt lung linh một cách lạ lùng. Mọi khi đâu có vậy? Ai mà dư điện thắp đèn cả đêm, căn nào cũng thắp. Chị chạy vào hỏi chồng, mới hay, dãy căn hộ mới ấy vừa được chuyển công năng làm bệnh viện dã chiến để thu dung những F0 mới. Vậy nên, các block nhà trước kia chẳng bóng người qua lại nay lúc nào cũng sáng đèn. Tiếng còi cấp cứu liên tục vang trong đêm, khiến chị Châu lắm lúc buông tiếng thở dài. Bệnh viện chuyển công năng, trường học thành điểm cách ly tập trung, ký túc xá thành khu điều trị F0… Sài Gòn căng mình chống dịch.
Người cao tuổi tại Sài Gòn đang là nhóm được ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch |
Hôm rồi đi làm, tôi bắt gặp một nam thanh niên ngồi rầu rĩ nơi trạm xe buýt. Bên cạnh anh là chiếc ba lô cũ mèm, xẹp lép. Vội vàng sửa lại khẩu trang, anh hỏi “Có gì không cho tôi xin một ít. Mấy nay lang thang rồi, chưa có gì ăn”. Anh nói, trước kia làm “thợ đụng”, siêng nên cũng đủ sống. Người ta bao ăn ở nên đâu lo. Rồi dịch Covid-19 ập tới, ban đầu cố gắng, đến khi chỗ làm việc đóng cửa, anh thành ra thất nghiệp. Tiền không có ăn, chỗ không có ở, bến xe buýt thành nhà, anh thành người vô gia cư. Hay như 9 cô bán ve chai tôi có lần tiếp xúc khi đi tác nghiệp, mấy tháng nay hay gọi điện cầu cứu. Chỗ mấy cô ở là vựa ve chai người ta cho thuê lại với giá 200 ngàn đồng/người/tháng. “Vậy mà ngưng lượm ve chai là nợ người ta chứ lấy gì trả. Mấy tháng trời toàn ăn cơm nước mắm, cá muối, xót ruột quá!”. Người thất nghiệp, người vô gia cư, người khó khăn trong đợt dịch này đâu ít, nếu không muốn nói là quá nhiều.
Ngày chưa có dịch, cứ khi thành phố lên đèn, Đường sách, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Hồ Con Rùa, mấy trung tâm thương mại, giải trí lúc nào cũng nhộn nhịp. Còn mấy tháng nay, im ỉm hết. Cửa đóng chặt, nhiều nơi mặt bằng trống trơn, nhìn đã thấy buồn. Hôm rồi, chị Phượng nói, vợ chồng chị bấm bụng thanh lý hợp đồng, trả mặt bằng, chấp nhận mất cọc, đền bù vì hết “gánh” nổi công ty. Công ty dịch vụ, dịch bùng đợt đầu, bao nhiêu tiền dự trù đem ra dùng hết để giữ chân nhân viên. “Đâu ngờ năm này còn thê thảm hơn, nợ nần chồng chất rồi, buông thôi. Mà nghĩ, lại thương nhân viên, thấy mình có lỗi với mấy em. Không biết gia đình mấy em sẽ ra sao khi mấy tháng trời ở nhà. Xót lắm”, chị Phượng nói mà nước mắt lưng tròng. Nghe chị Phượng tỉ tê, bạn bè không nén được tiếng thở dài: “Tao cũng sắp hết gượng nỗi rồi!”.
Cùng nương nhau
Dịch dã thường đi kèm tổn thất, thậm chí mất mát. Thế nhưng, trong đau khổ lại có những điều khiến ta cảm thấy ấm lòng. Ngay từ khi dịch bùng phát lại đến nay, tại Sài Gòn, nhiều người đang dìu nhau bước thật chậm giữa mùa giãn cách, mùa vật lộn với bao mối lo, nỗi sợ. Gần ba tháng duy trì, đến nay, “Bếp ăn nghĩa tình” của Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM đã nấu được gần 300.000 suất ăn gửi tặng tuyến đầu chống dịch, các bệnh viện điều trị F0, các khu cách ly trên địa bàn thành phố. Nhìn lại chặng đường đã qua với hơn 30 tình nguyện viên chung tay, anh Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm không tin mình và các cộng sự có thể bền sức đến vậy. Ban đầu, anh em tại trung tâm cùng góp tiền, góp sức nấu mấy trăm phần ăn mỗi ngày để gửi tặng đội ngũ y bác sĩ. “Rồi mọi người nay gửi gạo, thịt, trứng, kia chuyển rau, gia vị, giờ mỗi ngày nấu trên 5.000 suất. Tụi mình không nghĩ có thể duy trì bếp lâu đến vậy, tất cả là nhờ sự nhiệt huyết của các bạn tình nguyện viên. Cả chục bạn xách ba lô lên trung tâm ở lại để hỗ trợ kịp thời các khâu nhận tiếp tế, sơ chế rau củ trong đêm. Sáng sớm, hàng trăm suất ăn sáng nóng hổi sẽ đến các điểm cần. Mùa dịch, ai cũng khó khăn, chia sẻ cùng nhau là điều đáng quý”, anh Tuấn cho hay.
- Những bếp ăn 0 đồng hoạt động hết công suất |
Tại Sài Gòn hiện có hàng trăm bếp ăn “0 đồng” kịp thời hỗ trợ các suất ăn đầy đủ dưỡng chất đến lực lượng y tế và người lao động khó khăn trong giai đoạn này. Giữa tháng 7, đọc được dòng tin các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 8 mong có thêm suất ăn nước, chị Đan Hà (báo Công Lý) quyết định rủ các con vào bếp. Ban đầu, chị tự bỏ tiền túi và dự định nấu tặng vào hai ngày cuối tuần, mỗi bữa khoảng 300 phần ăn mặn và 300 phần tráng miệng. “Vậy mà hơn một tháng trôi qua, Bếp nhà Mai Linh chưa nghỉ tuần nào nhờ sự chung tay của mọi người”. chị Hà vui vẻ nói. Mai Linh là con gái của chị Hà. Cô bé lém lỉnh, đáng yêu và rất khéo tay. Em phụ mẹ làm từ món ngọt đến món mặn. Con gái lớn cũng được chị Hà phân việc cụ thể để các suất ăn đến bệnh viện đúng giờ hẹn. Nấu cho bác sĩ thôi chưa đủ, mấy mẹ con chị Hà còn nấu thêm xúp, cháo dinh dưỡng gửi tặng các bệnh nhi F0.
Một gia đình tại Sài Gòn có 3 thế hệ cùng chung tay làm các vật phẩm hỗ trợ chống dịch và nấu cơm gửi tặng tuyến đầu |
Nếu quy ra tiền, trung bình mỗi ngày chi phí cho món mặn của Bếp nhà Mai Linh vào khoảng 15 triệu đồng, món ngọt mỗi tuần cũng tầm 10 triệu đồng. Vậy mà bạn bè, người quen, mỗi người tiếp một tay, bếp cứ vậy “đỏ lửa” suốt mấy cuối tuần liền. Hôm rồi, chị Hà bật khóc khi nhận mấy thùng quà tiếp tế từ Bình Định. Chị kể: “Từ khi bếp nhà đỏ lửa nấu cho các y bác sĩ tuyến đầu, mình nhận được rất nhiều hàng hoá của mọi người ủng hộ, nhưng lần này khiến mình xúc động đến phát khóc. Hàng thực phẩm của nhóm chị em ngoài đó gửi vào, tươi ngon, đóng gói cẩn thận. Mình cảm nhận được sự nâng niu, trân trọng trong đó. Các chị còn tinh tế đến mức ngoài tôm cá, rau củ quả, mắm đường đậu còn gửi cả băng vệ sinh, quần lót giấy cho các nữ nhân viên y tế. Sự chu đáo đến từng chi tiết của các chị là động lực cho những người đang phục vụ tuyến đầu như mình”.
Sài Gòn rồi sẽ ổn thôi
“Ai ăn rau muống không? Mỗi nhà một bó nha!”, tiếng rao nhẹ nhàng qua bộ đàm của chiến sĩ công an trong một đoạn clip được người dân chia sẻ trên mạng xã hội mới đây khiến tôi xúc động. Một việc nhỏ nhưng đủ cho thấy sự quan tâm, chia sẻ mà mọi người dành cho nhau trong những ngày khó khăn này. Hay như việc chị bạn tôi, ở nhà thuê tận TP Thủ Đức, đoạn giáp Bình Dương, chật vật nuôi hai con với số lương ít ỏi, vậy mà, hai tháng rồi, có bao nhiêu tiền chị gom đi mua rau, cá về tặng cho công nhân cùng xóm trọ. Tặng thiếu, chị lấy luôn phần nhà trữ để ăn ra đưa vì “Thấy tội quá, không biết làm sao. Thôi mình ăn mắm cũng được, giúp ai cứ giúp”. Sáng cuối tuần, vừa đi nhận hàng về, chị nghe chồng nói “Mấy mẹ con chị công nhân đoạn kia hai bữa nay nghe nói nhịn đói. Coi nhà mình còn gì không?”. Nhà còn 3 vỉ trứng, chị nói chồng cầm nhanh qua đưa cho hàng xóm vì sợ trưa nay họ không có gì ăn. Vậy đó, có chút chút chia sẻ chút chút, thành ra tình thương cứ thế lớn dần.
Sài Gòn từ khi “bệnh nặng” đón nhận đủ đầy thương yêu. Từ những sẻ chia nho nhỏ đến những chuyến hàng đầy ắp rau củ quả, cá tôm… ở miền Tây, Lâm Đồng, Đắc Lắc hay tận miền Trung, miền Bắc xa xôi. Rồi lực lượng y tế từ các tỉnh thành cũng về đây, san sẻ khó khăn với lực lượng y tế đã quá mệt nhoài sau nhiều ngày chống dịch chưa ngơi nghỉ. Sài Gòn mấy tháng nay lần lượt ra đời nhiều mô hình lạ lắm: trạm oxy cộng đồng, cấp cứu lưu động, tư vấn điều trị tại nhà cho F0, khách sạn cộng đồng, tạp hóa 0 đồng, các ứng dụng hỗ trợ người thiếu lương thực, thực phẩm và cả mai táng miễn phí…
Khi nhu cầu hỗ trợ điều trị tại nhà cho F0 tăng cao do hệ thống y tế quá tải, nhiều ứng dụng đã được các tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp tạo ra nhằm kịp thời “chia sẻ với người gần bạn”. Các nhóm tư vấn điều trị Covid-19 qua điện thoại miễn phí cũng nhanh chóng được thiết lập, kịp thời giúp đỡ nhiều trường hợp. Cùng với đó là dịch vụ đưa oxy đến tận nhà hỗ trợ F0. Ngoài AMT - Oxy đã phân bổ đều tại TP Thủ Đức và các quận, huyện, “Trạm oxy cộng đồng” đang là địa chỉ được nhiều người nhờ cậy. Nhóm có khoảng 100 tình nguyện viên, chia ra thành nhiều đội để tiếp nhận, xử lý thông tin từ các gia đình F0 cầu cứu và lên phương án hỗ trợ.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sài Gòn muốn lao đao. Thế nhưng, điều đáng quý là ngay cả khi mỏi mệt nhất, người Sài Gòn vẫn tìm cách thắp sáng hy vọng và lan tỏa thông điệp tích cực. Nhìn cách các nghệ sĩ đem âm nhạc vào biểu diễn tại các bệnh viện dã chiến hay cách những tay vẽ từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư lan tỏa năng lượng tích cực giữa ngày dịch bằng hình ảnh rất đẹp của Sài Gòn trong đại dịch, ai cũng tin rằng, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Thay vì trách cứ, mọi người dang tay, che chở nhau. Thay vì cất cho riêng mình, mọi người sẻ chia, trao tặng. Sài Gòn ngay cả lúc bị dịch bệnh bủa vây vẫn lấp lánh bởi ân tình.
Tôi nhớ mãi hình ảnh một chuyên gia Anh khi được về nhà sau thời gian điều trị tích cực tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) mới đây. Một hình ảnh đẹp. Vừa ra khỏi thang máy bệnh viện, anh đưa hai tay lên cao, miệng cười tươi và liên tục nói “Freedom! Freedom!”. Đúng vậy, anh đã tự do, thoát khỏi những dày vò của con virus quái ác để trở về nhà, nơi có tách trà thơm đang đợi. Anh khỏe lại nhờ sự chu đáo, tận tình của những “thiên thần mặc đồ bảo hộ” tại nơi chuyên điều trị những ca nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng như thế này. Mỗi ngày đang có thêm nhiều F0 lành bệnh như anh được trở về với cuộc sống “bình thường mới”. Nhìn hình ảnh ấy, cảm nhận rõ sự yêu thương mọi người dành cho nhau, tôi tin Sài Gòn đang nghỉ ngơi. Và Sài Gòn ơi! Mai sẽ ổn thôi./.