Thông tin về quy định vi phạm như ép buộc người khác uống rượu bia, uống rượu bia ngay trước, trong giờ và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập, uống rượu bia tại địa điểm không được uống... sẽ bị phạt hành chính đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết trong nghị định xử phạt hành chính lĩnh vực y tế vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành có xử phạt vi phạm về rượu bia.
Cụ thể, điều 114 lần đầu tiên cho phép sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để quay phim, ghi hình... xử phạt vi phạm hút thuốc lá tại địa điểm cấm, uống rượu bia tại địa điểm cấm, vi phạm về khuyến mãi, quảng cáo rượu bia, vi phạm của người đứng đầu trong phòng chống tác hại rượu bia, vi phạm của người kinh doanh rượu bia...
Năm 2012, Bộ Y tế từng chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên thời điểm đó chỉ có quy định phạt các hành vi vi phạm mà không quy định phạt ai và phạt như thế nào cũng như khi xử phạt không có hình ảnh, chứng cớ kèm theo nên không phạt được.
Đại diện Vụ Pháp chế nói: "Lần này hầu như tất cả các điểm bị cấm trong Luật phòng chống tác hại rượu bia đã được quy định mức phạt nếu vi phạm và cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được xử phạt, mức xử phạt, như chủ tịch UBND xử phạt vi phạm nào, mức độ vi phạm ra sao, hay thanh tra y tế, quản lý thị trường, công an... phạt mức độ nào" .
Nghị định vừa ban hành cũng cho phép sử dụng hình ảnh, clip làm chứng cớ để "phạt nguội" như khi xử phạt các vi phạm về an toàn giao thông.
"Luật phòng chống tác hại thuốc lá phải mất 3 năm, từ 2012 - 2015 mới đi vào thực hiện hiệu quả. Với Luật phòng chống tác hại rượu bia ngay khi nghị định này có hiệu lực thực hiện vào ngày 15-11 tới, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai sớm để luật đi vào cuộc sống" - đại diện Vụ Pháp chế cho biết.
Ông Trần Ngọc Duy (Vụ Pháp chế) cho biết, có những quy định trong dựng dự thảo nghị định xử phạt vi phạm nói trên chưa thể thực hiện được ngay.
Ông Duy nhận định, hành vi bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện, bởi ở Việt Nam thường có thói quen là nhờ trẻ đi mua rượu bia, nhất là người trong gia đình. Trong khi ở nước ngoài mà cụ thể là Mỹ hay Thái Lan, khi trẻ muốn mua rượu bia phải có chứng minh thư. Dù vậy, ban soạn thảo đã lường trước vấn đề này, biết là khó nhưng vẫn phải đưa ra, trước hết là để tuyên truyền về việc cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Việc xử phạt làm gương sẽ triển khai trong các đợt thanh tra kiểm tra.
Ông Duy cũng nhấn mạnh về việc các chế tài sẽ ngày càng nghiêm khắc. Cụ thể là theo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế vừa ban hành quy định phạt 40-50 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, nhưng tới đây khi sửa đổi nghị định 158 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, hành vi này dự kiến sẽ có mức phạt tới 70 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM bày tỏ sự mong muốn công tác triển khai nghị định 117/NĐ-CP có cách thực hiện tốt để thay đổi "văn hóa ăn nhậu".
Bà Liên nói rằng, cần có hướng dẫn chi tiết để nhận diện hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc về cả mặt thời gian. Hành vi lôi kéo, xúi giục, kích động có định lượng được không, với bao nhiêu người hoặc bao nhiêu chai, ly, bao nhiêu nồng độ cồn... Vì nếu không sẽ gây ra nhiều rắc rối khi xử lý.
Bà Liên nêu dẫn chứng ví dụ vào một dịp kỷ niệm của cơ quan, cơ quan ra thông báo mời toàn thể nhân viên dự tiệc (có uống bia rượu) thì có được xem là xúi giục, lôi kéo không?
Luật sư Hồng Liên nhấn mạnh, để thực hiện xử phạt thì cần triển khai lực lượng kiểm soát, lập biên bản hành vi, thu thập chứng cứ.... hoặc thông qua hình ảnh, âm thanh, chứng cứ tố cáo.