• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Áp lực của các kỳ thi hiện nay không quá lớn để phải giảm tải, thực tế áp lực đến từ cha mẹ"

"Thực tế áp lực thi cử của học sinh không đến từ các kỳ thi mà đến từ cha mẹ" - TS. Vũ Thu...

Sau gần một năm dài học trực tuyến vì covid-19, việc học tập các em học sinh các cấp đều bị xáo trộn không ít, gây tâm lý hoang mang, mệt mỏi. Đặc biệt mùa thi cử đang đến gần khiến cho hầu hết các học sinh và phụ huynh vô cùng căng thẳng. Với những học sinh trong giai đoạn chuyển cấp như lớp 9, lớp 12, vấn đề thi chuyển cấp và kì vọng lựa chọn trường thì vấn đề thi cử dường như càng trở nên áp lực hơn rất nhiều.

Em Đỗ Thị Thu Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ em vừa hoàn thành kỳ thi cuối học kỳ 2. Tuy nhiên em đang phải ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào trường THPT. Trang có nguyện vọng được vào trường THPT Thăng Long. Mặc dù không nổi tiếng như Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam hay Chu Văn An, nhưng đây cũng là một trong những trường có điểm tuyển sinh cao nhất thành phố Hà Nội với điểm chuẩn đầu vào các năm thường từ 50-52,5 điểm nên em khá lo lắng. Em hy vọng: "Nếu không đạt được thành tích như mong đợi, em mong bố mẹ sẽ hiểu và động viên em, không so sánh với bạn này bạn kia".

Mùa thi đang cận kề tạo ra nhiều áp lực cho học sinh. Ảnh: thanhnien.vn
Mùa thi đang cận kề tạo ra nhiều áp lực cho học sinh. Ảnh: thanhnien.vn

Em Nguyễn Quang Minh (Hoàng Mai, Hà Nội), hiện đang học lớp 12 những kỳ thi quan trọng trong đời học sinh đang cận kề, với lực học chỉ ở mức khá, em cảm thấy rất lo lắng. Em sợ sẽ kết quả thi không cao thì sẽ không được vào trường đại học theo nguyện vọng của mình.

Để không phụ lòng bố mẹ, em cố gắng học ngày, học đêm, nhiều khi cảm thấy rất mệt mỏi, có lúc tưởng như kiệt sức. Em mong rằng, nếu kết quả thi không được như mong đợi thì bố mẹ hãy động viên em để em vượt qua và tiếp tục thử sức mình ở những kỳ thi sau” – Quang Minh chia sẻ.

"Tôi xem kết quả kiểm tra giữa kỳ một số trường khác thấy điểm cao ngất mà điểm của con và các bạn cùng trường thì thấp. Tôi rất lo lắng khi thấy trường ra đề thi và quản lý thi quá nghiêm. Tôi được biết, hiện nay các trường đại học đang tuyển sinh dựa vào điểm học bạ và kết quả tốt nghiệp THPT, hồ sơ xin học bổng du học cũng xét cả điểm học bạ, nói đừng quan tâm đến điểm số chỉ là chuyện lý thuyết thôi” - Một phụ huynh học lớp 12 tại Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Theo TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội là một chuyên gia giáo dục rất tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam cho biết: “Tất cả chúng ta đều phải vượt qua những kỳ thi để trưởng thành. Nếu như chúng ta làm giảm nhẹ những kỳ thi biến thành kỳ thi trở nên dễ dàng hơn thì các con sẽ không có cơ hội để thử thách bản thân. Và thực tế thì những áp lực của các kỳ thi hiện nay không quá lớn để chúng ta phải tìm cách giảm tải. Thực tế áp lực thi cử của học sinh không đến từ các kỳ thi mà đến từ cha mẹ.”

"Thực tế áp lực thi cử của học sinh không đến từ các kỳ thi mà đến từ cha mẹ.” - TS Vũ thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết

TS. Vũ Thu Hương nhận định việc cha mẹ không chấp nhận con mình có số điểm đúng như lực học, thường đặt ra kỳ vọng và yêu cầu con phải giỏi hơn tất cả mọi người và trước hết đó là phải giỏi hơn những người mà bố mẹ biết, hay so sánh giữa con với các bạn chính là áp lực lớn nhất của trẻ. Và nếu áp lực này còn thì kể cả khi kỳ thi dễ đến mức trẻ lớp một cũng học được, làm được thì vẫn còn áp lực thi cử.

Do vậy, vấn đề cần giải quyết trong việc giảm áp lực thi cử là ở cha mẹ chứ không phải là ở phía học sinh hay nhà trường. Thứ nhất, cha mẹ cần phải coi thi cử là việc của con mình chứ không phải là việc của mình, và đây là công việc mà những đứa trẻ bắt buộc phải thực hiện. Nếu như bố mẹ liên tục coi kỳ thi của con là công việc của mình, là điều vô cùng quan trọng, nghiêm trọng đối với mình, rối bắt ép con phải ôn tập hết tất cả các bài đã học, khiến nề nếp sinh hoạt của con và gia đình bị đảo lộn, thiếu ngủ, căng thẳng thì cho dù đứa trẻ chỉ thi “một cộng một bằng hai” nó cũng vô cùng áp lực.”

Bên cạnh đó, nữ chuyên gia cũng cho rằng “kỳ thi chỉ là một trong những khó khăn mà trẻ phải đối diện trong quá trình trưởng thành. Những kiến thức mà con học được ở trường chỉ chiếm 1/20 kiến thức vã kỹ năng con cần chuẩn bị ngoài đời. Và 19 phần kỹ năng còn lại phụ thuộc vào sự hướng dẫn của bố mẹ chứ không phụ thuộc vào nhà trường. Việc quá quan tâm đến 1/20 những công việc của con sẽ khiến cho chúng ta quên đi 19 phần còn lại, không hoàn thành tốt 19 phần còn lại. Thực tế chứng minh rất nhiều gia đình quá quan tâm đến vấn đề học hành của con, yêu cầu và ép buộc con phải học nhiều thì lại cùng thất vọng vì khi con bước ra đời.

Để trưởng thành, trẻ phải học vô cùng nhiều, điều quan trọng là những đứa trẻ phải có ý thức và có tư cách đạo đức. Đấy chính là những điều mà nhà trường rất khó để có thể dạy hết cho các con bởi thời lượng học ở trường quá ít mà nhiệm vụ học tập kiến thức thì lại quá nặng. Do đó, việc cha mẹ cần làm là tập trung hướng dẫn cho con cách để phát triển hoàn thiện những ý thức, kỹ năng ấy chứ không phải là can thiệp sâu vào quá trình học tập, thi cử của con tại trường.” – TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Theo nữ chuyên gia, những vấn đề cha mẹ nên quan tâm, hướng dẫn và giáo dục con đó là hướng dẫn các con trở nên hoàn toàn tự lập, có khả năng tự lo được cho bản thân khi không có người thân bên cạnh. Các con cũng cần được hướng dẫn cách xử lý tất cả những nhiệm vụ, cách hoàn thành những trách nhiệm của mình với chính bản thân mình, với gia đình và với xã hội. Hướng dẫn con biết cách vượt qua những khó khăn để mà trưởng thành, biết cách để tạo ra tài sản nuôi sống bản thân mình. Biết cách điều tiết giữa quyền lợi cá nhân và vấn đề đạo đức để không kiếm tiền một cách bất hợp pháp. Biết cách sống làm sao để không phạm pháp và không bị lôi kéo vào những con đường nguy hiểm đến tính mạng hoặc là phạm pháp…

Thông thường cha mẹ hay tách riêng việc hướng dẫn, giáo dục ý thức trách nhiệm từ công việc nhà hoặc là việc trong cuộc sống ra khỏi mục đích học tập. Nhưng thực tế một con người có trách nhiệm thì sẽ có trách nhiệm đối với tất cả mọi việc. Từ sống như thế nào, làm việc nhà như thế nào, trách nhiệm với xã hội như thế nào và học tập như thế nào.... Do vậy, khi chúng ta quan tâm đến việc xây dựng ý thức đạo đức cũng như ý thức trách nhiệm cho con thì cũng đồng nghĩa là chúng ta đã dạy ý thức học tập cho con và tất cả những kỳ thi là công việc riêng của các con, các con sẽ phải vượt qua bằng đúng năng lực của mình.

Diệu Thuần

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật