• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Trường đại học" và "đại học" khác nhau như thế nào?

Theo Luật Giáo dục đại học thì đại học và trường đại học là hai khái niệm hoàn toàn...

Thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội đang gây chú ý. Nhiều người thắc mắc về hai khái niệm "đại học" và "trường đại học" khác nhau? như thế nào?

Về mặt ngôn ngữ thì “đại học” và “trường đại học” không có khác biệt. Tuy nhiên hiện nay, theo Luật Giáo dục đại học thì "đại học" và "trường đại học" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Tại Điều 4 Luật Giáo dục 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 nêu rõ: "Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này. Còn Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung".

Còn theo nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng 4 điều kiện.

Thứ nhất, trường đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.

Thứ hai, trường cần ít nhất 3 trường đại học trực thuộc và ít nhất 10 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Về quy mô đào tạo sinh viên chính quy từ 15.000 em trở lên.

Thứ ba, trường cần ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp - với đại học công lập, còn với trường tư thục cần sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số người, đại diện góp vốn.

Thứ tư, trường xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học do các trường đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung. Đồng thời, làm rõ các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản, các nội dung khác (nếu có).

Như vậy, "trường đại học" là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi 2018. Còn "đại học" là tập hợp nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo.

Đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số các cơ sở giáo dục đại học khác. Ngoài ra, đại học đào tạo nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành khác nhau. Người đứng đầu đại học là giám đốc, khác với trường đại học người đứng đầu là hiệu trưởng.

Trao đổi với VnExpress chiều 5/12, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ một số điểm khác biệt nổi bật giữa mô hình trường đại học và đại học tại Việt Nam.

Ông Sơn cho biết theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục bậc đại học, đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Các ngành này thuộc một hoặc một vài lĩnh vực. Trong khi đó, đại học đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực, gồm nhiều trường đại học và khoa thành viên.

Ông Sơn cho biết việc thay đổi cơ cấu không chỉ xảy ra theo hướng cơ học, giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, mà tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo.

"Một đại học với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh không có quá nhiều khác biệt giữa trường đại học và đại học. "Hội đồng trường đại học sẽ trở thành Hội đồng đại học, có nhiệm vụ khác hơn một chút với những chiến lược vĩ mô, áp dụng cho cả đơn vị thành viên", ông Sơn giải thích.

Thứ trưởng Giáo dục nhận định không nên đánh giá trường đại học hay đại học có lợi hơn, đồng thời không coi đây là xu hướng, bởi mỗi cơ sở sẽ phù hợp với một mô hình. 

Trao đổi với PV báo ĐS&PL về việc này PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam đánh giá: “Về mặt ngôn ngữ thì “đại học” và “trường đại học” không có khác biệt. Tuy nhiên, bộ GD&ĐT hiện tại đang có sự phân biệt “trường đại học” và một bậc cao hơn là “đại học vùng”, chẳng hạn, đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, đại học Vinh, đại học Huế, đại học Đà Nẵng... với nhiều trường đại học thành phần.

Tức là “đại học” bao gồm nhiều “trường đại học” trực thuộc Bộ. Điều này cũng đang khiến giới khoa học băn khoăn”.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, khái niệm này theo xu hướng chung, hiện nay, ở Việt Nam đang có hai cấp, trường đại học và đại học cấp to, lớn hơn (đại học vùng).

“Nếu gọi là trường đại học Quốc gia Hà Nội thì không đúng, mà là đại học Quốc gia Hà Nội bao hàm các trường đại học nằm trong đó. Sắp tới, có thể sẽ có thêm đại học Khoa học Sức khỏe như lời Bộ trưởng bộ Y tế đề xuất, bao gồm các trường về y, dược, kỹ thuật,... liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”, ông dẫn chứng thêm.

Tổng Thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, cách gọi tên sao cho đúng và dễ hiểu, có lẽ, cần có một diễn đàn để bộ GD&ĐT cùng các chuyên gia ngôn ngữ luận bàn, chứ nếu giữ như hiện nay, dịch sang tiếng Anh cứ “University” với “University” thì dễ gây lẫn lộn. Nếu như đại học Quốc gia Hà Nội đã là một “University” thì bên dưới không thể có các “University” được, phải là các “College”, “Institute” hay “School” nằm bên trong”.

GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT nhận định: “Chính việc sử dụng các thuật ngữ “đại học” và “trường đại học” như hiện nay là gây khó hiểu! Không ai dùng từ “đại học” để dành riêng cho loại trường nào cả. Chẳng hạn, người ta vẫn gọi là đại học Bách khoa Hà Nội, chẳng mấy khi gọi là trường đại học Bách khoa Hà Nội. Vì vậy, nếu dùng từ “đại học” để chỉ một loại hình thì không nên, dễ gây nhầm lẫn”.

“Tuy nhiên, trước đây, khi chúng tôi đề xuất về vấn đề này, không dùng từ “đại học” để chỉ một loại hình thì lại không được nhất trí. Trước kia, loại hình trường mà hiện nay gọi là “đại học” được gọi là “viện đại học”. Đó là cách gọi được thừa hưởng dòng chảy lịch sử từ thời viện đại học Đông Dương, là một đại học đa lĩnh vực. Hồi đó, có cả viện đại học Sài Gòn, viện đại học Huế...

Chúng tôi cũng đề nghị dùng từ “viện đại học”, vì nếu chỉ dùng “đại học” không thì không rõ nghĩa. Từ “đại học” hiện nay chủ yếu thể hiện một trường đại học đa lĩnh vực, tức là đào tạo rất nhiều lĩnh vực, đa lĩnh vực chứ không phải đa ngành (lĩnh vực rộng hơn ngành).

Như trường đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đa ngành, vì có nhiều ngành: Kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật máy tính, điện,... nhưng lại không phải là đa lĩnh vực. Còn như đại học Quốc gia Hà Nội là đại học đa lĩnh vực, vừa có khoa học tự nhiên vừa có khoa học xã hội...”, GS. Lâm Quang Thiệp phân tích.

Tại Việt Nam hiện nay, ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và ba đại học vùng là Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, hiện có thêm Đại học Bách khoa Hà Nội được gọi là "đại học" thay vì "trường đại học".

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật