1. Học đều đặn mỗi ngày
Sự kiên trì chính là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc học ngôn ngữ. Đừng học kiểu nhồi nhét, học đứt quãng trong một khoảng thời gian dài rồi một ngày nào đó bỗng dành ra 3 - 4 tiếng đồng hồ học liền tù tì. Đó không phải là cách học ngoại ngữ khoa học, bởi theo nhà tâm lý học nổi tiếng người Đức Hermann Ebbinghaus, trong điều kiện không có sự ôn tập hay gợi nhớ, hầu hết thông tin mà một người học được sẽ mất đi một vài ngày sau đó.
Thay vào đó, chúng ta có thể chia nhỏ thời gian học ra, nhưng học đều đặn. Chỉ cần khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày, bạn sẽ nhanh tiến bộ lắm đấy.
Trong quá trình "ăn nằm" với ngôn ngữ, bạn có thể coi việc học tập hàng ngày là nhiệm vụ nhất định phải làm trong quỹ thời gian 24h của mình và cố gắng duy trì thói quen. Còn về thời gian học ngoại ngữ tốt nhất, theo các chuyên gia, đó chính là rơi vào khoảng từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Bởi sau 1 giấc ngủ dài, buổi sáng thức dậy là thời điểm tốt nhất để học tập hiệu quả. Lúc này bạn đã được nghỉ ngơi, tinh thần sảng khoái và tỉnh táo sẽ tiếp thu kiến thức rất nhanh.
Ảnh minh họa |
2. Học trong môi trường yên tĩnh
Khi quyết tâm ngồi vào bàn học, điều quan trọng nhất là tránh bị gián đoạn hoặc mất tập trung. Hãy để điện thoại ra xa hoặc chuyển nó về chế độ im lặng để không có thông báo hay tin nhắn nào có thể làm phiền được bạn. Tư thế ngồi cũng góp phần không nhỏ trong việc tiếp thu ngôn ngữ, chúng ta nên ngồi học trên bàn, trong phòng yên tĩnh nhé.
3. Học theo cụm từ, không nên học riêng lẻ
Một trong những phương pháp học ngôn ngữ phổ biến nhất là học từ mới qua flashcard nhưng đây không phải cách làm hiệu quả. Thay vì học từng từ riêng lẻ, bạn hãy học theo cụm từ hoặc câu hoàn chỉnh có chứa từ mới cần học. Bằng cách này bạn sẽ biết cách sử dụng từ ngữ theo bối cảnh cụ thể và ghi nhớ dễ dàng hơn việc cố gắng học thuộc một từ duy nhất.
Chưa hết, não bộ của chúng ta thường ghi nhớ nhanh chóng những gì có liên quan đến bản thân. Cho nên, cách tốt nhất để ghi nhớ một từ mới trong đầu là hãy thử liên kết nó với một cái gì đó có ý nghĩa với mình. Nghĩa là bạn sẽ đặt từ vựng ấy vào trong ngữ cảnh cụ thể mà bạn cảm thấy thú vị hoặc gắn liền với sở thích. Chẳng hạn, nếu bạn là người hâm mộ bóng đá, bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ từ "unstoppable" (tính từ, nghĩa là "không thể ngăn cản" - PV) trong một câu cụ thể, chẳng hạn như: "Messi is unstoppable" (tạm dịch: Messi là không thể ngăn cản - PV), thay vì chỉ ghi nhớ nó như một từ đơn lẻ.
4. Không học nhiều tài liệu cùng lúc
Nhiều người học ngoại ngữ thường có sở thích sưu tập tài liệu, chưa học xong cái này lại chuyển qua cái khác, mỗi tài liệu học một tí như vậy sẽ không thu lại bất kỳ lợi ích gì. Điều quan trọng không nằm ở số ứng dụng, tài liệu học bạn có mà phải linh hoạt, tìm ra những công cụ thực sự hữu ích đối với bạn. Khi mới bắt đầu học ngôn ngữ, bạn hãy chọn ra 1-2 tài liệu uy tín nhưng phải đảm bảo học hết chúng trước khi tìm nguồn tài nguyên mới.
5. Không chỉ học mỗi ngữ pháp
Bạn hãy nhớ rằng, để trở thành một người giỏi ngoại ngữ, thì bạn không thể chỉ biết mỗi ngữ pháp. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc ngồi một chỗ, học thuộc bảng động từ bất quy tắc, cách chia thì hay các chủ điểm ngữ pháp… là cách học kém hiệu quả. Tuy nhiên, bạn không thể bỏ dở nó được vì ngữ pháp là công cụ hỗ trợ chúng ta trong cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc viết.
6. Luyện nghe và phát âm
Khi học từ vựng, bên cạnh biết ngữ nghĩa và cách sử dụng, thì bạn cũng phải biết cách phát âm từ đó một cách chính xác. Bởi đơn giản bạn phát âm đúng, chuẩn thì mới khiến người khác hiểu được dụng ý của bản thân. Bạn hãy làm quen với âm thanh của ngôn ngữ bằng cách nói to để học cách phát âm. Cách đơn giản là lên các từ điển điện tử chính thống của Cambridge, Oxford… gõ từ mới vào và nghe cách người ta phát âm, nhấn nhá ra sao, trọng âm rơi vào âm tiết nào.
Nếu học một ngôn ngữ mới, sẽ mất khoảng thời gian để não bộ và lưỡi của bạn làm quen với việc nói, sử dụng từ vựng mới. Khi tìm kiếm nguồn bài nghe, hãy chọn đầu vào dễ hiểu, tức những nguồn tư liệu bạn có thể nghe hiểu 70-80%. Điều quan trọng khác là hãy nghe đi nghe lại nó nhiều lần.
Hơn nữa, người bản ngữ thường nói khá nhanh nên việc nghe một tài liệu ở nhiều tốc độ khác nhau cũng rất hữu ích. Hiện nay, trên ứng dụng YouTube hoặc nhiều ứng dụng xem nghe khác có thể cài đặt tốc độ nghe nên bạn có thể chỉnh chậm tốc độ khi mới nghe lần đầu.
7. Đọc là chìa khóa để nói lưu loát
Đọc là một cách tuyệt vời để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn hình thành thói quen đọc sách ngoại văn, bạn sẽ phát triển vốn ngôn ngữ phong phú, đa dạng hơn những phương pháp khác. Nó không chỉ giúp bạn mở rộng vốn từ vựng của mình, mà còn giúp cải thiện kỹ năng đọc hiểu, phát triển kỹ năng ngôn ngữ tổng thể và tăng cường kiến thức về thế giới.
Tuy nhiên, các tài liệu bạn sử dụng này phải sử dụng từ vựng, ngữ pháp phù hợp với trình độ đọc của bạn. Bạn nên bắt đầu với những câu chuyện ngắn, sau đó chuyển sang đọc tiểu thuyết. Hãy đọc về chủ đề bạn quan tâm để phát triển thói quen.
8. Sử dụng thời gian rảnh để thực hành
Như đã đề cập ở nguyên tắc đầu tiên, bạn nên học 30 phút đến một tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những khoảng thời gian trống trong ngày để thực hành vận dụng kiến thức đã học. Bởi lẽ, mỗi ngày, bạn có rất nhiều thời gian trống, chẳng hạn khi đi xe bus. Hãy tận dụng quãng thời gian này để luyện nghe thông qua khóa học trực tuyến hoặc podcasts hoặc luyện nói.
Hơn nữa, nếu có những người bạn cũng đang học ngôn ngữ giống như bạn, hãy cùng họ luyện tập nói thông qua việc thực hành nói.
9. Xây dựng động lực
Đã bao nhiêu lần bạn đặt ra mục tiêu cho việc học tiếng Anh nhưng lại từ bỏ từ bỏ giữa chừng? Việc học ngoại ngữ chưa bao giờ là dễ dàng vì nó tốn rất nhiều thời gian và công sức. Trên hành trình chinh phục ngôn ngữ, sẽ có đôi ba lần bạn mất động lực học tập. Điều đó là hoàn toàn dễ hiểu nhưng quan trọng là bạn đừng để tình trạng này xảy ra quá lâu mà bất khi nào có dấu hiệu là phải sốc lại tình thần ngay lập tức.
Trong rất nhiều cách phân loại động lực, cách phân chia động lực nội tại - ngoại tại hay intrinsic - extrinsic của hai nhà tâm lý học Deci và Ryan là cách mọi người quan tâm nhất khi ứng dụng vào việc học ngoại ngữ.
Khái niệm động lực nội tại (instrinsic motivation) được xây dựng dựa trên nguyên lý cơ bản rằng con người là những sinh vật chủ động với nhu cầu xây dựng sự tự chủ cao và bản năng tò mò rõ rệt. Trong việc học ngoại ngữ, động lực nội tại có thể được biểu hiện như sau:
- Bạn chủ động tham gia các hoạt động liên quan tới ngoại ngữ mà không cần bị thúc ép bởi bất kỳ ai hay bất kỳ phần thưởng nào. Bản thân việc được tiếp xúc với một ngôn ngữ mới đã đem lại cho bạn niềm vui mãnh liệt.
- Bạn sẽ kiên trì với những bài tập khó đến cùng mà không vì mục đích điểm số hay sợ thất bại.
- Bạn liên tục tìm kiếm cơ hội để trau dồi năng lực ngoại ngữ ở mọi hoàn cảnh mà không cần bằng cấp.
Ngược lại, động lực ngoại tại (extrinsic motivation) là các yếu tố bên ngoài khiến bạn bắt buộc phải học ngoại ngữ, có thể là điểm số, học bổng, du lịch khám phá, nhu cầu được chứng tỏ bản thân với người khác, hoặc sự ép buộc từ cha mẹ hay thầy cô.
Nhìn chung, không dạng động lực nào là tốt hơn dạng động lực nào. Việc gia giảm một trong hai loại động lực trên khi học ngoại ngữ tuỳ thuộc vào 1) mục tiêu của việc học và 2) những tài nguyên hỗ trợ việc học ngoại ngữ hiện có.