• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà mẹ ở Hà Nội "hóa dại" vì hình phạt của cô giáo với con, 12h đêm vẫn chưa được đi ngủ, chuyên gia chỉ rõ điều tai hại

Câu chuyện của bà mẹ này thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

"Cô giáo tiếng Anh của con tôi phát hiện ra nó viết 4 từ sai trong bài kiểm tra nên bắt chép phạt mỗi từ 20 lần. Con tôi lơ đễnh không nộp nay hình phạt tăng lên 80 dòng 1 từ x 4 từ tức là 16 trang giấy. Con tôi chép đủ và nộp thì cô bảo sai và bắt chép lại từ đầu. Cô giáo Văn thì yêu cầu phải xong đề cương. Cô giáo tiếng Anh thì ép chép phạt. Giờ 12h đêm rồi vẫn ngồi chép". 

Một bà mẹ ở Hà Nội mới đây thu hút sự chú ý khi "đăng đàn" trên hội nhóm, chia sẻ chuyện con mình bị cô giáo phạt. Chị cho biết, bản thân đã "hóa dại" vì theo chuyện học của con. Câu chuyện của chị nhận về nhiều tranh cãi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Cứ để yên đi, 1 lần rồi sẽ biết sợ"

Nhiều người cho biết, họ ủng hộ cách làm của cô giáo. Nếu đã gọi là hình phạt nên được thực thi nghiêm túc, nếu không các con lần sau không sợ bị phạt nữa. Chỉ cần 1 lần cô nghiêm khắc và các con biết nếu không thực hiện hậu quả sẽ thế nào thì lần sau thái độ các con sẽ khác. Đến lúc con lớn rồi mà vẫn không có ý thức kỉ luật, không có trách nhiệm với công việc được giao thì bản thân con và cha mẹ mới là người vất vả nhất.

Họ đặt ngược vấn đề: Nếu ngay từ đầu học sinh tuân thủ việc viết 4 từ sai trong bài kiểm tra với mức chép phạt mỗi từ 20 lần thì sẽ không có chuyện hình phạt bị tăng lên. Lúc này, điều cô giáo nhìn thấy không chỉ là con viết sai mà còn là thái độ thiếu trách nhiệm với việc học, chống đối yêu cầu của giáo viên. Mới có một ngày thức khuya mà mẹ đã "hoá dại" thì hẳn là năng lực kiểm soát cảm xúc của mẹ không tốt lắm.

Luồng ý kiến này cũng cho rằng, giáo viên bây giờ đánh học sinh cũng không được, mắng cũng không xong, còn mỗi chép phạt để cô có thể răn đe dạy bảo nữa thôi mà cha mẹ cũng than vãn. Rồi đến khi cô mặc kệ muốn học thế nào, kết quả ra sao thì lại kêu cô thờ ơ không có trách nhiệm. 

"Lúc con tôi học cấp 2 cô cũng bắt chép phạt vì lười học. Cô bắt chép nhiều quá thì phụ huynh ý kiến trong cuộc họp yêu cầu cô không bắt các con chép phạt nữa. Riêng tôi xin là con tôi hư mong cô vẫn phạt thật nặng vào vừa là để răn đe, vừa là nhớ kiến thức. Có lần đi thi Văn trúng bài thơ cô bắt chép phạt, con về lại cảm ơn cô đấy. Xã hội bây giờ toàn con vàng con bạc thôi", một phụ huynh nêu ý kiến.

Người khác cho biết, ở nhà họ cũng áp dụng với con như cô giáo. Sau khi đã thử bằng nhiều cách mà con vẫn không thuộc từ, họ bắt con chép 20 lần, có lần cháu không thuộc 12 từ, thế là phải chép tổng 240 từ, gần 3 trang giấy. Cháu đang học lớp 6. 

Một giáo viên chia sẻ, với học sinh có tố chất học ngoại ngữ thì hầu như không cần viết từ mới thì đều nhớ mặt chữ luôn trừ những từ dài, lạ, có nguồn gốc vay mượn Hy Lạp. Nhưng với những học sinh yếu, kém, sợ học ngoại ngữ và có cả học sinh học được nhưng tâm lí ghét học tiếng Anh thì là giáo viên sẽ tìm cách phù hợp để con nhớ từ. Chép phạt cũng là một cách hiệu quả với một số học sinh. 

"Các bố mẹ đừng lên án việc chép phạt! Học sinh của mình "được" chép phạt sẽ được kèm theo lời dặn dò "Chép phạt chỉ là 1 hình thức cô muốn con ghi nhớ kiến thức nên đừng nghĩ nó nặng nề là phạt, coi như hôm nay mình ngồi học lại bài nhé!". Học sinh của mình "được/phải" chép phạt mà vẫn vui vẻ! Tuy nhiên, mình cũng chưa bao giờ bắt con chép quá 1 trang giấy", giáo viên này nói.

Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu không muốn con bị chép phạt thì cha mẹ hãy đồng hành và sát sao nhắc nhở con, thay vì "vứt" con tự học. Tất nhiên, mỗi người có mỗi cách khác nhau. Nhưng bố mẹ đừng bài xích việc chép phạt. Hãy cho con thấy nếu con chép nghiêm túc và chép để học, nó sẽ tốt cho con.

"Mất thời gian và vô bổ"

Luồng ý kiến ngược lại cho rằng, việc cho học sinh chép phạt là một cách phản giáo dục, khiến học sinh sợ hãi với môn học. Đứa trẻ rèn kỷ luật kiểu này dù có chép hết thì cũng chỉ là làm cho có, từ đó nảy sinh sự chống đối. Khi tâm lý này hình thành thì việc học chỉ là bắt buộc chứ không còn là niềm yêu thích.

Chưa kể, chép phạt với tiếng Anh là mất thời gian và vô bổ. Tiếng Anh là ngôn ngữ học nên trong ngữ cảnh chép kiểu này tách rời ngữ cảnh không có tác dụng gì. Nên bắt học sinh đọc thuộc 1 câu chuyện hay bài hát tiếng Anh sẽ có tác dụng tốt hơn. Thế giới đã chuyển biến tới đâu rồi, mình còn loay hoay đọc chép mấy chục lần cho thuộc là lạc hậu.

Có người cho biết, họ từng học chuyên Anh nhưng chưa bao giờ học từ mới theo kiểu chép lại nhiều lần, vẫn học tốt nhất lớp, vẫn thi học sinh giỏi quốc gia. Giờ có nhiều cách để tiếp cận, không nhất thiết phải học vẹt, cực kỳ mất thời gian. Thay vì bắt chép phạt lại từ sai, cô có thể đưa bài liên quan đến lỗi sai của con để con làm thêm sẽ nhớ lâu hơn mà không bị cảm giác sợ học. 

"Khi con mình vào năm lớp 8, học trường công, con bị chép phạt 20 lần 10 trang giấy, lần 2 phạt 40 lần với 20 trang giấy. Con bỏ mấy buổi tối chỉ để chép phạt vì không học thuộc bảng hệ thống tuần hoàn. Con mình đã thực sự stress. 

Mình đã liên lạc với cô giáo dạy Hóa của con, đề nghị cô nếu con không thuộc nguyên tố nào cô cho con 40 bài tập, mình sẽ kèm con làm. Nhưng cô bảo học sinh của cô phải thuộc bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Tới trao đổi với thấy hiệu trưởng để tìm xem có thể cải thiện cách học không, thầy lắc đầu. Vậy là mình chuyển con ra trường tư. Con được thoải mái tinh thần, tự tin, tự học tốt lên hẳn", một người kể.

Chuyên gia nói gì?

Theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường tiểu học (có hiệu lực từ 20/10/2020) và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông (có hiệu lực từ 1/11/2020) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về các hình thức kỷ luật đối với học sinh các cấp không hề có chép phạt. Tuy nhiên ở một số nơi, giáo viên vẫn sử dụng hình thức chép phạt để kỷ luật, nhắc nhở học sinh. 

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu, top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn, cho biết: Phạt chép bài là hình thức lạc hậu, giáo viên cần thay đổi, nếu không chính họ sẽ cản trở sự phát triển của học sinh. 

Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên

Chuyên gia cho rằng:"Nhận thức của con người được chia ra làm 6 bậc: Biết (ghi nhớ), hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Một quá trình dạy học hiệu quả là quá trình mà người thầy có thể đẩy cho nhận thức của học sinh đạt được cả 6 bậc nhận thức như trên. Vậy cách nêu vấn đề, đặt câu hỏi ra sao để học sinh phát triển nhận thức, năng lực tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề? Đó là năng lực tối ưu của giáo viên.

Còn người thầy chỉ dạy để học sinh có thể ghi nhớ kiến thức là sai về mặt phương pháp và không phù hợp ở thế kỉ 21. Trước đây, trường học chỉ có một phương thức duy nhất: Bước 1 là cung cấp kiến thức. Bước 2, yêu cầu người học ghi nhớ kiến thức và bước 3, vận dụng kiến thức. Đó là quy trình học tập kiểu cũ. 

Trong khi, ở thế kỉ 21, thông tin có thể dễ dàng truy cập ở bất kì nơi nào trên hành tinh này, và trường học không còn là nơi cung cấp kiến thức duy nhất nữa. Từ đó, người thầy không chỉ là kênh cung cấp kiến thức mà còn phải dạy cho học sinh cách chủ động trong học tập, phát triển được năng lực tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đó mới chính là nhiệm vụ của người thầy thế kỉ 21". 

Như vậy, hành động bắt học sinh chép phạt của giáo viên, theo bà Quyên, chỉ đạt được một bậc nhận thức duy nhất, đó chính là ghi nhớ. Thậm chí, đây còn là sự ghi nhớ máy móc, vận dụng không hiệu quả. 

Dự báo đến năm 2030, robot có thể thay thế đến 43% nghề nghiệp trên toàn cầu. Não con người không chỉ cấu thành để ghi nhớ. Nếu chỉ ghi nhớ, đứa trẻ sẽ bị đào thải trong tương lai. "Điều mà con người hơn robot chính là năng lực tư duy, năng lực cảm xúc, khả năng tưởng tượng. Nếu chỉ yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ bằng chép phạt sẽ không có ý nghĩa", bà Quyên nói.

Trong trường hợp này, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên gợi ý, giáo viên thay vì "canh" học sinh để phạt, nên tạo ra các dự án học tập giúp trẻ có thể chủ động. Quá trình chủ động đó có thể tạo ra động lực từ bên trong. Đó là nguyên lý tạo động lực (lý thuyết về sự tự quyết). Nó khác với nguyên lý "cây gậy và củ cà rốt" mà giáo viên đã dùng. 

"Cây gậy và củ cà rốt" hiểu nôm na là nếu con học tốt thì con được thưởng và ngược lại con sẽ bị phạt. Khi không còn "cây gậy" và "củ cà rốt" thì động lực đó không còn. Thay vì vậy, chúng ta làm cho đứa trẻ cảm thấy rất yêu thích và chủ động học tiếng Anh. 

"Chẳng hạn mới đây, tôi có theo dõi và phát hiện ra một phần mềm tiếng Anh có tên là Easy Class, giúp học sinh học tiếng Anh một cách chủ động. Và một "kỳ tích" xảy ra, đó là những em học sinh vùng sâu vùng xa không có tiền để theo học ở các trung tâm lớn nhưng vẫn nói tiếng Anh cực kì giỏi. 

Phần mềm này thúc đẩy đứa trẻ học mê say không mệt mỏi để được xếp hạng cao. Tức là tạo ra tính thách thức và đối kháng cho học sinh, tạo ra năng lực học tập chủ động cho đứa trẻ. Điều này quan trọng hơn nhiều so với việc thầy giỏi hay không. Đó cũng là một giải pháp. Ngoài ra, thầy cô cũng tìm hiểu về những phương pháp, nguyên lý dạy học tích cực để học sinh yêu thích việc học tiếng Anh hơn", chuyên gia nói.

Theo bà Quyên, khi học sinh phản hồi không thích môn học nào đó, trước tiên giáo viên cần xem lại bản thân mình. Liệu cách dạy của mình đã thu hút chưa, làm cho học sinh yêu thích môn học chưa? Học sinh sẽ cảm thấy hứng thú, lôi cuốn tự nhiên khi tất cả những kiến thức thầy cô dạy gần gũi với thực tiễn; giáo viên vui vẻ, hỗ trợ, hòa đồng, chuyển hóa tất cả những hành vi dạy học thành "big game", tức là thách thức, đối kháng, tạo động lực, ngợi khen... 

Điều này đòi hỏi người thầy rất nhiều, từ kỹ thuật, phương pháp, cập nhật công nghệ thông tin, kiến thức. Và đặc biệt hơn hết, họ phải có trái tim, yêu thương học sinh, không muốn học sinh khổ sở vất vả vì việc học. 

Với vai trò của phụ huynh, nếu không đồng ý với việc con chép phạt, có thể gặp trực tiếp giáo viên để góp ý, trao đổi cách thức phù hợp hơn để trẻ có thể cải thiện. Nên thẳng thắn chỉ ra vấn đề trên tinh thần xây dựng, thay vì nói xấu giáo viên, đặc biệt là nói điều không hay trước mặt con cái. 

Nếu giáo viên tiếp thu, phụ huynh nên nhắn tin cảm ơn. Đồng thời, gia đình cũng cần đồng hành cùng con để việc học của con tốt hơn, không giảm hứng thú, động lực với việc học. 

Hiểu Đan

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật