Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (tiền thân là trường Trung học La San Taberd), là một trong hai trường trung học công lập ở TP.HCM được tổ chức kỳ khảo sát đầu vào lớp 6, tất cả các trường THCS công lập còn lại trên địa bàn đều tuyển sinh lớp 6 bằng cách xét tuyển.
Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 không tăng, dao động từ 525 - 535 học sinh nhưng hàng năm, trường chuyên Trần Đại Nghĩa thu hút tới hơn 4.000 hồ sơ tham dự khảo sát vào trường, tương đương 1 chọi 8. Theo đánh giá, tỉ lệ này còn căng thẳng hơn thi tuyển sinh 10, hơn thi đại học.
Có con đang học tại ngôi trường này, chị Phan Anh Phương (TP.HCM) nhận định, những phụ huynh có con có năng lực khá giỏi trở lên mong muốn cho con vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa cũng là điều dễ hiểu.
Với các bạn cấp 1 học công, cấp 2 vẫn dự định học công thì Trường chuyên Trần Đại Nghĩa là lựa chọn tốt nhất. Lí do là môi trường thầy cô, bạn bè, chương trình hoạt động năng khiếu, cơ sở vật chất... gần như đều hơn hẳn các trường công cấp 2 ở TP.HCM.
Với các bạn cấp 1 công, cấp 2 tư (trường hợp này hiếm nhưng vẫn có), lúc này tài chính không phải là lý do chính để cân nhắc của gia đình. Vậy lựa chọn khác nhau cũng bởi các yếu tố trên. Khác biệt lớn nhất vẫn là môi trường bạn bè và cơ sở vật chất, rồi mới đến chương trình học.
"Ở Trần Đại Nghĩa các em đa số có năng lực khá trở lên, tự giác học, 1 số em có năng lực tự học tốt. Phụ huynh đều quan tâm đến việc học của con, không chỉ học ở trường mà các hoạt động bên ngoài, các môn năng khiếu, thể thao... Đó là điểm khác lớn nhất mà trường Trần Đại Nghĩa mang lại cho con so với trường tư.
Với 1 số em gifted (năng khiếu) thì Trần Đại Nghĩa là lựa chọn ưu tiên để con thỏa sức với khả năng học hỏi, thách thức bản thân và cũng "biết mình biết ta" hơn vì trường có rất nhiều bạn giỏi đến xuất sắc. Cơ sở vật chất thì không so được với trường tư lớn, tuy nhiên nếu con trẻ không phải tuýp "lá ngọc cành vàng" phải nâng niu chiều chuộng, thì Trần Đại Nghĩa không tệ. Trường sạch sẽ, thoáng mát, chỗ ăn ngủ và tập thể dục ổn", chị Phương nhận định.
1. Cơ sở vật chất
Năm học 2023 - 2024, học sinh lớp 6 và lớp 7 sẽ học tại Cơ sở 2 (CS2) của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tại phường An Khánh, TP. Thủ Đức, từ 7h45 - 16h mỗi ngày. sinh lớp 8 - 9 học tại sẽ học tại Cơ sở 1 (CS1), 20 Lý Tự Trọng, quận 1, từ 7h15 đến 16h30p mỗi ngày.
Vào thứ 2 hàng tuần, học sinh ở cả 2 cơ sở phải đi sớm hơn 15 phút để chào cờ và sinh hoạt chủ nhiệm 2 tiết đầu. Ngoài ra, vào thứ 7 sẽ học Hoạt động trải nghiệm (1 buổi/tháng)/Giáo dục địa phương (3 buổi/kì)/Arkki ở CS1 từ 7h30 -10h45.
Xe đưa rước sẽ phục vụ đầy đủ cho các quận nội thành. Xe đưa đón tại nhà đến CS1/CS2 từ 500 ngàn đồng - 1 triệu đồng - 1,5 triệu - 2 triệu hoặc 2 triệu hơn/tháng, tùy theo khoảng cách từ nhà đến CS1/CS2. Xe trung chuyển đi CS1 đến CS2 phí 500 ngàn đồng/tháng.
Theo chị Phương, CS2 không có máy lạnh trong phòng học (không được lắp kể cả phụ huynh tự đóng góp vì hệ thống tải điện không cho phép). Tuy nhiên, trường có lắp máy lạnh ở phòng ăn và phòng ngủ. Phòng ngủ sẽ được chia ra khu nam nữ riêng, có giường tầng, 2 bạn nằm chung 1 giường.
CS1 có sân bóng rổ ngoài trời và phòng bóng bàn. CS2 có sân cỏ đá bóng và sân bóng rổ. Nhà vệ sinh 2 bên đều sạch sẽ. Thư viện điện tử ở CS1 có nhiều đầu sách. Thư viện CS2 giống phòng trưng bày hơn.
Bảng và tivi lớp tích hợp được đầu tư hơn lớp tăng cường và tiếng Đức. Phụ huynh có thể đóng góp để trang bị thêm cho lớp các phần cơ sở vật chất không cố định như bảng, tivi, tủ locker...
2. Học phí
Học phí sẽ có sự khác biệt tùy vào chương trình học. Chẳng hạn, với lớp Tăng cường + Tiếng Đức sẽ tầm 2 triệu/tháng, bao gồm đầy đủ ăn trưa, điện, nước uống, vệ sinh bán trú và học năng khiếu tự chọn, Tin học quốc tế, Ngoại ngữ 2. Đầu năm sẽ có thêm tiền cổng thông tin điện tử, tin nhắn sms, bảo hiểm y tế... Phụ huynh đóng tiền học phí qua Viettel Pay.
Nếu chọn học tích hợp thì phụ huynh cần đóng thêm 450 USD/quý, tổng gần 6 triệu/tháng. Phần học phí tích hợp trường thu hộ rồi chuyển qua trung tâm.
Chương trình ngoại khóa Arkki: Năm học vừa rồi chị Phương đóng cho cả kỳ/lần, tính ra khoảng 275 ngàn đồng/buổi (1 tháng học 2 buổi T7, không bắt buộc). Trường có tổ chức xe đưa rước cho việc học ngoại khóa.
3. Ăn uống
Học sinh có thể lựa chọn 1 trong 3 phương án sau:
- Đăng kí ăn bán trú buổi trưa (Một ngày có 2 món mặn, được chọn trước đó 1 - 2 tuần).
- Ăn ở căn tin. Cả 2 cơ sở đều có căn tin bán đồ ăn cho học sinh, theo chị Phương, CS2 giá rẻ hơn CS1.
- Tự mang đồ ăn theo.
Chị Phương đánh giá, đồ ăn ở căn tin khá ổn nên nếu con chán hoặc không mang đồ ăn thì có thể lựa chọn việc ăn uống ở đây.
4. Hoạt động ngoại khóa
Trừ bóng rổ bóng đá, hầu như các hoạt động khác đều tập trung ở CS1.
Trường có 27 CLB ngoại khóa, học sinh có thể vào fanpage trường để xem thông tin và ứng tuyển vào CLB. Phải cạnh tranh, chủ động và năng nổ, tự giác tham gia để vào CLB, tranh cử để được làm chủ nhiệm và các vị trí quan trọng. Nếu con không tham gia CLB hay hoạt động ngoại khóa nào không phải do trường không có, ngược lại là có rất nhiều, con có sắp xếp để tham gia được hay không thôi.
Theo bà mẹ này, nếu học thôi đã làm con mất gần hết thời gian và sức lực để theo kịp bạn bè, thì Trường chuyên Trần Đại Nghĩa có vẻ hơi quá sức với con.
Các điểm khác về nội quy, thời khóa biểu, hoạt động thi đua ở trường... phụ huynh có thể vào trang web của trường xem lùi các thông báo chung/ của từng bộ môn... mất tầm 1 - 2 ngày là hiểu trường hoạt động như thế nào. Trang web cũng công bố kết quả giáo dục của từng năm, kết quả xếp loại học sinh, thi đua các giải trong thành phố, toàn quốc...
5. Lựa chọn học lớp tích hợp, tăng cường hay tiếng Đức?
Theo chị Phương, trước khi có kết quả thi tuyển gần như năm nào trường cũng có thông báo rất đầy đủ về chương trình học tập của trường, ba mẹ đọc kĩ là sẽ hiểu ngay sự khác biệt.
Lớp tiếng Đức chỉ có 2 lớp xét điểm từ trên xuống. Thường có trên 1/2 hồ sơ đậu Trần Đại Nghĩa nộp vào lớp này nên điểm đầu vào tiếng Đức sẽ cao hơn so với điểm chuẩn. 1 tuần học 4 tiết tiếng Đức, chủ yếu là giáo viên người Việt dạy.
Nếu con có năng khiếu ngôn ngữ/thích thử thách trong 1 môi trường nhiều bạn giỏi/định hướng du học Đức/thích tiếng Đức... thì đây là một sự lựa chọn. Chương trình học không khác biệt với lớp tăng cường trừ khác môn ngoại ngữ 2 (NN2) còn lại (Trung, Pháp, Nhật, Hàn tuần 2 tiết) và tăng cường thêm 2 tiết tiếng Anh. Sách tiếng Anh vẫn học chung 2 giáo trình là Friend Plus (bắt buộc cho 15 lớp) và Solution.
Lớp tăng cường: Sau khi phụ huynh đăng ký NN2 thì trường sẽ xếp lớp học cho nhóm tăng cường (năm trước có 7 lớp). Tới giờ học môn NN2 là tiếng nào thì con di chuyển đến phòng học tiếng đó để học chung với các bạn lớp khác.
Tích hợp: 1 tuần có 8 tiết học 3 môn Math, ESL, Science với giáo viên nước ngoài của trung tâm cung cấp chương trình tích hợp qua trường dạy. Giáo trình tích hợp mua từ đầu năm khoảng 4,6 triệu/bộ sách. Chị Phương cho biết, nếu học 8 tiếng tích hợp thì các tiết học với giáo viên Việt Nam theo chương trình của Bộ GD&ĐT sẽ bị/được cắt giảm. Nên tùy ba mẹ và con ưu tiên điều gì.
"Lựa chọn chương trình rồi sẽ không được đổi trong 4 năm, nên ba mẹ cân nhắc suy nghĩ thật kỹ. Nếu đăng ký lớp tiếng Đức mà con không được học thì sẽ được xếp qua lớp tích hợp. Nên giả sử điểm con gần điểm chuẩn và ba mẹ không lựa chọn chương trình tích hợp, thì cũng không nên đăng ký lớp tiếng Đức", chị Phương gợi ý.