Tiếng Việt giàu đẹp và tất nhiên cũng rất phức tạp, khó nhớ và khó học đối với nhiều người. Ông bà ta còn lưu truyền câu nói "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" để cho thấy ngôn ngữ này phức tạp và sâu xa cỡ nào! Điển hình như việc học thuộc ca dao, tục ngữ và thành ngữ cũng khó nhớ lắm rồi. Thậm chí, chúng còn "tam sao thất bản" bởi những biến thể ở những vùng miền khác nhau nữa.
Mới đây, một bài kiểm tra điền thành ngữ, tục ngữ của học sinh lớp 1 đang được lưu truyền trên mạng xã hội khiến dân tình cười lăn. Trong bài kiểm tra, học trò này dường như không nhớ nhiều câu nên đành ghi bừa thành "Chân cứng, đá khoẻ", "Bèo dạt, mây chôn", "Học ăn, học nói, học gói, học đòi", "Chuồn chuồn bay thấp thì sao"…
Cậu học trò điền sai bét bài kiểm tra, song nhiều netizen cũng phải ngậm ngùi thừa nhận đến chính bản thân mình là người lớn cũng chẳng thể điền đúng được hết.
Bạn điền đúng được hết bao nhiêu câu tục ngữ, thành ngữ? (Nguồn: Nguyễn Thành Vinh) |
Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu để thể hiện những kinh nghiệm của ông cha ta về mọi mặt đời sống như thiên nhiên, lao động sản xuất, xã hội… Ví dụ như: "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Một giọt máu đào hơn ao nước lã"…
Trong khi đó, thành ngữ lại là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích đơn giản bằng nghĩa của các từ trong nó. Thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói cũng như sáng tác thơ ca văn học tiếng Việt. Ví dụ như "Ăn xổi ở thì", "Buôn thùng bán mẹt", "Nhát như thỏ đế"…
Muốn điền đúng thành ngữ - tục ngữ, bạn chỉ có thể hiểu và học thuộc nghĩa của câu thôi. Song, nếu chịu khó học những câu này, bạn cũng sẽ thấy được sự sâu xa của ông bà ta ngày xưa đó!
Gợi ý cho đáp án bài tập trên:
+ Lời hay ý đẹp.
+ Chân cứng, đá mềm.
+ Bèo dạt, mây trôi.
+ Học ăn, học nói, học gói, học mở.
+ Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.
+ Nước chảy, đá mòn.
+ Chuồn chuồn bay thấp thì mưa.
+ Dãi nắng, dầm mưa.
+ Chôn rau, cắt rốn.
+ Trắng như trứng gà bóc.
+ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
+ Bịt mắt bắt dê.