Mới đây, trường THCS số 3 thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã thông báo nữ sinh phải cắt ngắn tóc đủ để “lộ trán, lông mày, 2 tai và cổ áo ở sau gáy”. Nhà trường cho biết quy định này đã được nhà trường và phụ huynh thống nhất thực hiện trong 3 năm vừa qua và không có vấn đề gì.
Theo nhà trường thì việc này sẽ giúp các em đỡ mất thời gian sửa soạn khi đến trường, qua đó có thể đạt điểm cao hơn trong học tập. Trường cũng nhấn mạnh, cắt tóc gọn gàng giúp nữ sinh tránh lãng phí thời gian vào việc chải chuốt hay cạnh tranh để trông đẹp hơn các bạn.
Nhiều trường học ở Trung Quốc quy định nữ sinh phải cắt tóc ngắn. Ảnh: Sixth Tone. |
Tuy nhiên, các quy định này tạo ra không ít luồng tranh cãi, thậm chí phản ứng gay gắt trong cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng các quy định có thể vi phạm nhân quyền, khiến học sinh gặp bệnh tâm lý hay thậm chí suy nghĩ cực đoan.
Theo Sixth Tone, Bộ Giáo dục Trung Quốc không có quy định cụ thể nào về kiểu tóc của học sinh, đây là quy tắc do các trường tự đưa ra.
Có một số trường có yêu cầu nữ sinh buộc tóc gọn gàng, không được phép nhuộm hay uốn, có nơi còn yêu cầu học sinh phải mặc đồng phục unisex rộng rãi để các lớp học có thể hoàn toàn đồng nhất về ngoại hình.
Một cựu hiệu trưởng trường trung học tư thục ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) cho rằng các quy định này là cần thiết, khi đến trường các em cần có môi trường học tập nghiêm túc nhất, kỷ luật nhất. Hơn nữa, hành vi của học sinh cũng gây ảnh hưởng nhất định lên hình ảnh của nhà trường.
Một giáo viên trường trung học ở tỉnh Fukuoka cũng đồng ý rằng các quy định chỉ nhằm mục đích có lợi cho học sinh. Vì học sinh ăn mặc không chỉnh tề là học sinh kém, khó thi đậu đại học hay tìm việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.
Báo Nishinippon Shimbun đã tiến hành một cuộc khảo sát các quy định về kiểu tóc ở trường, kết quả có nhiều người cho biết quy định này được thiết lập để "không ảnh hưởng tiêu cực" đến việc thi đại học và tìm việc.
Ở Thái Lan, nhiều năm qua, các trường học cũng thực hiện quy định nghiêm ngặt về độ dài, kiểu tóc cho học sinh nam và nữ. Người vi phạm sẽ phải chịu hình phạt, bao gồm cả các biện pháp được cho mang tính làm nhục người khác như cắt tóc nơi công cộng. Kiểu tóc quân đội đã được áp dụng trên toàn quốc sau khi được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1972 tại Vajiravudh College, một trường nội trú tư nhân dành cho nam sinh ở Bangkok.
Một nữ sinh Thái Lan bị giáo viên cắt tóc ngay giữa sân trường vì không để đúng độ dài. Ảnh: Tasty Thailand. |
Các quy định sau này cũng được nới lỏng nhưng phần lớn các em học sinh vẫn phải để theo kiểu tóc quy chuẩn nhất định. Dù vậy, Thái Lan vẫn có nhiều vụ việc đau lòng làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh như năm 2004, một giáo viên đã cắt đứt dái tai của một học sinh khi cố gắng cắt tóc của em cho đúng độ dài quy định.
Quy định có thực sự có hiệu quả?
Các quy định kiểm soát việc tóc tai của học sinh đã nhiều lần gây tranh cãi.
Một bà mẹ ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) tỏ ra bất bình trong một bài đăng trên mạng về quy định tóc của trường công lập nơi con trai cô theo học. Các giáo viên yêu cầu con cô cắt tóc, sau đó con trai cô sửa đi sửa lại nhiều lần mái tóc nhưng vẫn không được công nhận. Cuối cùng, nam sinh phải cạo đầu mới có thể được tất cả giáo viên chấp nhận. Từ đó cậu bé tuyên bố sẽ không tin tưởng người lớn nữa.
Một cuộc khảo sát trực tuyến của tập đoàn sản phẩm tiêu dùng Procter & Gamble Japan KK cho thấy khoảng 70% giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông hoài nghi các quy định của trường họ về kiểu tóc.
Theo cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 2/2019 trên 600 học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và 400 giáo viên Nhật Bản, 87% tin rằng các quy tắc hiện hành nên được sửa đổi cho phù hợp với thời đại. Trong đó, 69% học sinh nói rằng họ nên được phép để tóc tùy thích.
Xiao Meili, nhà hoạt động nữ quyền ở Trung Quốc cho biết, trường học là nơi các em học sinh tìm kiếm bản sắc riêng của mình. Nếu đưa ra các quy tắc quá hà khắc sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của các em. Các quy định đã tước đi quyền tự chủ về cơ thể của học sinh và phản ánh việc theo đuổi chủ nghĩa tập thể trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc.