Sáng 16/8, tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao ngành giáo dục thủ đô đã đạt được một số thành tích nổi bật trong năm học vừa qua như: Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
Ngoài ra, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội tăng 11 bậc so với năm học trước. Học sinh thủ đô đạt 8 giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; đứng đầu cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ V do Bộ tổ chức.
Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: THẾ ĐẠI |
Bộ trường nhấn mạnh, trong năm học mới, Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo với các nội dung chính như tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình; đẩy mạnh văn hóa học đường; tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ giáo viên... Đặc biệt, tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo đề nghị thành phố trong công tác tuyển sinh đầu cấp.
"Trong năm học mới có rất nhiều việc phải làm. Đề nghị thành phố trong công tác tuyển sinh đầu cấp, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Giám đốc sở đã rất quyết tâm nên chắc chắn thực hiện được", ông Kim Sơn phát biểu.
Ông Sơn nói khẳng định, thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước nên đây là việc không nên. Bộ trưởng tin rằng, Giám đốc Sở đã rất quyết tâm nên chắc chắn thực hiện được.
Bộ trưởng cũng cho biết trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều địa phương, nhà trường đã làm tốt nhưng chưa có hình thức biểu dương để làm mẫu, làm điển hình để cho các trường học, địa phương học tập và làm theo. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn “đặt hàng” ngành giáo dục Hà Nội thực hiện việc này.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng cho rằng, việc phụ huynh phải xếp hàng là việc đáng lưu tâm. Theo bà, công tác quy hoạch mạng lưới trường học trong tốc độ đô thị hóa nhanh và tăng dân số cơ học là vấn đề rất khó khăn. Do vậy, ngành giáo dục phải tập trung rà soát tình trạng cơ sở vật chất để quy hoạch trường học, giải quyết vấn nạn thiếu lớp thiếu trường cục bộ tại những địa bàn nóng về gia tăng dân số cơ học.
Trong báo cáo năm học, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cũng thừa nhận việc tuyển sinh đầu cấp trực tuyến còn nhiều hạn chế. Theo đó, công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến mỗi số nơi còn có tình trạng thiếu trường học công lập; một số trường học cũ chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT còn chưa cao. Công tác phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất... về việc hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS, THPT cũng còn những bất cập.
Lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Nội cam kết, năm học 2023 - 2024 sẽ tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình và đặc biệt năm nay là năm trọng tâm của quá trình triển khai chương trình với khối lượng công việc lớn.
Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo và triển khai cụ thể, sâu rộng văn hóa học đường, sức khỏe học đường, tâm lý học đường và phòng chống bạo lực học đường. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Hà Nội tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới một cách chủ động, chu đáo. Đặc biệt, chú ý chuẩn bị chu đáo đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học cho cấp tiểu học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm mới và một số nhiệm vụ khác.