Ngày 14/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chính đã gửi Chính phủ dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2021, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành gần 200 văn bản liên quan đến đội ngũ nhà giáo nhưng trên thực tế còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế lớn. Việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".
Ảnh: Báo Chính phủ |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng luật này vừa là sự kế thừa, hoàn thiện các quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục, vừa bổ sung, phát triển hóa các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo; rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.
Ngoài ra, luật sẽ kiến tạo một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 5 nhóm chính sách trong Luật Nhà giáo: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trình dự án Luật Nhà giáo tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024), trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Thời gian luật có hiệu lực dự kiến từ 1/7/2025.
Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo hiện chịu chi phối của một số luật như Luật Viên chức 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2018, Luật tổ chức chính phủ năm 2015, Luật công đoàn 2012, Bộ luật lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.