Trao đổi với Dân trí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2020-2021 tiếp tục là năm học có nhiều khó khăn và thử thách đối với ngành Giáo dục khi triển khai nhiệm vụ năm học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Ngành Giáo dục vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm học, vừa phải đảm bảo các công tác phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: "Chúng ta cần phải chuyển trạng thái để ứng phó chủ động và thích nghi với dịch bệnh dự kiến còn kéo dài, tập trung để làm tốt cả hai việc: Cố gắng theo đuổi mục tiêu chất lượng và đảm bảo an toàn cho thầy và trò. Bên cạnh kế hoạch chuyển đổi lâu dài để thích ứng, trong ngắn hạn, tại mỗi địa phương, kế hoạch và hoạt động dạy - học cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, thời điểm trên cơ sở các tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng cốt lõi mà người học cần phải đạt được".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. |
Ông Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học. Từ kế hoạch này, các địa phương quyết định thời gian sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, cần lưu ý tận dụng tối đa "thời gian vàng", là thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp. Đồng thời, linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học, linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung.
"Thời gian đầu, dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành Giáo dục xác định, dạy học trực tuyến đã trở thành việc lâu dài, vừa để thích ứng, vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển. Trong trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp, việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ, bổ sung rất tốt. Hai năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về dạy học và kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến để địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện.
Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp; trong đó sẽ chú trọng đến khâu hướng dẫn, tập huấn về dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT sẽ triển khai mạnh hơn trong thời gian tới việc tăng cường kho học liệu số, các bài giảng trên truyền hình và các hoạt động hỗ trợ khác.
Các địa phương cần quan tâm, chủ động trong triển khai dạy học trực tuyến, đồng thời nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai,kết hợp triển khai hiệu quả giữa dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình. Địa phương cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ các trường hợp học sinh gia đình khó khăn, thiếu phương tiện học tập, tổ chức các nhóm học tập an toàn. Bộ GD&ĐT cùng có kế hoạch triển khai các hoạt động lâu dài để thực hiện tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục.
Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành, đồng bộ, kết nối dữ liệu từ các cơ sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đến cơ quan Bộ GD&ĐT. Kết nối dữ liệu giữa ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả", ông Sơn nhấn mạnh.
Sau một năm triển khai chương trình lớp 1, Bộ GD&ĐT thấy hầu hết các địa phương đều đã dồn nhiều nguồn lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho những năm đầu tiên thực hiện lớp 1, lớp 2. Quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cần phải kiên trì với tư tưởng, quan điểm về đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới.
Trong đó, lấy ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng.
Thực tế triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thời gian qua cho thấy, chất lượng bản thảo là khâu then chốt. Các công tác khác như thực nghiệm, tập huấn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa cũng phải được làm tốt hơn, trong đó việc chọn sách giáo khoa phải căn cứ vào tiếng nói chuyên môn của giáo viên và các trường học.
Trước những khó khăn đặt ra về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch và tham mưu để tháo gỡ. Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành đào tạo thuộc nhóm sư phạm để từng bước giải quyết vấn đề.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tạo dựng một nền giáo dục có chất lượng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng là mong muốn của tất cả chúng ta. Đây là nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không chỉ đơn thuần nằm ở công tác quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, mà còn cần có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành liên quan, các tổ chức doanh nghiệp và xã hội.
Việc quản lý nhà nước, ban hành chính sách sẽ được rà soát triển khai theo hướng lấy mục tiêu giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành để xây dựng, ban hành và thực thi. Bộ cũng sẽ điều chỉnh lại nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra đánh giá sao cho đúng và thực chất. Quá trình dạy học cần quan tâm tới thực tiễn, trải nghiệm, trang bị kỹ năng tự học, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách và phát triển toàn diện.
Ở bậc đại học, cơ chế tự chủ đang tạo ra những bước tiến cho bậc học này, tuy nhiên đi cùng với đó là trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo.