Chương trình phổ thông 2018, với sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới đã được đưa vào dạy và học từ năm học 2020-2021. Hiện SGK lớp 1 đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh và giáo viên. Nhiều người cho rằng chương trình nặng, khó để trẻ “đang học vỡ lòng” theo kịp, nhất là môn Tiếng Việt.
Một phụ huynh tại Hà Nội cho biết hiện trường của con chị đang sử dụng cuốn Cùng học Phát triển Năng lực trong chương trình phổ thông mới. Sau khi xem và học cùng con thì vị phụ huynh này cho rằng chương trình nặng so với trẻ. Cụ thể bài học tuần 4 của môn Tiếng Việt bằng với bài học tuần 25 của chương trình cũ, đặc biệt các con năm nay chỉ có 1 buổi để tập viết các nét, nếu không học chữ trước thì không thể nhớ hết các nét để viết chữ.
Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ SGK lớp 1 năm nay, đặc biệt là môn Tiếng Việt tương đối nặng đối với học sinh, nhất là với những bạn không học trước. Học sinh không được làm quen với các nét, các chữ cái cơ bản, nhiều em sẽ không theo kịp. Điều này vô hình chung cũng gây áp lực cho phụ huynh nhất là người bận rộn, không có nhiều thời gian kèm con.
Dù biết là cần có học trước nhưng việc này lại không phải ai cũng đồng tình. Thực tế, từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã nghiêm cấm tổ chức dạy trước chương trình lớp 1. Các gia đình vì lo sợ con vào lớp 1 không theo kịp các bạn nên đã cho con làm quen trước với chữ cái, tập viết và tính toán cơ bản.
Ngày 5/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có công văn gửi Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố, yêu cầu các nhà trường thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành bài học ngay tại lớp, không giao thêm bài về nhà.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở tăng cường việc nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên để trao đổi, cung cấp thông tin và giải đáp kịp thời, đồng thời các tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình để cùng thực hiện hiệu quả.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài cho biết, trong chương trình mới, môn Tiếng Việt lớp 1, về mặt kiến thức không cao hơn so với chương trình hiện hành nhưng thời lượng được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết. Tuy nhiên, số tiết Tiếng Việt trong một tuần của học sinh học theo chương trình phổ thông mới chắc chắn sẽ nhiều hơn so với khi học chương trình trước đây. Đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới cho nên trong quá trình triển khai, Bộ tiếp tục lắng nghe phản biện, những vấn đề phát sinh trong thực tế.