Trong dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục (2013-2023) công bố mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra trong hơn 60.000 học sinh theo học ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh ở trường, phần lớn các em chọn tiếng Pháp và tiếng Nhật.
Trong đó, tiếng Pháp được dạy và học nhiều nhất với gần 30.800 học sinh. Kế đến là tiếng Nhật (20.834 học sinh), tiếng Trung Quốc (14.391 học sinh). Đây cũng là những môn ngoại ngữ được dạy ở cả ba cấp là tiểu học, THCS và THPT. Các ngoại ngữ còn lại gồm tiếng Đức (1.533 học sinh), Hàn (1.003 học sinh), Nga (781 học sinh) chỉ được dạy trong một số ít trường THCS và THPT.
Có thể thấy, tiếng Pháp hiện nay đang nhận được sự quan tâm đông đảo của các bạn học sinh. Một số trường cấp 3 hiện nay đào tạo chuyên Pháp như: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội); THPT Chu Văn An (Hà Nội); THPT chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội), THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương); THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định); THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng)...
THPT Chu Văn An Hà Nội là một trong số những trường cấp 3 đào tạo lớp chuyên Pháp |
Đôi nét về ngành Ngôn ngữ Pháp
Ngành Ngôn ngữ Pháp là ngành chuyên đào tạo các kiến thức, kỹ năng, phương pháp giao tiếp bằng tiếng Pháp cho sinh viên. Ngoài ra, còn giúp nghiên cứu về tình hình kinh tế chính trị, xã hội và thương mại trong, ngoài nước giúp sinh viên đáp ứng được mọi nhu cầu tuyển dụng của các công ty nước ngoài.
Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Pháp trang bị cho sinh viên khả năng sử dụng thành thạo tiếng Pháp (tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) và sự vận hành, ứng dụng của nó trong môi trường nghề nghiệp như: du lịch, dịch thuật, truyền thông. Ngành học giúp cho sinh viên hiểu sâu hơn về văn hóa nước Pháp dùng trong giao tiếp nghề nghiệp, trong quan hệ xã hội, trong thương mại và sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp.
Bạn sẽ được học 4 nhóm kiến thức khi theo học ngành này: Khối kiến thức chung (Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê nin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Triết học...); Khối kiến thức chung theo lĩnh vực (Địa lý đại cương; Môi trường và phát triển...); Khối kiến thức chung của khối ngành (Cơ sở văn hoá Việt Nam; Nhập môn Việt ngữ học).
Trường Đại học Hà Nội có đạo tạo về Ngôn ngữ Pháp |
Khối kiến thức chung của nhóm ngành (Ngôn ngữ học tiếng Pháp; Đất nước học Pháp; Lịch sử văn học Pháp; Tiếng Pháp các cấp độ...). Các môn ở khối kiến thức ngành sẽ phụ thuộc định hướng chuyên ngành của bạn như: Định hướng chuyên ngành Tiếng Pháp phiên dịch; Định hướng chuyên ngành Tiếng Pháp - Du lịch; Định hướng chuyên ngành Tiếng Pháp - Kinh tế).
Các trường đào tạo ngành Ngôn ngữ Pháp nổi tiếng hiện nay cùng điểm chuẩn trúng tuyển bằng hình thức thi tốt nghiệp THPT 2022: Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (34,12 điểm); Đại học Hà Nội (33,7 điểm); Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM (23,6 điểm)...
Cơ hội việc làm ra sao?
Trong điều tra của các trường đại học về tỷ lệ sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp ra trường có việc làm tương đối ổn. Đầu tiên là trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngành Ngôn ngữ Pháp lên đến 100%. Còn ở Đại học Hà Nội, 97,87% sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp ra trường có việc làm. Con số này ở trường Đại học Ngoại thương Hà Nội là 95,65%.
Tỷ lệ sinh viên học ngành Ngôn ngữ Pháp ra trường có việc làm của trường Đại học Ngoại ngữ lên đến 100% |
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác ở các vị trí việc làm như:
- Giảng dạy tiếng Pháp tại các trường đại học, cao đẳng và các trường phổ thông.
- Làm việc tại Đại sứ quán của các nước nói tiếng Pháp, trong các cơ quan trọng yếu của Nhà nước như Bộ Công an, Ban đối ngoại Trung ương Đảng, các cơ quan thông tấn, báo chí… của Việt Nam trong và ngoài nước.
- Phiên dịch cho các công ty và các cơ quan, tổ chức của Pháp, Việt Nam. Biên dịch tài liệu, phim, sách báo Pháp.
- Hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour, quản trị du lịch, lữ hành, khách sạn và các vị trí khác trong ngành du lịch.
- Nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Pháp. Nghiên cứu những vấn đề khu vực học, quốc tế học dựa trên những kiến thức có được về ngôn ngữ và văn hóa Pháp.
- Thư ký văn phòng, Trợ lý đối ngoại Điều phối dự án Quản lý bậc trung tại các doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu mang tên The Power Language Index (Chỉ số ngôn ngữ quyền lực, viết tắt PLI) của Tiến sĩ Kai L. Chan, tính đến năm 2050, tiếng Pháp sẽ đứng ở vị trí thứ 4 trong tổng số 10 ngôn ngữ "quyền lực" nhất trên thế giới. Nghiên cứu này được dựa trên các thang đo như: địa lý (geography), kinh tế (economy), giao tiếp (communitication), kiến thức - phương tiện truyền thông (knowledge and media) và ngoại giao (diplpmacy).