Vấn đề về chương trình lớp 1 vẫn luôn nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh học sinh và các giáo viên. Các bậc cha mẹ đã so sánh về tiến độ và chương trình của các bộ sách mới, phần lớn đều cảm thấy chương trình khá nặng so với các con ở độ tuổi vừa bước vào lớp 1.
Nhiều phụ huynh cảm thấy lo ngại liệu trẻ không học trước khi vào lớp 1 có thể theo được không. Chương trình dạy quá nhanh, học chưa đầy một tháng cô giáo đã giao bài tập về nhà. Thậm chí ở nhà các con không đọc trước vài lần nên không thể theo kịp bài giảng trên lớp.
Nhiều phụ huynh cùng chung một nhận định, phải học sinh nào học chữ trước thì mới kịp viết được. Trong khi Bộ GD-ĐT nói không được dạy trước, không nên học tiền lớp 1 nhưng vào năm học cho các con học với chương trình khá nặng, dễ bị quá tải.
Không chỉ các phụ huynh cảm thấy vất vả mà ngay cả với các giáo viên cũng gặp cảm thấy "đuối" mỗi lần lên lớp. Nhiều giáo viên dạy lớp 1 chia sẻ, họ phải “vật lộn” với chương trình, với học sinh và đặc biệt lo lắng cho những em ở vùng cao, khó khăn.
Trong nhóm của các giáo viên lớp 1, giáo viên tiểu học trên mạng xã hội, không ít giáo viên bày tỏ sự lo lắng, mệt mỏi. Nếu học sinh không học trước, viết trước sẽ rất khó khăn cho giáo viên khi dạy lớp 1.
Nhiều cô giáo cho rằng, để học được chương trình lớp 1 mới, các em học sinh cần được làm quen, biết cầm bút viết chữ cái ở lớp mẫu giáo, nếu trước đây chưa từng học qua thì bài học hiện tại là quá sức với các em.
Ví dụ như với chương trình Tiếng Việt học sinh đọc được “cò” và “cỏ” nhưng không đọc được “có”, “cõ”, “cọ”. Chắc chắn học sinh vùng cao phải hết học kỳ I mới nói được mấy đồ vật và con vật tương ứng với âm.
Một giáo viên khác nêu, sách giáo khoa mới kênh hình nhiều hơn kênh chữ. Nhiều hình nên học sinh chỉ giở sách xem tranh ảnh mà không chú ý vào nội dung bài. Học sinh khổ, cô giáo cũng khổ nên thường gặp áp lực. Nhiều giáo viên cho rằng, mới vào tuần 4,5 nhưng bài đọc ứng dụng rất dài. Chương trình học kỳ II thì bài đọc dài như của học sinh lớp 2, lớp 3.