Kỳ thi cao khảo (thi ĐH ở Trung Quốc) kết thúc cũng là lúc các thí sinh bắt đầu lựa chọn trường học. Và những "học bá" (thành phần học giỏi điểm cao) trở thành mục tiêu săn đuổi của các trường ĐH. Việc có các sinh viên điểm đầu vào cao sẽ nâng điểm sàn của trường lên, cũng như tăng độ uy tín và chất lượng đào tạo. Nổi bật trong đó là cuộc đua tranh của hai trường ĐH top đầu là ĐH Bắc Kinh (Bắc đại) và ĐH Thanh Hoa.
Hai trường đại học này năm nào cũng có những màn lôi kéo, mời gọi những ứng viên có thành tích xuất sắc nhất tại kỳ thi cao khảo. Nhiều màn mời gọi trở thành những "điển tích" trong giới sinh viên.
Tháng 6 hàng năm, sau khi kỳ thi kết thúc và điểm số chuẩn bị được công bố, các trường đại học Trung Quốc nhanh chóng khởi động chương trình tuyển sinh. Họ bắt đầu "khủng bố" điện thoại các thí sinh hoặc phụ huynh các em, liên lạc với giáo viên trung học hay thậm chí là nhân viên hành chính mà các các em theo học. Thậm chí còn tổ chức các chương trình tham quan ký túc xá để gây ấn tượng với các thí sinh.
Theo New York Times, cuộc cạnh tranh nhằm lôi kéo học sinh xuất chúng trong kỳ thi Cao khảo giữa Đại học Thanh Hòa và Đại học Bắc Kinh luôn vô cùng khốc liệt. Đặc biệt khi Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc ngày càng phát triển, nơi này vô tình cũng biến thành "chiến trường" công kích đối phương chỉ nhằm gây ấn tượng với các em thí sinh.
Năm 2015, cuộc khẩu chiến trong đợt tuyển sinh giữa 2 trường top đầu này khiến nhiều người còn phải cho rằng nên ghi vào sách giáo khoa.
Thời điểm đó, nhóm tuyển sinh của ĐH Bắc Kinh đăng tải chỉ trích "một ngôi trường nào đó" lên tài khoản xã hội của trường: "Nhóm tuyển sinh của trường nào đó gọi điện cho các thí sinh trong top 10 và nói rằng ĐH Bắc Kinh dối trá và không để họ học tập theo chuyên ngành mong muốn.
Trước tiên phải nói rằng lời hứa của chúng tôi luôn đáng tin cậy. Không đời nào có chuyện sinh viên không được chọn chuyên ngành mình mong muốn. Thứ 2, theo kinh nghiệm chúng tôi đúc rút suốt 5 năm qua, chính ngôi trường nào đó mới thường xuyên nuốt lời. Làm ơn tránh xa các tân sinh viên của Bắc Kinh".
Phía ĐH Thanh Hoa lập tức đáp trả: "Ơi hỡi người anh em, các anh có thể tâng bốc Đại học Bắc Kinh, nhưng đừng xé rào các quy định và dùng tiền dụ dỗ các sinh viên. Các anh không sợ ảnh hưởng xấu tới lũ trẻ sao?".
ĐH Bắc Kinh ngay sau đó ám chỉ đối thủ dùng khoản học bổng hào phóng để chiêu mộ 2 thí sinh có điểm số cao nhất trong các kỳ thi cao khảo trước đó và nhắn nhủ: "Người anh em à, trong 5 năm qua, các anh dùng rất nhiều tiền để chiêu mộ Tang và Guo. Cực chẳng đã chúng tôi mới mang câu chuyện này ra nói lại. Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi sẽ không trao cơ hội cho bắt cứ ai cố gắng moi tiền dựa trên điểm số họ".
Dù sau đó, cả hai đều phải xóa sạch mọi dấu vết nhưng cũng khó lòng "thoát" khỏi cư dân mạng, đây cũng là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi kỳ thi tháng 6 hàng năm.
Theo Haiwai Net, một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo, mục tiêu quan trọng hơn cả của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh là chiêu mộ thật nhiều quán quân để thiết lập điểm chuẩn cao nhất.
Trong một cuộc cạnh tranh khác, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa từng liên tiếp gọi điện tới số của một sinh viên đạt điểm cao đến từ Quảng Đông trong ba ngày liên tiếp để mời gọi. Câu chuyện được đăng lên tờ Metropolis Daily và còn được đăng tin trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV.
Một bài bình luận trên trang Qianjiang Evening News, chiến lược tuyển sinh của các trường đại học Trung Quốc khắc nghiệt đến mức chúng đã bị đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu và không còn phục vụ lợi ích của sinh viên.
Đối với các trường đại học Trung Quốc, mục tiêu trong các kỳ tuyển sinh của họ là chiêu mộ càng nhiều anh tài càng tốt để nâng cao điểm chuẩn của các khoa, ngành và uy tín của trường. Trong trường hợp trường này chiêu mộ được các thí sinh có điểm số cao nhất, các trường còn lại sẽ buộc phải hạ điểm.
Người ta còn đồn rằng trường Thanh Hoa từng mời các ứng viên tới thăm ký túc xá sau đó ngăn họ liên lạc với bên ngoài để đảm bảo rằng những người này sẽ gia nhập trường mình. Trong 3 giờ tuyển sinh cuối cùng, họ vờ là sinh viên gọi tới tất cả các trung tâm tuyển dụng của Đại học Bắc Kinh để đảm bảo các đường dây luôn bận.
Thậm chí, bằng cách nào đó, ban tuyển sinh của những trường này còn biết điểm của thí sinh trước cả khi công bố. Có những thông tin rằng họ đã cử người chờ trước nhà các thủ khoa, chỉ đợi có kết quả chính thức là đón thủ khoa nhập học.
Bộ giáo dục Trung Quốc từng phải ban hành một quy tắc đó là các trường không được dùng tiền thưởng ở mức cao để mời chào hay hứa hẹn sẽ để sinh viên chuyển ngành đăng kỳ sau khi nhập học. Nhưng đã có trường hợp có
Vừa qua, một vài tỉnh thành ở Trung Quốc đã công bố kết quả điểm thi tuyển sinh. Đề Văn và đề Toán năm nay được đánh giá là khó nhưng vẫn có nhiều học bá đã đạt kết quả cao ngất ngưởng.
Năm nay, đề thi đại học môn Văn của Trung Quốc đã lên top 1 tìm kiếm ở các trang thông tin bởi độ khó được cho là kỷ lục. Cụ thể, năm nay Trung Quốc có 7 đề thi Văn chính chia theo khu vực. Trong số 7 đề Văn này, đề thi toàn quốc khu vực A lấy tư liệu trong bộ tiểu thuyết kinh điển Hồng Lâu Mộng được các thí sinh đánh giá là đề có độ khó cao nhất.
Đặc biệt, một chàng trai ở tỉnh Hồ Nam vừa qua nhận kết quả thi là 681 điểm, trong đó điểm môn Ngữ văn là 122 điểm, Toán 132 điểm, Ngoại ngữ 147 điểm, tổ hợp Tự nhiên 258 điểm. Đây được xem là một kết quả cao và đã nắm chắc chiếc vé vào các ngôi trường đại học hàng đầu của Trung Quốc như Thanh Hoa, Bắc Kinh (Bắc Đại) Chiết Giang, Nam Kinh...
Một thí sinh khác ở Hải Khẩu, Hải Nam đã đạt được 900 điểm. Trong đó: Ngữ văn 271 điểm; Toán 258 điểm; Ngoại ngữ 281 điểm; Vật lý 291 điểm; Hóa học 292 điểm; Sinh học 300 điểm. Tuy nhiên, cách tính điểm của Hải Nam khác so với tiêu chuẩn chung (tối đa 750 điểm). Vậy nên, nếu như quy đổi sang thang điểm tiêu chuẩn 750 thì nam sinh này đạt được khoảng 705 điểm.
Được biết, toàn tỉnh Hải Nam có tổng cộng 3 thí sinh đạt được mức điểm này. Hiện nay, ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh (Bắc Đại) đều đã chủ động liên hệ với nam sinh trên để “chiêu mộ” về trường mình.
Được biết năm nay có 11 triệu 930 nghìn thí sinh dự thi cao khảo, tăng hơn 1 triệu 150 nghìn so với năm 2021, đồng nghĩa cạnh tranh khốc liệt hơn. Cả Trung Quốc có hơn 4.200 trường đại học cao đẳng, nhưng chỉ có gần 1/3 là trường trọng điểm quốc gia, 39 trường đại học danh tiếng, nơi mà chỉ hơn 200.000 thí sinh đỗ, chưa đầy 2% tổng số thí sinh dự thi. Hai trường top 20 thế giới là Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh mỗi năm cũng chỉ có chừng 5.000 học sinh đỗ. Để được xét tuyển vào đại học danh tiếng, thí sinh phải có điểm gần như điểm tuyệt đối ở tất cả các môn thi.
Nếu như Bắc Đại có thế mạnh với các môn học ngành xã hội, văn học thì Thanh Hóa nổi bật ở các ngành tự nhiên, truyền thông. Về điều kiện ăn ở, KTX ĐH Bắc Kinh do là khu nhà cổ vài trăm năm, không có điều hòa. Và đây là một lợi thế khi ĐH Thanh Hóa đưa ra mời gọi SV bởi KTX ĐH Thanh Hoa đã có điều hòa. Tuy nhiên, giới SV vẫn đùa nhau rằng với lợi thế các môn xã hội, tỉ lệ SV nữ của Bắc Đại cao hơn hẳn Thanh Hoa, và đây là một điểm hấp dẫn với các nam sinh. Hai trường đều ở quận Hải Điện, vị trí khá gần nhau. Cuộc chiến tranh giành "học bá" này nhiều năm nay chỉ có khốc liệt hơn chứ chưa hề giảm nhiệt.