17 giờ chiều 20/8, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã đóng. Theo thống kê, sau gần 1 tháng mở chức năng đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 2022, hệ thống đã ghi nhận 616.044/942.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, với tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký là gần 3,1 triệu, số lượng nguyện vọng trung bình theo thí sinh là 5,02.
Theo số liệu trên, đã có khoảng 326.000 thí sinh (khoảng 34,6%) đã từ bỏ việc đăng ký xét tuyển đại học 2022.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2022. Ảnh: baotintuc.vn |
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học có thể là do chuyển hướng học tập sang học nghề hoặc đi du học.
"Sau khi các trường công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nhiều thí sinh không đạt mức sàn nên không đăng ký nguyện vọng nữa, mà chuyển hướng phù hợp hơn", Lãnh đạo Phòng Đào tạo một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ.
Theo ông, đây cũng là một bước lọc ảo, và có thể các thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống đã tìm được hướng học tập khác như chuyển sang học nghề ở các trường cao đẳng, trung cấp.
Ngoài ra, theo chia sẻ từ một đại diện Bộ GD&ĐT, ngoài vấn đề điểm thi và đổi định hướng sang học ở các trường cao đẳng nghề, có thể có những thí sinh đăng ký nhưng không nhập nguyện vọng do quyết định du học. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hiện việc du học cũng sôi động hơn.
Từ ngày 21/8 đến 17 giờ ngày 28/8/2022, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống; đồng thời, nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Lịch nộp lệ phí theo tỉnh, thành như sau:
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương chuẩn bị phương án sẵn sàng hỗ trợ thanh toán giúp thí sinh (trên giao diện phần mềm thanh toán của thí sinh) trong trường hợp thí sinh không thể tự thực hiện, đặc biệt là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.