• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyên nhân hoãn các cuộc thi IELTS, Aptis, các chứng chỉ Nat-test...

Thông tin Hội đồng Anh tạm hoãn thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế khác đang nhận được...

Mới đây, Hội đồng Anh (British Council) đã thông báo từ ngày 10/11, tất cả kỳ thi IELTS và Aptis của tổ chức này ở Việt Nam sẽ bị tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới. IDP, đơn vị tổ chức thi IELTS còn lại ở Việt Nam, chưa có thông báo. Người thi hiện vẫn đăng ký được các kỳ thi IELTS tại IDP trong tháng 11, 12/2022.

Trong thông báo ngày 10/11, Hội đồng Anh cho biết thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ GD&ĐT, và "Hội đồng Anh đang làm việc chặt chẽ với bộ để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối với các thí sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định này, Hội đồng Anh cho biết thí sinh sẽ được đổi ngày thi miễn phí. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng sẽ gửi thông báo trực tiếp đến hòm thư điện tử của thí sinh ngay sau khi các kỳ thi được phép tiếp tục tổ chức lại.

Một chuyên gia khảo thí của Hội đồng Anh tại Hà Nội cho biết nguyên do có thể là vì một số quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài.

Ngày 7/11, ban tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật Nat-test tại điểm thi Hà Nội cũng đưa ra thông báo tạm dừng tổ chức kỳ thi vào ngày 11/12. Thời gian kỳ thi tổ chức bình thường trở lại dự kiến bắt đầu từ tháng 2/2023.  Trước đó, ngày 21/10, tổ chức này cũng đưa ra thông báo hủy tổ chức kỳ thi vào ngày 23/10 tại ĐH Giao thông Vận tải và hoàn tiền cho thí sinh ngày 24/10.

Nguyên nhân được đưa ra là: "Ngày 26/7, Bộ GD&ĐT đã ra Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT quy định về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, trong đó yêu cầu các địa điểm tổ chức thi cần được cấp phép từ Bộ GD&ĐT. Ngay sau khi Thông tư 11 được công bố, các đơn vị có liên kết tổ chức kỳ thi Nat-test đã phối hợp với phía Nhật Bản tích cực làm đề án xin cấp phép. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được sự cho phép chính thức của Bộ GD&ĐT".

Trước đó, ngày 15/9, điểm thi năng lực Hán ngữ quốc tế (HSK & HSKK) Viện Khổng Tử tại ĐH Hà Nội cũng thông báo tạm dừng tổ chức các đợt thi chứng chỉ trong ngày 16/10 và 19/11. Nguyên nhân là điểm thi năng lực Hán ngữ quốc tế Viện Khổng Tử tại ĐH Hà Nội cần tập trung mọi nguồn lực vào quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt và xin cấp phép của Bộ GD&ĐT chủ quản.

Thông tin Hội đồng Anh tạm hoãn thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế khác đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Nhiều đơn vị đưa ra lí do nhằm hoàn tất hồ sơ theo quy định ở Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Thông tư do Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ ký ngày 26.7.2022 và có hiệu lực Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.9.2022. 

Ở điều khoản về bảo đảm chất lượng trong liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, Thông tư quy định: Đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh; không vi phạm pháp luật, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của Việt Nam; được bảo mật khi sao in, đóng gói, vận chuyển (nếu có), bảo quản và sử dụng; đề thi mẫu được công bố để thí sinh tiếp cận dễ dàng, đầy đủ.

Quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi bảo đảm chặt chẽ, khoa học, tin cậy, chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh, ngăn ngừa và loại bỏ các hiện tượng gian lận...

Cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của các bên liên kết khi tham gia tổ chức thi.

Kết quả thi được công bố kịp thời, đúng quy định, thuận lợi; kết quả thi được lưu trên hệ thống dữ liệu để phục vụ việc xác thực kết quả của bài thi trong thời hạn kết quả thi còn hiệu lực....

Thông tư yêu cầu cơ sở tổ chức thi của Việt Nam cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng gồm: Chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của đơn vị; Trang thông tin điện tử chính thức, hợp pháp cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng cho thí sinh đăng ký dự thi và phục vụ công tác tổ chức thi, xác thực kết quả thi.

Cán bộ quản lý của đơn vị có trình độ cử nhân trở lên thuộc các ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài thuộc ít nhất 1 ngôn ngữ mà đơn vị có liên kết tổ chức thi.

Trong trường hợp sử dụng cán bộ coi thi của cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam: mỗi phòng thi phải có ít nhất 1 cán bộ coi thi là giảng viên hoặc giáo viên, các cán bộ coi thi khác phải có trình độ từ cao đẳng trở lên và phải được tập huấn về nghiệp vụ coi thi; có đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sử dụng các thiết bị phục vụ cho việc tổ chức thi; có đủ nhân viên phục vụ việc tổ chức thi.

Địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm để tổ chức thi nhiều yếu tố về phòng thi, có hệ thống camera giám sát ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi, chấm thi (nếu có), dữ liệu camera được lưu trữ ít nhất 2 năm và được sử dụng theo quy định của pháp luật.

Quy định cũng nêu rõ phải đảm bảo có đủ các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình, phần mềm chuyên dụng đáp ứng yêu cầu tổ chức thi; có thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ hoặc thiết bị cầm tay) để kiểm soát, ngăn chặn được việc thí sinh mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi.

Các cơ sở phải có hòm, tủ, hay két sắt có khoá chắc chắn để bảo quản đề thi, bài thi bảo đảm an toàn và bảo mật; phải có đủ phương tiện, thiết bị, thiết bị bảo mật, có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và chống gian lận hiệu quả.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật