• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những trường dành cho con nhà giàu, học phí đến cả trăm triệu một năm, ở đó họ dạy trẻ em có gì khác? Đây là câu trả lời!

Có những nghiên cứu cổ điển so sánh trường học ở các khu vực để biết việc dạy dỗ khác...

Nguyễn Phương Chi (Chi Nguyễn) sinh năm 1989 ở Hà Nội, hiện lập nghiệp và định cư tại Mỹ. Cô nhận bằng Thạc sĩ về giáo dục, văn hoá và xã hội tại Đại học Pennsylvania, tiếp tục học lên Tiến sĩ tại Penn State, từng làm chuyên gia phân tích dữ liệu tại một trường đại học công lớn. 

Chi Nguyễn hiện đang là Tiến sĩ, Phó Giáo sư bậc một của Trường Đại học Arizona, chuyên nghiên cứu về nghiên các vấn đề bình đẳng xã hội và cơ hội học tập cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. 

Nguyễn Phương Chi (Chi Nguyễn)
Nguyễn Phương Chi (Chi Nguyễn)

Mới đây, trên podcast Have A Sip, chị đã chia sẻ nhiều góc nhìn thú vị về bất bình đẳng trong giáo dục và vai trò của giáo dục trong vòng lặp giàu nghèo. Trong đó, có góc nhìn về giáo dục "trường nhà giàu", "trường nhà nghèo" qua góc nhìn của tư duy cũ - mới.

Sự khác biệt giữa tư duy cổ điển (tư duy phân tầng) và tư duy "anti deficit"

Theo chị Chi Nguyễn, có những nghiên cứu cổ điển so sánh trường học ở các khu vực để biết việc dạy dỗ khác nhau như thế nào. Họ cho thấy phương pháp giáo dục tập trung vào những khía cạnh không tương đồng:

"Ví dụ những trường học ở khu vực giàu, học sinh có điều kiện, phải trả học phí cao, so sánh với trường trung bình hoặc trường đón tiếp các em học sinh hoàn cảnh khó khăn hơn. Nghiên cứu cổ điển chỉ ra rằng cách dạy dỗ rất khác nhau. Những em học sinh trường kiểu thứ nhất người ta thường dạy những kĩ năng để trở thành người lãnh đạo. Tức là có tư duy phản biện hay là cho phép các em nói ở trường một cách thoải mái. Rồi cho các em có những bài luận thể hiện tư du, ý tưởng, suy nghĩ cá nhân của mình hơn. 

Còn những trường càng về nơi các em khó khăn thường là người ta tập trung vào sự nghe lời. Tức là mình dạy rồi các em hấp thụ kiến thức, trả bài, các em nghe lời, nghe thầy cô giáo rồi giơ tay chẳng hạn". 

Tuy nhiên, theo nữ Tiến sĩ, đôi khi người làm nghiên cứu cũng có góc nhìn tương đối phiến diện. Và nhiều nghiên cứu mới cũng cho thấy những quan điểm khác.

"Trong cuộc nói chuyện gần đây, em có nhắc về tư duy anti-deficit - "tư duy chống thiếu". Tức là nếu mình không có nền tảng tài chính, xã hội, văn hóa, học vấn thì mình đang thiếu. Tư duy "chống thiếu" cho thấy trong cái thiếu ấy cũng có điểm mạnh. 

Có những nghiên cứu chỉ ra là, những nơi có hoàn cảnh khó khăn, các em cũng có những kỹ năng tốt hơn trẻ em thành phố có điều kiện tài chính lớn hơn. Chẳng hạn như kỹ năng sinh tồn, hay nỗ lực bên trong rất lớn để chẳng may gia đình có biến cố bất thường hoặc mình mất đi mọi thứ thì em ấy có thể vực dậy đứng lên và có động lực rất lớn để thoát nghèo.

Tất nhiên không phải ai cũng có những tố chất như thế nhưng đối với tư duy chống thiếu ấy thì sự thiếu thốn ấy không phải là mãi mãi, cố định. Còn tư duy cổ điển, tư duy phân tầng sẽ nghĩ là nghèo sẽ mãi là nghèo và đặc biệt, giáo dục sẽ giúp cho sự phân hóa ấy tiếp diễn bằng phương pháp dạy dỗ khác nhau. Nhưng tư duy anti-deficit sẽ tập trung vào khả năng của mỗi con người để đưa ra quyết định tập trung vào điểm mạnh của mình thay vì chỉ khỏa lấp điểm yếu. Trong cái khổ của mình cũng có những bài học để mình trưởng thành và phát triển hơn".

TS cũng cho biết, ở Việt Nam, học phí hiện là một vấn đề đáng trăn trở. Tuy nhiên, đối với vai trò một phụ huynh, làm thế nào để không "thổi" vấn đề học phí lên quá đáng. Tất nhiên, chúng ta muốn con mình có những nền tảng tốt về cơ sở vật chất, chương trình tiếng Anh, ăn uống ở trường... nhưng phải xem đầu tư của mình có đúng mức không hay đang bị chi phối, thổi quá lên vì danh tiếng của ngôi trường đấy.

"Ngày xưa mình có thể cực khổ để chọn trường, chọn lớp cho mình rồi cho con nhưng cuối cùng có thể nó sẽ không như mình mong muốn. Cho nên chọn nơi học miễn làm sao cho đứa trẻ thấy hạnh phúc, cảm thấy mỗi ngày đi học là một ngày vui, không quá stress thi cử... Đây là mục đích của em khi chọn trường cho con mình", TS Chi Nguyễn chia sẻ.

Hiểu Đan

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật