• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ tiến sĩ chỉ ra sai lầm khiến nhiều cha mẹ biến con trở thành những "chú ngựa đua", phát triển méo mó

Con cái của chúng ta vô tình trở thành những chú ngựa đua, con nào cũng phải về nhất. Áp lực...

Trẻ có tinh thần thi đua quyết liệt là bình thường và việc cố gắng hết sức để hơn người khác chẳng có gì sai. Những đứa trẻ này trong thực tế thường có biểu hiện vượt trội, tạo được những thành tích và thành đạt trong cuộc sống. Nhưng cố gắng và ganh đua khác với quá hiếu thắng. Trẻ hiếu thắng luôn sống trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng, sợ thua người khác. Tâm trạng đó kéo dài khiến con suy nghĩ tiêu cực, sẽ biến trẻ thành người luôn coi trọng thân thế và quá tham vọng. 

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ (ST) Cherry Vũ, tác giả cuốn "Con mình chẳng lẽ lại vứt"; "Thế bây giờ mẹ muốn cái giề?" cho biết, trong nhiều câu hỏi nuôi dạy con chị nhận được, không ít người hỏi chị "Làm sao để con bớt hiếu thắng". TS này cho rằng: Không ai sinh ra đã tự nhiên có tính hiếu thắng. Thái độ của cha mẹ, những người xung quanh, nhà trường... đối với những kết quả mà trẻ đạt được góp phần vào sự ganh đua, hiếu chiến, hiếu thắng của trẻ.

Còn nhỏ thì: Xem bạn A, B giỏi chưa nè, ăn nhanh hơn con rồi nè; A, con mẹ giỏi quá, con chạy nhanh hơn cu Tí rồi nè. Rồi khi con đi học, cứ đến hết năm học là mạng xã hội hết sức rộn ràng vì các ông bố bà mẹ tự hào khoe điểm và giấy khen. Mọi người có lý do để tự hào, đó thành tích học tập của con cả một năm cơ mà. Tuy nhiên, việc tự hào của nhiều người vô tình tiếp tay và cổ xuý cho một nền giáo dục thành tích. Con cái của chúng ta vô tình trở thành những chú ngựa đua, con nào cũng phải về nhất. Áp lực và sự phát triển méo mó cũng từ đó mà ra.

Tiến sĩ Cherry Vũ
Tiến sĩ Cherry Vũ

Đừng biến trường học thành trường đua

Con trai TS Cherry, em David Nguyễn - một học sinh từng trải nghiệm môi trường học ở Việt Nam và New Zealand cũng từng chia sẻ về vấn đề này: "Hồi tôi còn học ở Việt Nam có rất nhiều các cuộc thi học sinh giỏi. Tuy năm nào cũng được giấy khen học sinh giỏi, như hầu hết các bạn cùng lớp, nhưng tôi nghĩ lực học của tôi chỉ ở mức trung bình khá nên chưa bao giờ được tham gia vào bất kỳ cuộc thi học sinh giỏi nào. Nhưng do có chút năng khiếu thể thao nên tôi có cơ hội tham gia một số cuộc thi như cờ tướng, bóng bàn và cầu lông. Mỗi khi thắng giải trong một cuộc thi nào đó tôi cũng rất tự hào vì mình là người chiến thắng nhưng tôi cũng không biết rằng chính tôi lại rơi vào thế giới của sự ghen ghét và hiềm tị".

Các trường ở Việt Nam đầu tư khá công phu cho việc đào tạo những học sinh giỏi, có năng khiếu để đi thi lấy thành tích. Việc có nhiều học sinh đoạt giải thưởng trong các kỳ thi không chỉ là niềm tự hào của trường mà còn được xem là những thành tích mà nhà trường đã đạt được. 

"Hồi lớp 3 tôi từng đoạt giải vô địch bóng bàn và cầu lông cấp quận. Sau chiến thắng, tôi bỗng trở thành "người hùng" trong mắt thầy cô và bạn bè ở trường. Vì những thành tích này mà tôi nhận được rất nhiều phần thưởng từ ban tổ chức cuộc thi, của lớp, của trường, thậm chí từ cả cơ quan ba mẹ tôi nữa.

Hào quang" của những tấm huy chương, phần thưởng, giấy khen… khiến tôi nghĩ rằng trong các cuộc thi đấu chiến thắng là điều quan trọng nhất. Khi tham gia các cuộc thi đấu, sau mỗi trận đấu chúng tôi đều phải ngồi với đội của mình và cổ vũ cho đội nhà. Chúng tôi rất ít khi cổ vũ cho đội khác trừ khi đó là người quen của đội. Các đội khác đều là đối thủ, đã là đối thủ thì hầu như không kết bạn với nhau. Tôi vốn là một người cởi mở thích làm quen kết bạn mới nên tôi thấy những cuộc thi trở nên nặng nề, chỉ thấy việc cần làm là chiến đấu và chiến thắng", David chia sẻ.

Nhưng khi con chị sang học ở New Zealand câu chuyện khác hẳn.

Ở đây, mỗi dịp đi thi đấu cũng là cơ hội để học sinh các trường kết bạn với nhau. Mặc dù chiến thắng cũng rất quan trọng nhưng được làm quen và kết bạn với các học sinh từ các trường khác lại quan trọng hơn tất cả. 

"Khi mới vào trường, tôi có tham gia câu lạc bộ bóng bàn và dự một giải đấu. Như thói quen từng có ở Việt Nam, tôi khao khát trở thành người chiến thắng nên đã tỏ thái độ hiếu chiến đến mức đã cãi nhau với trọng tài vì tôi nghĩ trọng tài bắt lỗi sai. Cô giáo đã đề nghị dừng trận đấu và buộc tôi rời khỏi giải. Sau đó cô đã giải thích với tôi rằng cuộc thi đấu này không có mục đích gì hơn ngoài mang lại sự vui vẻ, để các trò hiểu nhau hơn và xây dựng tình bạn tốt đẹp hơn. Nó hoàn toàn không nhằm mục đích để các trò ganh đua giành chiến thắng bằng mọi giá.

Quả thật, những lời cô nói đã mở mắt cho tôi rất nhiều và tôi nghĩ mình cần thay đổi, tôi đã nhận ra rằng sự hiếu thắng không giúp tôi xây dựng được những mối quan hệ tốt với những người xung quanh mình".

Ở New Zealand, David cũng từng đoạt một số giải thưởng như giải khuyến khích tennis, giải vô địch bóng bàn, giải vô địch đồng đội cờ vua của thành phố. TS thấy có một sự khác biệt vô cùng lớn so với ở Việt Nam là nhà trường không coi đó là một sự kiện gì to tát và đáng biểu dương ồn ào, cũng không có khen thưởng bằng vật chất như tiền hay quà tặng. Vào giờ tập trung cuối tuần, thầy hiệu trưởng phát biểu chúc mừng những người giành giải và chúng tôi được một tràng vỗ tay khen tặng.

"Nói về các cuộc thi, ở New Zealand, nếu một công ty hay tổ chức phi chính phủ nào đó tổ chức một cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực nào đó thì bất kỳ học sinh nào cũng có thể tự đăng ký, tự nộp lệ phí và đi thi. Nhà trường sẽ không cử bạn đi thi mà tất cả tùy thuộc vào bạn, bạn sẽ phải tự tìm cách rèn luyện hoặc tự tìm người hướng dẫn vì nhà trường sẽ không cung cấp cho bạn huấn luyện đặc biệt nào. Có thể do mục tiêu giáo dục phổ thông của New Zealand là để trang bị đủ những kiến thức, những kỹ năng sống bình thường cho học sinh chứ không nhằm mục đích đào tạo ra những tài năng kiệt xuất nên họ không quá chú trọng vào những cuộc thi như vậy.

Ở Việt Nam dường như các cuộc thi, từ thi học sinh giỏi đến thi năng khiếu, cách xếp thứ hạng trong trường trong lớp từ khi còn rất nhỏ có thể khiến nhiều người trở nên hiếu thắng. Tất nhiên ở độ tuổi còn nhỏ sự hiếu thắng sẽ không có tác động nhiều đến xã hội nhưng khi họ thành người lớn, thử tưởng tượng xem khi những người hiếu thắng tranh luận với nhau và ai cũng cho rằng quan điểm của mình là đúng”.

Có câu: "Hãy nói cho tôi biết bạn đánh giá tôi như thế nào, tôi sẽ nói cho bạn biết tôi sẽ hành xử ra sao". 

Theo TS, muốn con không hiếu thắng, hãy nói với con: Chỉ cần con làm tốt nhất có thể, chỉ cần con tiến bộ hơn ngày hôm qua là đủ. Không có con sư tử nào đuổi theo con ở ngoài kia cả. 

Có thể bạn sẽ nghĩ: Nếu thế thì làm hỏng mất chí tiến thủ của con. Phải thúc đẩy phải cạnh tranh, phải hơn người chứ. Vâng, nếu bạn muốn như vậy thì đừng cố gắng sửa tính hiếu thắng của con. Đó chính là kết quả của những điều bạn muốn. 

Hiểu Đan

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật