• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sách thiếu nhi có nội dung "Anh ăn chuối, em ăn vỏ" gây tranh cãi, chính trẻ em đọc xong cũng cảm thấy khó chịu

Nhiều trẻ em và phụ huynh không đồng tình với bài đồng dao trong cuốn sách thiếu nhi.

Mới đây, một nội dung trong sách thiếu nhi ở Trung Quốc được chia sẻ trên mạng đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Theo đó, một cư dân mạng đăng bài đồng dao "Em gái ơi, đừng giận" trong đó có câu: "Em gái ơi, em gái ơi, đừng giận/ Ngày mai anh sẽ đưa em đi xem kịch/ Anh ngồi trên ghế, em ngồi dưới sàn/ Anh ăn chuối còn em ăn vỏ".

Về vấn đề này, một số người cảm thấy đây chỉ là chuyện trẻ con và "không cần phải nghiêm túc, khi còn bé ai cũng từng nghịch ngợm như thế". Nhưng hầu hết đều cho rằng, nội dung như vậy sẽ dạy trẻ tính ích kỉ, khôn lỏi: "Vần điệu, lối nói dí dỏm nhưng không phù hợp để dạy trẻ nghiêm túc"; "Nhận thức của người biên tập có lệch lạc hay không? Sao lại cho xuất bản một bài đọc kì lạ như thế".

Bài đồng dao gây tranh cãi
Bài đồng dao gây tranh cãi

Được biết, bài viết "Em gái ơi, đừng giận" được đưa vào cuốn sách thiếu nhi "Học chữ và đọc sách" (tập 1), do Nhà xuất bản Khoa học và Công nghệ Thiên Tân xuất bản. Bộ sách được chia thành hai tập, giá bán mỗi tập dao động từ 39 đến 68 nhân dân tệ.

Tập đầu tiên của cuốn sách bao gồm nhiều bài thơ cổ và những bài đồng dao. Trong số đó, tác phẩm "Em gái ơi, đừng giận" xuất hiện ở trang 40. Hình minh họa là cảnh một cô bé ngồi khoanh chân trên mặt đất và tỏ vẻ tức giận, trong khi cậu bé bên cạnh đang nhảy múa vui vẻ.

Trả lời vấn đề này, một nhân viên nhà xuất bản trả lời rằng sở dĩ đưa bài này vào sách là vì nó "mang tính cổ điển": "Bài đồng dao mẫu giáo này đã được lưu truyền rộng rãi và lưu hành từ lâu. Nó có cả âm thanh và văn bản".

Được biết, "Học chữ và đọc sách" được phát hành vào năm 2020 và nhân viên cho biết kể từ đó đến nay, nhà xuất bản chưa bao giờ nhận được phản hồi tiêu cực của độc giả: "Cuốn sách này đã được vài năm rồi, chúng tôi không xuất bản nữa. Gần đây, một phụ huynh đột nhiên cảm thấy nó không phù hợp. Mỗi người có thể có những định hướng, nhân sinh quan khác nhau, và chúng tôi tôn trọng. Nếu sau này cần in lại, chúng tôi sẽ điều chỉnh nội dung".

Người này cũng nói thêm, tất cả sách của họ đều được xem xét, đánh giá và được sản xuất theo đúng chính sách và quy định quốc gia. Không có "biên tập viên lệch lạc" như một số cư dân mạng đồn đoán, và mọi tranh chấp đều bắt nguồn từ "nhận thức của mọi người" không giống nhau. Nhân viên này cho biết nhà xuất bản sẽ thận trọng hơn trong việc lựa chọn tài liệu trong tác phẩm sau này.

"Anh ăn chuối, em ăn vỏ" có phù hợp trong mắt trẻ em không?

"Nhận thức của mỗi người là khác nhau" mà nhân viên nhà xuất bản đưa ra cũng thể hiện qua những ý kiến trái chiều của cư dân mạng. Một số người cho rằng không cần thiết mọi người phải phản ứng thái quá với một bài đồng dao dành cho trẻ mẫu giáo: "Suy nghĩ quá rồi, đó chỉ là một bài hát thiếu nhi bình thường thôi", "Trẻ con thấy vui nhưng người lớn lại coi đó là vấn đề đạo đức". 

Vậy những trẻ em - người trong cuộc nói gì?

Jia Lu, giáo viên làm việc tại một trường mẫu giáo công lập ở thành phố Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, nói rằng gần đây cô đã tổ chức một cuộc thảo luận về chủ đề này trong lớp của mình. Nhóm trẻ 4-5 tuổi đa số cho rằng đây là một câu nói "khó chịu": "Nghe xong em thấy không vui, vì đất rất bẩn và sẽ có sâu bọ bò vào mông"; "Vỏ chuối không có mùi vị và có rất nhiều vi khuẩn trên đó"...

Cô giáo này nói thẳng: "Trẻ em không thể hiện bản thân một cách phong phú. Chúng chỉ thường nói rằng mình thích hay không. Học trò của tôi cho rằng đây là một hành vi không thân thiện. Ngoài ra, bài hát này còn truyền tải thông điệp đến trẻ em về tư duy không bình đẳng, tự kéo mình lên và hạ thấp người khác. Lối suy nghĩ này sẽ khiến trẻ ngày càng ích kỷ, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến việc học và sử dụng ngôn ngữ lịch sự của các em".

Ngoài ra, nhiều trẻ em và phụ huynh được phỏng vấn nhìn chung cũng cho rằng hành vi trong các bài đồng dao dành cho trẻ mẫu giáo là "rất bất lịch sự". Học sinh cấp 2 tại một trường trung học nhận định: "Quan điểm của tôi là không làm cho người khác những gì bạn không muốn người ta làm với mình".

Đối với những ý kiến cho rằng "chỉ đùa thôi", một giáo viên nêu ý kiến: Nội dung của trò đùa nên nhắm đến những cá nhân đã có khả năng nhận thức hoàn chỉnh và đã thiết lập được các giá trị tương đối ổn định thay vì là trẻ em.

"Phương pháp học tập của trẻ mầm non là bắt chước. Nhiều trẻ không có khả năng phân biệt đúng sai, ý thức còn đang phát triển, đừng truyền bá những suy nghĩ tiêu cực đến chúng", thầy giáo này nói.

Hiểu Đan

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật