• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau vụ YouTuber Thơ Nguyễn, bố mẹ nên dạy con dùng mạng xã hội thế nào để an toàn?

YouTuber Thơ Nguyễn vướng vào ồn ào liên quan đến video dùng búp bê xin vía học giỏi cho trẻ...

Trong đoạn clip được lan truyền trên TikTok, Thơ Nguyễn đã ôm một con búp bê có tên là "Cư Ma Mập" rồi cho uống Coca để xin vía học giỏi.

Không chỉ đơn thuần là việc nội dung của một người nổi tiếng có hàng triệu fan là các em nhỏ lại có hành động đi quá giới hạn cho phép mà đây thực sự là hồi chuông báo động cho thực trạng một số YouTuber đã và đang lạm dụng quá mức quyền hạn của mình để đưa những nội dung không lành mạnh lên kênh, đặc biệt là các kênh mà đối tượng hướng đến chủ yếu là trẻ em, theo SAOstar.

Trước đó có rất nhiều việc vụ việc thương tâm đã xảy ra do trẻ em học theo các kênh youtube độc hại. Vụ việc mới nhất từ YouTuber Thơ Nguyễn một lần nữa khiến các diễn đàn phụ huynh sôi sục, tìm cách để con trẻ có "sân chơi" lành mạnh, an toàn trên mạng xã hội.

Dưới đây là một vài gợi ý hữu ích đối với bậc cha mẹ nào đang quan tâm về vấn đề này.

Dạy trẻ cách sử dụng Internet an toàn thay vì ngăn cấm

Nhiều phụ huynh hiện nay thường có suy nghĩ sẽ ngăn cấm con cái mỗi khi phát hiện hay nhận thấy một điều gì đó bất thường, dễ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Thế nhưng theo nghiên cứu thì đây lại là một điều cực kỳ tối kỵ, càng ngăn cấm thì sẽ càng dễ khiến trẻ tò mò, từ đó sinh ra những sự việc không hay sau này.

Chính bởi thế nên các bố mẹ hãy cứ để con trẻ sử dụng mạng xã hội một cách bình thường, tự nhiên. Tuy nhiên cần đặc biệt quan tâm đến các kênh, chủ đề mà con em mình yêu thích để có những định hướng rõ ràng. Tránh để con xem hay biết được những nền tảng Internet "độc hại", không phù hợp với lứa tuổi.

Bật chế độ hạn chế trên YouTube (Restricted Mode)

Chế độ hạn chế của YouTube cho phép ẩn các nội dung được cho là chỉ dành cho người trưởng thành hoặc có yếu tố phản cảm, bạo lực... Các video xem được khi đó cũng bị ẩn toàn bộ bình luận. Thử nghiệm thực tế cho thấy chế độ này hoạt động chỉ ở mức tương đối, nhiều video nội dung không phù hợp vẫn xuất hiện. Tuy nhiên, chính YouTube cũng cảnh báo không thể loại hoàn toàn nội dung không phù hợp ở chế độ này.

Để bật Restricted Mode trên máy tính, người dùng mở trang YouTube trên trình duyệt web, đăng nhập tài khoản Google. Ở góc trên bên phải, bấm vào hình đại diện và chọn Mở chế độ hạn chế ở phía dưới cùng của thanh công cụ.

Với điện thoại di động, người dùng thực hiện cài đặt tương tự với ứng dụng YouTube. Nhấn vào hình đại diện, chọn Cài đặt, và chọn bật chế độ hạn chế. Các thao tác này chỉ có tác dụng trên từng thiết bị. Tuy nhiên, nếu trẻ nhỏ học được cách tắt/mở chế độ, cách làm này có thể trở nên vô dụng.

Chủ động chặn các kênh nội dung xấu

Nếu chế độ hạn chế hoạt động không hiệu quả, người dùng có thể chủ động chặn thủ công các kênh có nội dung xấu. Để thực hiện, chọn kênh muốn chặn, nhấp vào mục About, chọn hình lá cờ và chọn Block User. Cài đặt này có tác dụng trên mọi thiết bị nếu đăng nhập cùng tài khoản Google.

Khóa ứng dụng

Trên điện thoại Android, người dùng có thể cài đặt các phần mềm hỗ trợ khóa ứng dụng trên Play Store. Với Smart TV, các nhà sản xuất như Samsung, LG đều hỗ trợ khóa riêng từng ứng dụng.

Sử dụng các bộ lọc nội dung có sẵn

Sau khi đã sàng lọc bằng cách theo dõi những chủ đề mà con em mình yêu thích thì bước tiếp theo, phụ huynh cần đặt lại chế độ trẻ em trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện nay, có nhiều cách để hạn chế quyền truy cập của con trẻ, bao gồm việc đặt bộ lọc trẻ em, khóa/chặn các kênh nghi ngờ là chứa nội dung tiềm ẩn nguy hiểm.

Đặt lịch truy cập Internet cho thiết bị theo khung giờ

Trẻ em thường xuyên rất yếu trong vấn đề quản lý thời gian của chính bản thân mình, chính bởi thế nên bố mẹ cần xây dựng kế hoạch quản lý thời gian cho con trẻ, tránh để lãng phí thời gian vào những vấn đề không quá quan trọng. Và đôi khi, việc sử dụng thời gian hợp lý cũng sẽ giúp cho trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn hơn.

Các ông bố bà mẹ có thể tạo khung thời gian không dùng điện thoại cho cả gia đình để giúp con trẻ thực hiện theo, trong đó điện thoại cần được hạn chế sử dụng đến mức tối thiểu trong giờ ăn cơm, giờ nghỉ trưa, khi ngồi vào bàn học,... Các thành viên khác trong gia đình cũng cần làm gương cho trẻ nhỏ về vấn đề này.

Nhiều modem thế hệ mới hiện nay cho phép truy cập Internet với từng thiết bị. Người dùng có thể chặn truy cập các trang web cụ thể, chặn vào mạng những khung giờ nhất định trong ngày để hạn chế trẻ nhỏ tự ý sử dụng khi người lớn không có nhà. Các thiết bị của Xiaomi, Netgear, UniFi... điều khiển qua ứng dụng đều hỗ trợ khóa truy cập mạng thông minh.

Bảo mật thông tin

Không chỉ ngăn chặn, phòng ngừa những nội dung tiêu cực mà các bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn con trẻ bảo mật thông tin cá nhân lẫn các thành viên khác trong gia đình. Đặc biệt nhất phải kể đến việc không nên đăng tải những thông tin cá nhân quan trọng lên mạng xã hội như họ tên, địa chỉ gia đình, số điện thoại, mật khẩu, kế hoạch hằng ngày, sinh nhật,…

Dạy con tự chịu trách nhiệm với hành động của mình

Dù là môi trường thực tế hay môi trường mạng xã hội thì mỗi một người cũng cần phải có trách nhiệm cho hành động của mình. Chính vì vậy nên hơn lúc nào hết, các bậc phụ huynh cần làm việc tâm lý với con em mình để giúp các em có được cái nhìn thấu đáo và đa chiều nhất về những hành vi mà bản thân sẽ làm khi tham gia mạng xã hội.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần giúp con em của mình kiểm soát được những nội dung trên mạng xã hội, đâu là thật sự hữu ích và đâu là thật sự không, có như thế thì mới giúp cho những đứa trẻ đang trong độ tuổi trưởng thành hiểu rõ hơn được môi trường trực tuyến, tránh việc chia sẻ hay đăng tải những thông tin gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh hay xa hơn nữa là gây ảnh hưởng đến chính bản thân mình.

(Tổng hợp)


AN LY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật