Theo kết quả khảo sát của ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội mới đây, có hơn 53.700 người được khảo sát đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72%. Con số này đang khiến dư luận hoài nghi về tính xác thực của việc “lấy ý kiến”.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, kết quả lấy ý kiến này được thực hiện theo hình thức các phòng giáo dục, các trường công lập thực hiện. 74.000 người tham gia ý kiến là cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên các trường.
Sở GDĐT xây dựng mẫu phiếu lấy ý kiến gửi đến các phòng giáo dục các quận huyện, thị xã. Các phòng giáo dục gửi phiếu lấy ý kiến đến các nhà trường. Sau khi hoàn thành xong, các trường gửi lên phòng giáo dục. Các phòng giáo dục là đơn vị cuối cùng tổng hợp, xác nhận và gửi Sở GDĐT.
"Sở GDĐT chỉ yêu cầu khảo sát đối với cấp mầm non và THCS, lấy tối thiểu 15 đơn vị cho mỗi cấp. Mỗi cơ sở giáo dục công lập lấy tối thiểu 20 ý kiến đóng góp" - đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho hay.
Theo số liệu thống kê của Phòng GDĐT huyện Hoài Đức, việc khảo sát được thực hiện đối với 15 trường mầm non, 15 trường THCS, mỗi trường khảo sát 20 giáo viên, 20 phụ huynh. Tỉ lệ đồng ý với dự thảo tăng học phí là 60%. Còn tại nhiều quận, huyện khác, việc lấy ý kiến cũng được thực hiện với số lượng mẫu rất ít.
Nói về việc tại sao việc lấy mẫu khảo sát không thực hiện trên diện rộng, lấy ý kiến tất cả phụ huynh ở các trường công lập, lãnh đạo 1 phòng GDĐT cho rằng đơn vị chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Sở GDĐT và "Sở chỉ yêu cầu lấy số lượng mẫu như vậy".