Nhắc tới thầy Trần Phương, nhiều người sẽ nhớ đến một giáo viên Toán nổi tiếng, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng thuộc Liên hiệp Hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam và là tác giả của hơn 50 đầu sách Toán.
Trong đó, cuốn “Diamonds in mathematical inequalities” (Những Viên Kim Cương Trong Bất Đẳng Thức Toán học) được chọn làm quà tặng cho 95 Đoàn dự thi IMO 48 năm 2007 và sau đó được phát hành hơn 100 Quốc gia trên thế giới. Một số bài Toán của thầy Trần Phương đã được sử dụng ở các kỳ thi Toán học trẻ quốc tế XIMC và Olympic Toán & Khoa học Quốc tế IMSO.
Bên cạnh đó, thầy Phương còn được xem là người thầy “mát tay” khi trong 33 năm giảng dạy Toán phổ thông cũng như huấn luyện các đội tuyển khối Tiểu học & THCS của Việt Nam dự thi Toán Quốc tế, thầy đã tạo ra nhiều thế hệ học sinh đạt được nhiều thành tích ấn tượng.
Năm 2007 với “Công nghệ cáp treo” khi truyền thụ kiến thức, thầy đã đào tạo 5 học sinh lớp 6 thi Đại học. Các em đã giải thành thạo đề thi môn Toán Tự Luận đạt trung bình 8/10 điểm dưới sự chứng kiến của cán bộ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cùng đông đảo báo giới. Sau đó có 3 em được du học bậc THPT tại Singapore, Đại học và Tiến Sĩ ở Mỹ.
Ba thầy Trò Trần Phương, Trần Xuân Bách và Ngô Quý Đăng hội ngộ tại lễ trao giải IKMC 2022. Năm 2016 Thầy Phương dạy Trần Xuân Bách & Ngô Qúy Đăng được 4 HCV ở 2 kỳ thi APMOPS, IMSO. Sau này ở khối chuyên ĐH KHTN Ngô Quý Đăng được 2 HCV Toán học IMO, Trần Xuân Bách được 5 Huy chương Tin học gồm 1 HCV và 1 HCB Olympic Tin học Thế giới IOI cùng 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Duong APIO |
Từ 2009 cho đến nay, thầy Trần Phương tham gia đào tạo nhiều thế hệ học sinh trong các Đội tuyển Toán đại diện cho Việt Nam tham dự các kỳ thi Toán Quốc Tế có uy tín nhất khối THCS. Đó là APMOPS, XIMC, IMSO (được Sở GD & ĐT Hà Nội chỉ đạo tổ chức thi tuyển vòng loại) với 108 HCV, 164 HCB và 195 HCĐ. Trong đó có nhiều lần Đội tuyển Toán Việt Nam đứng đầu thế giới.
Là “người lái đò” giúp nhiều “Tài năng nhí” Việt Nam đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế, tuy nhiên, thầy Trần Phương cho rằng, hiện nay, các cuộc thi gắn mác Toán quốc tế đang bùng nổ “đa cấp” còn hơn thi hoa hậu ao làng.
Thầy giáo đã có những trao đổi với chúng tôi xoay quanh vấn đề đang được xã hội rất quan tâm.
Các cuộc thi Toán quốc tế đa cấp hơn thi hoa hậu làng
- Thưa thầy, nhiều người cho rằng, giai đoạn hiện tại là thời điểm “bùng nổ” các kỳ thi Toán được gắn mác quốc tế. Thầy cũng có nhận định: Các cuộc thi Toán quốc tế đa cấp nhiều hơn thi hoa hậu làng. Cụ thể, các cuộc thi Toán quốc tế mà thầy đề cập đang diễn ra như thế nào?
Trong Covid-19, ngành Giáo dục Việt Nam và toàn cầu phải thích ứng với các khó khăn nên đã dần chuyển đổi học và kiểm tra từ offline sang online. Sau Covid-19, rất nhiều quốc gia chưa hồi phục kinh tế nên nhiều kỳ thi vẫn duy trì online.
Nắm bắt căn bệnh thành tích của học sinh và phụ huynh học sinh, một số công ty giáo dục ở Việt Nam kết nối với các tổ chức tư nhân nước ngoài để nhập khẩu hơn 100 cuộc thi ở các môn Toán - Tiếng Anh - Tin học - Stem và Kỹ năng. Trong đó riêng môn Toán có khoảng 60 cuộc thi.
Chất lượng các cuộc thi rất khác biệt. Rất ít các cuộc thi miễn phí, đa số mỗi thí sinh phải đóng phí từ 350 ngàn VNĐ đến 700 ngàn VNĐ (gấp 10-20 lần lệ phí 35 ngàn VMĐ/1 môn thi THPT Quốc gia) cho các vòng thi online hay offline tại Việt Nam. Còn khi sang “Tây” nhiều thí sinh phải đóng phí từ 2000 USD đến 5000 USD/người.
- Tại sao các cuộc thi Toán quốc tế nở rộ, có nhiều cuộc thi thiếu chất lượng nhưng vẫn được phụ huynh hào hứng đầu tư cho con đi thi? Và việc chạy theo “hư danh ảo” này sẽ mang lại những hệ lụy gì, thưa thầy?
Điểm then chốt để "kinh doanh" thành công các cuộc thi Toán quốc tế “ao làng” đến từ việc truyền thông điệp tới các trường và gia đình để họ hội tụ chung nhau ý nghĩ: “Chưa bao giờ học sinh có cơ hội nhận huy chương quốc tế ở trong nước dễ dàng đến thế”.
Ban tổ chức (BTC) biết tạo ra “cơn mưa giải thưởng” với khoảng 80% - 90% số thí sinh được giải ở Vòng quốc gia để các gia đình và các con “ngất ngây” trên đỉnh vinh quang của một kỳ thi có gắn mác "Made in quốc tế". Một số phòng Giáo dục và các trường còn vinh danh các cháu như những “chiến binh anh hùng”, “Tài năng đất nước”...
- Trong hoàn cảnh có phần “bát nháo” ấy, theo thầy, làm thế nào để nhận diện một cuộc thi uy tín?
Các tiêu chí cơ bản nhận diện một cuộc thi quốc tế là mô hình tổ chức thi, cách ra đề thi, chấm thi và trao giải. Các quốc gia đăng cai tổ chức các cuộc thi Olympic Toán học trẻ XIMC, Olympic Toán & Khoa học IMSO cho học sinh khối THCS cũng giống như các Quốc gia đăng cai tổ chức các kỳ thi Olympic cho học sinh THPT ở cả 5 môn Toán– Lý – Hóa- Sinh - Tin.
Tức là học sinh dự thi đều được “miễn phí” và các nước đăng cai phải bỏ ra kinh phí khoảng 2 triệu USD để bao toàn bộ chi phí “Ăn uống - Ở - Thi cử - Đi lại - Tham quan - Giao lưu- Trao giải” cho các Đội tuyển đến dự thi từ khắp 5 châu. Mỗi đội tuyển đại diện cho các quốc gia chỉ có 6 thí sinh (riêng XIMC & IMSO có thêm một đội hình 2 gồm 6 thí sinh).
Cách xây dựng đề thi và chấm thi ở các cuộc thi Olympic “miễn phí” này rất chuyên nghiệp và được điều hành bởi một Uỷ ban Quốc tế. Trong đó các quốc gia đều có thể gửi bài đề nghị. Sau khi chấm thi, BTC công bố và trao giải thưởng cho 60% tổng số thi sinh dự thi với tỷ lệ: HCV : HCB : HCĐ = 1 : 2 : 3. Tức là có 40% thí sinh dự thi không có giải.
Việt Nam đã từng tổ chức các kỳ thi Olympic Toán IMO năm 2007, Olympic Vật lý IPhO năm 2008, Olympic Hóa học IChO năm 2014, Olympic Sinh học IBO năm 2016 và Olympic Toán & Khoa học IMS0 năm 2019 cũng theo mô hình và quy chế nêu trên.
Các cuộc thi AMC Mỹ, AMC Úc, IKMC Pháp và IMAS có tính chất cộng đồng nhằm đánh giá năng lực Toán học cho nhiều khối lớp dự thi. Đề thi được Hội Toán học Mỹ, Úc, Pháp và Uỷ ban Toán học Châu Á sáng tạo hoặc biên tập từ các đề dự tuyển từ các nước thành viên (IKMC, IMAS) nên tính khoa học là rất cao.
Các cuộc thi khác do các tổ chức tư nhân vận hành theo mô hình kinh doanh đa cấp thu - chi. Do tự vận hành với định hướng kinh doanh nên yếu tố khoa học sẽ luôn xếp dưới yếu tố kinh doanh. Hầu khắp các đề thi không có yếu tố mới mà chỉ là chế biến xào nấu các đề thi đã có từ trước đó. Rất hiếm gặp các bài Toán mang ý tưởng mới, hay và khó tương ứng với khối lớp.
- Việc nhà trường khích lệ học sinh tham gia các kỳ thi Toán quốc tế, cha mẹ không tiếc tiền bạc, thời gian đầu tư cho con, xét về mặt tích cực, liệu có phải là sự quan tâm và niềm yêu thích đối với môn Toán của học sinh Việt Nam hiện nay đã tăng lên?
Nếu so sánh giữa chơi các game vô bổ hoặc chán không chịu học lại những kiến thức quen thuộc trong SGK hay sách tham khảo thông dụng (vì biết rồi khổ lắm nói mãi) thì tham dự thêm một vài kỳ thi có yếu tố “Tây” này cũng có ý nghĩa nhất định.
Nhưng nếu biết rằng các loại đề thi “xào nấu này” chúng ta hoặc cá nhân tôi có thể sản xuất hàng chục đề thi trong 1 ngày thì việc tốn công sức của nhiều đơn vị giáo dục và phụ huynh học sinh là một sự rất lãng phí. Chiếc áo khoác không thể làm nên thầy tu và các tấm huy chương từ các cuộc thi “quốc tế rởm” không thể chắp cánh tài năng được. Sự quan tâm của bố mẹ cần phải song hành với hiểu biết của trí tuệ thì mới có được hiệu quả tối ưu.
“Rất vô lý khi nhập khẩu hơn 60 kỳ thi TQT từ các nước non kém hơn nhưng xuất khẩu chỉ là con số 0”
- Nói riêng về các cuộc thi Toán có thương hiệu uy tín thì theo thầy, liệu có nên cho học sinh đi thi càng nhiều càng tốt? Có ý kiến nhận định, “cuộc đời của một đứa trẻ không nên tính bằng số lượng huy chương đạt được mà cần tính bằng việc chúng sẽ làm được gì. Việc tham gia nhiều cuộc thi có khả năng làm hỏng tư duy của một đứa trẻ hơn là tạo cho chúng một lối tư duy tốt hơn”, thầy nghĩ sao về quan điểm này?
Việc học và thi Toán cần đặt trong một chiến lược lâu dài với tổng thể giáo dục toàn diện để hướng đến chuỗi chu trình giá trị đào tạo theo các nấc giá trị : “Thông minh - Thành công - Hạnh phúc và Lan tỏa”. Theo nghĩa rộng này thì ở bậc phổ thông nhiệm vụ chính là “thu nạp kiến thức và trau dồi các kỹ năng học tập”. Còn việc “Thi thố” các cuộc thi nằm ngoài quy chế của Bộ GD & ĐT chỉ là các biến đổi trung gian nuôi dưỡng cảm xúc.
Vì thế nếu cho con tham gia thi gia đình cần chọn lọc kỹ lưỡng các cuộc thi có thương hiệu hàng đầu và dành nhiều thời gian ôn luyện trước khi thi đấu. Gia đình có thể cho bé trau dồi ôn luyện kiến thức và tự kiểm tra đánh giá dưới rất nhiều hình thức offline hay online với bài thi từ các năm trước.
Sau khi đã tích lũy đủ và bố mẹ, thầy cô đánh giá có năng lực và đủ độ chín để thi thố thì mới rút gọn lại chọn cuộc thi vừa sức. Theo tôi nếu không có năng lực Toán học vượt trội thì nên tham dự mỗi năm từ 1 đến 3 cuộc thi Toán học cộng đồng là VMTC (Việt Nam); IKMC (Pháp), AMC Mỹ, AMC Úc, SASMO Singapore và IMAS.
Học sinh 11-12 tuổi có năng khiếu Toán có thể thi thêm 2 trong 4 cuộc thi có thương hiệu Top đầu APMOPS, IMSO, XIMC, BEBRAS. Học sinh THPT có năng khiếu Toán có thể thi thêm ITOT (NGA) VÀ IGO (IRAN) và xuất sắc nhất là thi tuyển IMO.
- Để giảm nhập khẩu các cuộc thi Toán quốc tế và giảm xuất khẩu học sinh thi Toán quốc tế, theo thầy, cần có những giải pháp gì?
Để giảm nhập khẩu các cuộc thi “quốc tế” rất cần các cơ quan báo chí thông tin đến các cơ quan ban ngành trong đó có Sở GD & ĐT Hà Nội và TP.HCM thẩm định chất lượng các công ty đại diện đã triển khai mô hình đa cấp các kỳ thi quốc tế tại Việt Nam.
Truyền thông đến các tầng lớp PHHS để nhận diện các kỳ thi quốc tế. Thật nực cười khi biết rằng trên đấu trường trí tuệ danh giá nhất IMO, Đội tuyển Việt Nam xếp thứ 4/104 Quốc gia tại IMO 2022 và xếp thứ 6 /112 Quốc gia tại IMO 2023 vượt xa các nước Singapore (12), Thái Lan (19), Đức (20), Úc (23), Hongkong (24), Philippin (27), Malaysia (44).
Ấy thế mà các công ty dẫn mối đa cấp lại đưa các kỳ thi từ các nước có thành tích IMO kém hơn để chúng ta phải đóng phí “khôn” cho các cuộc thi quốc tế “ao làng”. Rất vô lý khi nhập khẩu hơn 60 kỳ thi Toán quốc tế từ các nước non kém hơn nhưng xuất khẩu chỉ là con số 0.
- Đứng trên góc độ một người có kinh nghiệm nhiều chục năm cùng học sinh nhiều thế hệ chinh chiến các cuộc thi Toán quốc tế, thầy có so sánh gì giữa các bạn gen Z bây giờ với các cựu học sinh trước đây?
Về cơ bản thế hệ học sinh trước đây có tính tự học và tư duy phản biện tốt hơn thế hệ gen Z. Khi công nghệ và phương tiện nghe nhìn phát triển thì hành vi học tập hay vui chơi dễ có tính chất game hóa và trẻ dễ bị ảnh hưởng tư duy rập khuôn theo mệnh lệnh.
Mặt khác việc kiểm tra, thi thố đều phổ biến phương thức trắc nghiệm “Khoanh - Bôi” nên học sinh ngày càng bị "Robot hóa". Ngày trước, thường học sinh học giỏi Toán thì học Văn, Sử, Địa… cũng dễ giỏi vì biết cách dùng tư duy logic trong bố cục trình bày và lập luận. Nhưng hầu khắp các bé thế hệ gen Z phổ biến là chữ xấu và viết Văn không tốt.
Xin cảm ơn Thầy.