Chung kết Đường lên đỉnh Olympia diễn ra vào ngày 2/10 đã tìm ra chủ nhân của vòng nguyệt quế là thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình).
Ngay sau khi chương trình kết thúc, trang Fanpage chính thức của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã đăng tải bài viết đính chính về một câu hỏi hỏi tiếng Anh trị giá 30 điểm trong phần thi Về đích của thí sinh Vũ Nguyên Sơn (THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam). Tuy nhiên, mới đây cư dân mạng lại tiếp tục tìm ra hai câu hỏi liên quan đến lịch sử khiến nhiều khán giả theo dõi chương trình hoài nghi về độ chính xác thông tin đáp án.
Cụ thể, trong phần thi Về đích, thí sinh Anh Đức nhận được câu hỏi 30 điểm với nội dung: "Dân gian có những câu: 'Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim bắt ập'. Ở đây, "Ba vương" là ba vị vua nào?".
Câu hỏi dành cho thí sinh Anh Đức |
Ban tổ chức đã đưa ra câu trả lời "Ba vương tập đế" chỉ vào việc trong vòng chưa đầy bốn tháng sau khi vua Tự Đức mất, đã có liên tiếp ba vị vua thay nhau lên ngôi là Hàm Nghi, Kiến Phúc và Hiệp Hòa. Nhiều ý kiến cho rằng đáp án câu hỏi lịch sử này chưa chính xác, vua Hàm Nghi không thể nằm trong câu vè này.
Theo GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, câu hỏi này không phù hợp để đưa vào bộ câu hỏi của một cuộc thi về kiến thức. Ông cho rằng, chưa có nghiên cứu hay chứng cứ cụ thể nào chỉ ra "Ba vương" là vua Hàm Nghi, Kiến Phúc và Hiệp Hòa.
"Việc lấy câu đồng dao để gắn với những biến cố lịch sử lớn của đất nước cần dựa trên nghiên cứu đầy đủ. Việc đưa câu đồng dao này vào đề là mạo hiểm. Ban tổ chức cần rút kinh nghiệm những lần sau", GS.TS Hồng Tung nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một nhà sử học cho biết trong câu hỏi này nếu nói đáp án có vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc thì đúng, nhưng chắc chắn không có vua Hàm Nghi.
"Vua Hàm Nghi không thể ở trong đáp án này được, vì sau này đi kháng chiến ông bị đày ra hải đảo sau đó lấy vợ, đến năm 1944 mất.Sự kiện 'tứ nguyệt tam vương' là từ 19-7 (ngày vua Tự Đức mất) đến 29-11-1883 (vua Kiến Phúc lên ngôi). Còn vua Hàm Nghi lên ngôi 2-8-1884 nên không liên quan đến câu vè 'ba vương tập đế'".
Ông Nguyễn Hùng Vĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cho biết câu vè này vốn có nhiều dị bản, lại nằm trong một bài ca dao cũng có nhiều dị bản và có rất nhiều cách giải thích khác nhau.
"Cái sai cơ bản là nằm ở người ra đề, không theo dõi nghiên cứu văn học dân gian nên cả tin vào một số ý kiến trên các trang mạng rồi ra câu hỏi và làm đáp án", ông Vĩ nói.
Với câu hỏi "Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?", thí sinh Đình Tùng trả lời đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ". Sau đó MC đã xin ý kiến ban cố vấn, PGS sử học Lê Văn Lan đã trả lời và chấp nhận đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ".
Câu hỏi Địa lý dành cho thí sinh Đình Tùng |
"Ngôn ngữ thế kỷ 19 gọi là nhất thống, còn đến thời đại chúng ta thì thành ra là thống nhất. Nguyên văn thì phải nói là Đại Nam nhất thống toàn đồ, nhưng cái nghĩa của nhất thống hay thống nhất là một, và em đó đã nói được", Nhà sử học Lê Văn Lan giải thích thêm.
Nhiều khán giảđã phát hiện đáp án chính xác của câu hỏi này phải là "Đại Nam nhất thống toàn đồ" và cho rằng "thống nhất" và "nhất thống" có ý nghĩa rất khác nhau.
GS.TS Phạm Hồng Tung cho biết, hai từ "thống nhất" và "nhất thống" mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cụm từ "nhất thống toàn đồ" mang ý nghĩa quốc thống được quy về một mối, được vẽ thành một bản đồ. Còn cụm từ "thống nhất toàn đồ" mang ý nghĩa thống nhất sau quá trình phân tranh trước đây.
Việc xuất hiện nhiều lỗi sai trong cuộc thi đang trở thành chủ đề bàn tán của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng ban tổ chức nên tham khảo các kiến thức, các phương án khác nhau cho từng câu hỏi để xem xét đáp án của thí sinh có phù hợp hay không.