Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, với 21 trang giấy làm bài thi Văn lớp 10, em Nguyễn Trần Ban Mai (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) xuất sắc trở thành tân thủ khoa đầu vào môn Văn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh với số điểm là 53,5 (trong đó, Toán đạt 8,5 điểm; Văn 9,75 điểm; tiếng Anh 8,25 điểm và điểm môn chuyên là 9).
Nguyễn Trần Ban Mai |
Tuy nhiên việc nữ sinh viết 21 trang khi thi văn lại khiến dân mạng tranh cãi gay gắt. Nhiều người dành lời khen cho em vì cho rằng phải có vốn kiến thức phong phú, tư duy mạch lạc nhưng cũng có người lại cho rằng việc viết 21 trang cũng không cần thiết. Có người còn chỉ trích giám khảo “hẳn đang đo gang chấm điểm”.
Một ý kiến khác cho biết: "Thay vì tìm kiếm "một tư duy văn học", lấy sự sáng tạo, lay động của cảm xúc làm mục đích thì trẻ lấy viết dài, viết bôi làm barem cho "đẳng cấp" văn chương của mình".
Trao đổi với VietNamNet, cô giáo Nguyễn Phương Thanh - Tổ Phó Tổ Văn, Sử, Địa, Giáo dục Công dân (Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội) cho rằng với thời gian 150 - 180 phút, việc viết đến 21 trang thì là phi thường. Nữ sinh này phải có bút lực dồi dào, tức khả năng tư duy, diễn đạt và tốc độ viết rất nhanh
“Tôi cho rằng đây không phải chuyện nhất thời toả sáng. Em ấy đã chứng tỏ thực lực của mình trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và bằng chứng là em đã đạt giải Nhất môn Văn cấp tỉnh đầy thuyết phục.
Đó là một nhân tài không có gì phải bàn cãi. Là một giáo viên, tôi thấy khâm phục và trân trọng những học sinh có năng khiếu nổi trội như thế”, cô Phương Thanh nói.
Tuy nhiên, theo cô Phương Thanh, không phải ai viết dài cũng đồng nghĩa với việc viết hay: “Một bài văn hay trước tiên phải là một bài văn đúng và đủ ý, tức phải đúng chủ đề, có hệ thống ý mạch lạc, liên kết chặt chẽ, hành văn sáng rõ, dễ hiểu, sau đó mới xét đến các yếu tố khác như diễn đạt uyển chuyển, cách viết giàu hình ảnh, cái kết gây ấn tượng và để lại dư âm sâu sắc trong lòng người đọc...”. Cô Thanh cũng cho rằng, ngày nay, giáo viên chú trọng rèn luyện cho học sinh cách viết ngắn gọn nhưng đủ ý, lập luận chặt chẽ. Thực tế có nhiều bài viết ngắn gọn, khúc chiết nhưng vẫn sâu sắc.
Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Ngữ văn của Trường THPT Chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình), ở độ tuổi của em, tay chưa có lực nhiều mà vươn lên như vậy là điều đáng nể phục.Việc viết dài hay ngắn còn tùy thuộc vào sự lựa chọn, khả năng và “tạng” Văn của mỗi người. Do đó, dung lượng dài hay ngắn không phải thước đo cho chất lượng một bài thi Văn.
Cô giáo Nguyễn Thiên Hương, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), chcó những thí sinh viết dài nhưng lan man hay có những học sinh viết rất ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn thuyết phục; nhưng lại có những bài viết quá ngắn không đủ ý. Một bài văn hay phải rõ trọng tâm đề bài, đủ ý, diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ, logic...
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Đinh Hồng Nhung, giáo viên Văn ở Than Uyên, Lai Châu cho hay: "Tôi đã chấm thi Văn nhiều năm, nhiều lần hạ bút cho những bài văn 9,5 điểm vì bài làm đảm bảo các ý cơ bản nhất, hành văn súc tích, có cảm xúc. Chỉ vì thiếu chút điểm đọc hiểu và sáng tạo, nếu đủ cả thì tôi cũng cho trọn vẹn 10 điểm.
Tôi không lạ những bài văn trên 9, học sinh viết say sưa và đầy cảm xúc. Tôi cảm thấy trân trọng nỗ lực và cảm hứng mà trẻ nhận được từ đề bài. Có người cho rằng các em học vẹt, chép mẫu nhưng nếu chép sách thì không bao giờ chép được nhanh thế. Chỉ có tự viết bằng cảm xúc và tư duy cực nhanh ý, nhiều khi viết không kịp dòng tư duy thôi thúc mới được như vậy. Bản thân tôi từng ôn học sinh giỏi Văn, dạy học sinh giỏi Văn và cả viết Văn nên không lạ việc khi có cảm xúc với một đề bài thì viết nhanh cỡ nào.
Văn dài chưa chắc đã điểm cao, nếu viết lan man không trọng tâm, không rõ ý nhưng văn dài mà điểm cao, chắc chắn văn hay, mạch lạc. Xin dừng gato với đứa trẻ và nên chúc mừng cô bé có điểm 9,75 môn Văn và chúc mừng THPT chuyên Hà Tĩnh đã tìm được một học trò yêu Văn và tư duy nhanh, kỹ năng viết tốt".