• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từng tuyệt vọng vì bị so sánh, nam sinh gặp "bước ngoặc" giúp thay đổi tích cực: Nhắn nhủ lời gan ruột đến các bậc phụ huynh

Long sẽ mãi cô đơn trong gia đình của mình nếu không gặp được cô giáo Mai Thủy, giúp em có...

Sự phát triển tâm hồn của một đứa trẻ giống như bắt đầu từ một tờ giấy trắng, những gì cha mẹ viết và vẽ trên đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách suốt đời của chúng. Mỗi lời nói, mỗi hành động của người lớn đều là kim chỉ nam cho sự giáo dục trẻ, một khi có sai sót có thể gây ra sự méo mó, lệch lạc về nhân cách.

Tuy nhiên, có một sự thật mà chúng ta cần thừa nhận: Nhiều ông bố, bà mẹ thường không nhìn nhận được điểm đặc biệt của con cái. Họ thường cho rằng "con nhà người ta" là một hình mẫu hoàn toàn lý tưởng, và mặc định con em của mình phải chạy theo những khuôn mẫu ấy. Từ đó, có những lời nói gây sát thương cho con. Trong trường hợp này, mặc dù mục đích là cho trẻ một hình mẫu hoặc mục tiêu để tiến bộ, nhưng đối với hầu hết trẻ em, sẽ gây ra áp lực rất lớn và khiến trẻ dễ bị phản kháng về mặt tâm lý.

Nhiều người nghĩ lời nói thoảng gió bay, nhưng hãy nhớ lại xem, có phải đôi khi chính những người lớn chúng ta cũng mãi không quên được một câu nói tổn thương dù vô tình hay cố ý nào đó? Vết thương thể xác sẽ có ngày lành da, vết thương từ tinh thần đôi khi đeo bám mãi. 

Một nam sinh cũng từng trải qua cảm giác tuyệt vọng khi bị cha mẹ so sánh. Xuất hiện trong chương trình Học sinh nói của VTV7, nam sinh Đặng Đức Long - cựu học sinh THCS Nhân Chính, Hà Nội cho biết, với em so sánh đã là chuyện "như cơm bữa" từ hồi 5 tuổi.

Từng tuyệt vọng vì bị so sánh, nam sinh gặp

 

Cụm từ "con nhà người ta" ám ảnh em đến tận bây giờ

"Câu chuyện của em bắt đầu từ 5 tuổi, lúc ấy em bắt đầu nhận thức được sự so sánh của bố mẹ giữa em và "con nhà người ta". Cụm từ "con nhà người ta" ám ảnh em đến tận bây giờ. Em ngại đối mặt với nó, sợ nó. Em thường bị bố mẹ so sánh trong học tập, về ngoại hình. Bố mẹ có những câu nói kinh điển như: Mày nhìn con nhà người ta cao to thế kia còn mày thì chán; Cùng một ngày mà nó được học sinh giỏi, ngoan ngoãn còn mày thì chả được tích sự gì. 

Những câu nói ấy làm em nản chí với mọi thứ, làm em bức xúc. Và cũng từ câu nói đấy em cũng có ghét những bạn mà mình bị so sánh. Những lần so sánh như thế em thường có những hành động tiêu cực, khi bố mẹ vừa nói xong thì em chạy vào phòng đóng cửa 1 cách mạnh nhất để thể hiện sự không hài lòng của mình. Sau khi chốt cửa phòng lại em đấm liên tục vào tường.

Một lần làm em nhớ nhất đó là: Khi bố mẹ nói xong, em bật lại, em bảo bố mẹ: Bố mẹ thích thì bế con nhà người ta về nà nuôi. Em nghĩ đây là một cách để em có thể giải toả bản thân, để không bị khó chịu. Và khi bình tĩnh lại thì em cũng có nghĩ: Tại sao bố mẹ lại so sánh. Có thể là muốn mình có động lực để trở nên tốt hơn, hay là bố mẹ chưa hài lòng về mình? Nhưng mà mặc dù thế nào thì em vẫn muốn là chính mình, em không muốn bị so sánh".

Long cho biết, em còn bị so sánh với những người trong gia đình mình. Bố em thường bảo "bằng tuổi mày bố làm được nhiều việc", làm được những việc abc, xyz. Em nghe thì cũng cảm phục bố, nhưng câu chuyện cứ lặp đi lặp lại làm em chán, chẳng muốn nói chuyện hay mở lòng với bố.

Các chị và mẹ cũng nói với Long là: "Mày nhìn bố kìa, bố làm được bao nhiêu việc, còn mày lóng nga lóng ngóng chẳng được tích sự gì". Em cũng chỉ biết nghe. "Em ước gì em có sức mạnh nào đấy, siêu năng lực nào đấy để làm bố mẹ không thể nói mình nữa, để bố mẹ hiểu mình hơn, biết lắng nghe mình. Điều đấy không thành sự thật, em cũng bị so sánh", Long chia sẻ.

Một lần làm Long nhớ nhất là vào năm lớp 6, em lỡ ném bút vào mắt 1 bạn. Lúc đấy, em tưởng bạn không có vấn đề gì, nhưng sau đó bạn gục đầu xuống bàn khóc. Trong đầu em nghĩ "thôi, xong rồi". Một phần em lo cho bạn, phần nữa sợ bố mẹ biết chuyện sẽ nói mình thậm tệ, như mỗi lần em làm điều gì dại dột.

"Ví dụ bố mẹ thường nói: Mày ngu như con lợn; Mày dại lắm con ạ. Nghĩ đến điều đấy em càng không muốn để bố mẹ biết chuyện. Nhưng chuyện gì đến cũng đến. Mẹ biết chuyện, đến trường trong sự tức giận mà nói to đến nỗi tất cả phụ huynh và học sinh đều nghe thấy. Trong đầu em nghĩ là: Chắc mọi người nghĩ thằng này chẳng ngoan ngoãn gì. Em chỉ muốn đào một cái hố nhảy xuống. Nhưng mà em vẫn phải nhắm mắt, cắn răng chịu đựng ngồi ở trên xe", nam sinh nhớ lại.

Long cho biết, có những lúc em nghĩ bố mẹ mình không phải là bố mẹ ruột. Em nghĩ bố mẹ ruột em chắc sẽ trân trọng và yêu quý em hơn nhiều. Khi ở nhà chỉ 4 bức tường, em không biết chia sẻ với ai, không có ai lắng nghe. Kể cả bố mẹ, nếu có nói chuyện cũng chỉ là cuộc nói chuyện ngắn, không đọng lại gì. Em cũng không thích ở nhà nhiều. Ở nhà và ở ngoài, Long là hai con người khác nhau. Đến lớp thì hăng hái phát biểu, nghịch ngợm hơn, đến mức cô phải gọi về nhà. Nhưng mẹ Long nói: Không, cháu ở nhà ngoan lắm. Vì ở nhà em đâu được là chính mình.

Và Long sẽ mãi cô đơn trong gia đình của mình nếu không gặp được cô giáo Mai Thuỷ, giúp em có động lực nói lên câu chuyện của mình.

Cô giúp em viết những bức thư gửi cho bố mẹ, để cho em và các bạn trong lớp có thể kết nối với bố mẹ nhiều hơn. Trong thư, Long viết rõ mong bố mẹ có thể hiểu em hơn. Từ đó, mối quan hệ giữa hai bên cũng tích cực hơn.

"Điều em muốn nói với các bậc phụ huynh là đừng so sánh con mình với con nhà người ta. Lúc đấy, bọn con sẽ cảm thấy rất khó chịu, bị tổn thương. Bố mẹ hãy chọn cách lắng lại, nói chuyện với con, tâm sự với con để hiểu con hơn. Em muốn là chính mình, em muốn được bố mẹ yêu thương", Long nhắn nhủ.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, khi bố mẹ so sánh con với người khác và cho rằng con không bằng ai đó, con có thể cảm thấy bị tổn thương cũng như thất vọng vì không đáp ứng được kỳ vọng và tiêu chuẩn mà bố mẹ đặt ra.

Nếu con không hiểu rõ và không thể đạt được những tiêu chuẩn đó, con sẽ dần mất đi tự tin và tự đánh giá mình thấp hơn. Điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển tổng thể của con. Không chỉ vậy, từ những câu so sánh đó, con cũng có thể mang trong lòng sự ghen tị và đố kỵ với "con nhà người ta".

Nhiều cha mẹ khi đưa con đến gặp chuyên gia với suy nghĩ chữa một tổn thương tâm lý cũng đơn giản như chữa một vết thương trên cơ thể. Nhưng cách duy nhất có thể giúp bọn trẻ là cha mẹ phải học cách kết nối được với con, học cách hiểu và tôn trọng con, học cách giúp con phát triển được giá trị của bản thân. Khi đứa trẻ cảm thấy bất hạnh và vô giá trị trong ngôi nhà, rất có thể trẻ sẽ có hành vi tiêu cực.

Là cha mẹ, việc đặt kỳ vọng vào con cái là điều dường như khó tránh khỏi. Nhưng thực tế, khi so sánh con cái, chúng ta cũng nên suy ngẫm xem: Mình có tốt bằng cha mẹ người khác không? Liệu con cái chúng ta có so sánh chúng ta với cha mẹ các bạn cùng lớp không? Từ đó hiểu hơn cảm giác của con mình.

Nếu muốn so sánh thì bạn nên so sánh với chính con, chỉ cần lần này làm tốt hơn lần trước thì bạn có thể khen con nhiều hơn hoặc khen thưởng xứng đáng. Điều này sẽ khiến con bạn thực sự quan tâm đến thành tích của mình và làm việc chăm chỉ hơn một cách tự nguyện. 

Hiểu Đan

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật