• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao con ngoan, trò giỏi ít đột phá còn trẻ "gây rối" dễ thành doanh nhân thành đạt? Nữ Tiến sĩ chỉ ra 1 điểm khác biệt mấu chốt

Khi ra đời, đa số con ngoan trò giỏi đầu quân vào những công ty lớn, nhận lương cao, trở thành...

Vì sao những học sinh, sinh viên toàn điểm A ít khi trở thành doanh nhân, những nhà sáng chế, hay những nhà tư tưởng tạo nên những sáng tạo đột phá, thay đổi thế giới. TS Nguyễn Yến Khanh, Giảng viên Đại học Erasmus University Rotterdam (Hà Lan), quản trị viên của Pathfinders đã đưa ra những lý giải dựa trên cuốn sách Originals - How non-conformists change the world - Tư duy ngược dịch chuyển thế giới trong bài viết sau.

Xin chia sẻ quan điểm của chị:

 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Theo lý giải của Giáo sư Adam Grant trong sách Originals - How non-conformists change the world - Tư duy ngược dịch chuyển thế giới, con ngoan trò giỏi quá chú trọng vào việc học và làm chủ những kiến thức hiện hữu, tuân thủ quy định, tới mức ám ảnh với chủ nghĩa hoàn hảo.

Để đạt được thành tích cao, chúng phải đi con đường đã được vạch sẵn, có lộ trình an toàn, mà ít khi thách thức những cách làm quen thuộc. Nhưng vì quá chú trọng thành tích, những người trẻ này không dám mạo hiểm. Chúng học được luật chơi và khó có thể từ bỏ hào quang của thành tích để tạo ra luật chơi mới hay thậm chí game mới của mình. Vì vậy, khi ra đời, đa số con ngoan trò giỏi đầu quân vào những công ty lớn, nhận lương cao, trở thành nhà chuyên môn, lãnh đạo, nhưng ít khi làm gì đột phá, mà trở thành "những con cừu xuất sắc", theo cách gọi của William Deresiewicz - một tác giả, nhà tiểu luận và nhà phê bình văn học người Mỹ.

Trong khi đó, những đứa trẻ sáng tạo nhất thường được giáo viên dán nhãn là những kẻ gây rối. Khi trưởng thành, họ là những người nổi loạn, cách mạng, dám thách thức quy tắc, lối mòn, họ miễn nhiễm với nỗi sợ, không ngại bị từ chối hay chê cười. Trong nhiều nghiên cứu, những doanh nhân thành đạt có xác suất cao là teenager không thích vâng lời bố mẹ, đi chơi về muộn, trốn học, trộm vặt, bài bạc, uống rượu... Dù họ xuất thân từ những gia đình có nền tảng như thế nào, nhưng họ không tham gia vào những hoạt động nguy hiểm như lái xe khi say xỉn, lạm dụng ma túy hay ăn cắp đồ có giá trị.

Nếu nhìn lại những doanh nhân thành công, khi khởi xướng và bắt tay vào thực hiện ý tưởng mới, họ thường vẫn giữ công việc đang làm. Steve Wozniak sáng lập công ty với Steve Jobs năm 1976 trong khi vẫn làm việc toàn thời gian ở Hewlett-Packard tới 1977. Mặc dù Larry Page và Sergey Brin đã tìm ra cách để cải thiện tìm kiếm trên internet vào 1996, họ không bỏ học Stanford cho tới 1998.

Năm 1997, quá lo lắng rằng dự án search engine sẽ làm họ mất tập trung, không hoàn thành được chương trình Tiến sĩ, họ đã muốn bán Google với giá 2 triệu đô la. May cho họ là nhà đầu tư tiềm năng đã từ chối mua công ty. Ngay cả Bill Gates cũng vẫn xin Harvard cho bảo lưu kết quả học khi lao vào dự án phần mềm Microsoft của mình, và một năm sau mới thực sự bỏ học. Và tất nhiên, Bill Gates cũng có bố mẹ giàu bảo trợ nữa. Không hẳn là người mạo hiểm, Bill Gates được cho là người biết giảm thiểu mạo hiểm và có lưới an toàn nâng đỡ.

Những con người này thực ra đã biết phân bổ danh mục rủi ro. Khi họ táo bạo, mạo hiểm trong một khía cạnh công việc, họ lại rất cẩn trọng trong các mặt khác của cuộc sống. Thông thường chúng ta sẽ nghĩ là khi làm một lúc hai việc, họ sẽ khó có thể tập trung toàn tâm toàn ý vào dự án cách mạng. Nhưng có một thực tế là khi duy trì một nguồn tài chính ổn định, họ sẽ không bị áp lực phải tung ra sản phẩm chưa tốt.

Các nhà nghiên cứu tìm hiểu hồ sơ của những người đoạt giải Nobel và thấy rằng họ thường cũng là những người có sở thích nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, thủ công, viết lách hay biểu diễn. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy các doanh nhân, nhà sáng chế và những nhà khoa học nổi trội thường là người có nhãn quan cởi mở và cũng có thiên hướng thích thú với hình ảnh, âm thanh. Galileo phát hiện ra núi trên mặt trăng khi nhận ra những đường zigzag sáng tối, vì ông cũng có kinh nghiệm trong hội họa, chứ không phải vì kính viễn vọng của ông có khả năng khuếch đại hình ảnh hơn kính của các nhà nghiên cứu thiên văn khác.

Các nhà thiết kế thời trang sáng tạo nhất cũng thường có trải nghiệm sống và làm việc ở nước ngoài nhiều nhất. Khi đắm mình trong một nền văn hóa mới, đặc biệt khi văn hóa đó rất khác so với văn hóa gốc của bản thân, họ có cơ hội nội tâm hóa và chuyển hóa những góc nhìn, ý tưởng mới thành sản phẩm sáng tạo.

Vậy cha mẹ và các nhà lãnh đạo nuôi dưỡng, bồi đắp khả năng và tư duy nguyên bản như thế nào?

Đã có nhiều bằng chứng chỉ ra đứa con cả trong gia đình thường học giỏi và giữ vị trị lãnh đạo hơn vì từ lúc lọt lòng đã nhận được sự quan tâm chăm sóc, dạy bảo toàn tâm toàn ý của bố mẹ. Những người giành giải Nobel khoa học, trở thành nghị sĩ và giành các vị trí trong các cuộc bầu cử ở địa phương và toàn quốc có xu hướng là con cả. Một nghiên cứu phân tích hồ sơ của 1500 CEO tại các tập đoàn hàng đầu cho thấy 43% trong số họ là con cả.

Một nghiên cứu khác cũng đánh giá hồ sơ của 4 ngàn người, tại hàng chục nước châu Âu và thấy rằng khi bước vào thị trường lao động, con cả thường nhận được mức lương khởi điểm cao hơn 14% vì họ thường có kết quả học tập tốt hơn. Nhưng lợi thế này không còn nữa khi họ bước qua tuổi 30. Con thứ thường có mức độ tăng lương nhanh hơn vì họ sẵn sàng nhảy việc sớm hơn và thường xuyên hơn. Những đứa con cả thường ít mạo hiểm hơn con thứ, trong khi những đứa con thứ thấy anh chị mình quá ham muốn quyền lực và sự tuân thủ.

Trong một nghiên cứu khác, người tham gia đánh giá bản thân cùng anh chị em về thành tích học tập và tính nổi loạn. Con cả có xác suất là người học giỏi hơn con út 2, 3 lần. Nhưng con út lại có xác suất là người nổi loạn hơn con cả gấp 2 lần. Hàng trăm nghiên cứu đã chỉ ra mặc dù con cả thường có xu hướng lấn át hơn, hay sinh sự hơn, tham vọng hơn, con thứ thường có xu hướng mạo hiểm và có ý tưởng nguyên bản hơn.

Các nhà nghiên cứu thường lý giải rằng những đứa con sinh sau thường phải cạnh tranh với anh chị mình về trí tuệ và sức khỏe, nên chúng cũng chọn một cách khác biệt để định vị bản thân. Khi anh chị mình đã học giỏi và chọn những nghề nghiệp truyền thống, những đứa em trong gia đình thường chọn những công việc phi truyền thống hơn, chẳng hạn như diễn viên hài, thực ra là một nghề đòi hỏi tư duy nguyên bản và nổi loạn.

Ngoài ra cách mà cha mẹ nuôi dạy những đứa con cũng thay đổi. Khi mới có con đầu lòng, cha mẹ dành hết thời gian cho nó. Những đứa trẻ sinh sau ngoài việc phải cạnh tranh với anh chị mình, trong nhiều trường hợp cha mẹ cũng để cho anh chị trông em, và do đó những đứa em ít bị bao bọc bởi những nguyên tắc bảo thủ của người lớn hơn. Ngoài ra, khi đã có nhiều kinh nghiệm nuôi con hơn, cha mẹ cũng có xu hướng dễ tính hơn với đứa con thứ. Đến lượt đứa con út thì hầu như chẳng còn việc gì cho nó vì anh chị đã làm hết rồi, nên con út thường có xu hướng nghịch dại và mạo hiểm hơn.

Samuel và Pearl Oliner đã nghiên cứu những người không theo Do Thái đã mạo hiểm cuộc sống của mình để cứu những người Do Thái trong chiến dịch tàn sát của Hitler. Những người nghĩa hiệp này có nền tảng không khác gì những người thờ ơ. Thứ khác biệt duy nhất là cách cha mẹ nuôi dạy họ. Những người nghĩa hiệp được cha mẹ dạy dỗ bằng những lời giảng giải, gợi ý một cách tôn trọng. Điều này có nghĩa là họ có lòng tự tôn cao, được cha mẹ tin tưởng là sẽ hiểu, phát triển và cư xử tốt hơn.

Cha mẹ của những người nghĩa hiệp cũng thường giải thích tại sao những hành vi nào đó là không phù hợp khi gây ra hậu quả cho người khác, còn cha mẹ của những người thờ ơ thường nhấn mạnh vào việc tuân thủ luật lệ một cách nguyên tắc. Khi nhấn mạnh vào hậu quả của hành vi không phù hợp gây ra cho người khác, cha mẹ nuôi dưỡng lòng cảm thông và cảm giác tội lỗi. Hai cảm giác này là kim chỉ nam giúp các cá nhân mong muốn sửa sai và hành động đúng đắn trong tương lai.

Vì sao con ngoan, trò giỏi ít đột phá còn trẻ

Trong một nghiên cứu khác, cha mẹ thường có trung bình 6 luật lệ gia đình cụ thể, như thời gian biểu cần làm bài tập về nhà và đi ngủ. Cha mẹ của những đứa trẻ sáng tạo thường áp đặt ít nguyên tắc hơn nhưng họ nhấn mạnh vào các giá trị đạo đức, giúp con tự nhìn nhận được đúng, sai trong các hoàn cảnh cụ thể.

Cách cha mẹ khen chê cũng ảnh hưởng tới hành vi của con cái. Khi con cái làm việc tốt, cha mẹ nên khen tính cách. Thay vì nói "Chia sẻ đồ chơi với bạn là việc làm tốt", cha mẹ nên nói "Con là người tử tế và thích giúp đỡ người khác khi chia sẻ đồ chơi với bạn". Tương tự khi muốn ngăn chặn hành vi xấu, thay vì nói "Đừng dối trá - Please don't cheat", mà hãy bảo con "Đừng làm người dối trá - Please don't be a cheater".

Khi được cảnh báo "don't cheat", con vẫn có thể có hành vi dối trá nhưng tách biệt hành vi khỏi bản thể, vẫn coi bản thân là người đạo đức. Nhưng khi được cảnh báo "don't be a cheater," bất cứ hành vi dối trá nào cũng gắn với nhân diện của bản thân, khiến trẻ muốn tránh hành vi đó hơn. Tuy nhiên, các nhà giáo dục và tâm lý cũng khuyên khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên phê bình hành vi, không phê bình con người.

Cha mẹ cũng nên hướng con tới những hình mẫu tốt. Trong nhiều trường hợp, những nhân vật trong văn học cũng có thể là hình mẫu lý tưởng.

Thực tế là nhiều ý tưởng khoa học, kỹ thuật, kinh doanh đã hiện thực hóa những câu chuyện viễn tưởng và phiêu lưu. Người phát minh ra tàu ngầm và máy bay đã được gợi cảm hứng từ truyện Hai vạn dặm dưới đáy biển và Thiên mã của Jules Verne. Tên lửa đầu tiên cũng được phát minh dựa trên một tiểu thuyết. Điện thoại di động, máy tính bảng, GPS cũng được thiết kế bởi những người mê Star Trek.

Tất nhiên, thứ tự ra đời không quyết định bạn sẽ là ai, mà chỉ tạo ra các hoàn cảnh để tăng xác suất này và giảm xác suất kia. Bất kể chúng ta là con cả hay con út, nếu biết tới và theo đuổi những hình mẫu phi truyền thống, chúng ta cũng sẽ được gợi cảm hứng từ những nhân vật nguyên bản.

Hiểu Đan

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật